(GLO)- Nhằm chuẩn bị tốt cho việc vận chuyển hành khách dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai chủ động triển khai công tác này sớm hơn thường lệ. Các bến xe, đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn đã sẵn sàng để bước vào mùa vận tải Tết; phương án giá vé xe Tết Nguyên đán cũng đã được lập với mức phụ thu 20-60%.
Nâng cao chất lượng phục vụ
Các doanh nghiệp vận tải đã sẵn sàng phương án phục vụ Tết. Ảnh: Đức Thụy |
Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải, toàn tỉnh hiện có 35 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định với 687 đầu phương tiện. Trong đó, 18 đơn vị (hơn 50%) tham gia vận chuyển hành khách tuyến Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh-một trong những tuyến có lượng khách ổn định và thường tăng đột biến vào các dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó, để mở rộng thị trường cũng như thu hút khách hàng, nhiều hãng xe như Đức Đạt Thành đã đầu tư thêm 2 xe khách giường nằm, Công ty TNHH một thành viên Lưu Thu Gia Lai đầu tư thêm 2 xe…
Mặc dù tình hình kinh doanh vận tải đang gặp khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt, song về cơ bản, ngành này vẫn có tốc độ tăng trưởng đáng kể, cả về số đầu phương tiện và số chuyến. Năm 2016, số chuyến xe từ Gia Lai đi các tỉnh, thành tăng bình quân 240 chuyến/tháng so với năm 2015, nâng tổng số chuyến hoạt động bình quân một tháng năm 2016 lên 1.825 chuyến/tháng.
Bên cạnh đó, chất lượng phục vụ cũng được các đơn vị vận tải chú trọng hơn. Ông Nguyễn Tấn Phát-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Quốc Phát Chư Sê cho biết: “Tuy chỉ là một hãng xe nhỏ nhưng hãng thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ, thực hiện đúng các quy định về giá vé. Nhất là vào dịp Tết, công tác phục vụ hành khách càng chỉn chu hơn, không để chỉ vì vài ngày Tết mà đánh mất uy tín”.
Giá vé ngày càng giảm
Ảnh: Đức Thụy |
Khảo sát phương án phụ thu chiều rỗng dịp Tết Nguyên đán 2017, đa số các đơn vị vận tải đều có mức phụ thu dao động 20-60% tùy vào từng thời điểm. Trong đó, mức giá cước cao nhất tuyến TP. Hồ Chí Minh-Pleiku là 380.000 đồng/vé, Pleiku-Đà Nẵng: 250.000 đồng/vé, Gia Lai-Hà Nội: 930.000 đồng/vé, Gia Lai-Vinh: 770.000 đồng/vé, Gia Lai-Quảng Bình: 690.000 đồng/vé… |
Theo phương án giá vé dịp Tết Đinh Dậu năm 2017 của các đơn vị vận tải, mức phụ thu chiều rỗng sẽ từ 20% đến 60%, tùy theo tuyến và thời điểm. Tuy mức phụ thu này không có thay đổi nhiều so với các năm trước, nhưng thực tế giá vé giảm rõ rệt. Cụ thể, giá vé tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh vào những ngày cao điểm dịp Tết Nguyên đán, nếu tính theo mức phụ thu chiều rỗng cao nhất là 60% thì năm 2015 là 450.000 đồng/vé, năm 2016 là 400.000 đồng/vé và năm 2017 giảm còn 380.000 đồng/vé. Mặc dù có nhiều lý do tác động đến giá vé như giá dầu diezel giảm, sự cạnh tranh gay gắt… nhưng mức giảm trên đã phần nào giảm áp lực chi tiêu cho hành khách hiện nay, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của ngành vận tải hành khách bằng đường bộ.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn cũng đã sẵn sàng các phương án. Theo ông Nguyễn Hữu Tiên-Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại-Dịch vụ Thuận Ý Gia Lai, đơn vị có 11 đầu xe chạy tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh và các tuyến phía Bắc. Hiện Công ty đã triển khai phương án tổ chức vận tải nhằm quay vòng, tăng tần suất hợp lý, cũng như tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển.
Tương tự, tại các bến xe, công tác chuẩn bị phục vụ Tết cũng được quan tâm. Ông Đỗ Chiến Đấu-đại diện Bến xe Đức Long Gia Lai cho biết: Bến xe vừa mới lắp 14 camera ở các khu vực như: phòng điều hành, bãi đậu xe, cổng ra, cổng vào để tăng cường giám sát hoạt động diễn ra trong bến, quản lý lưu lượng xe ra vào, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho hành khách… Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp tính toán phương án tăng cường xe hợp lý, chủ yếu là tuyến TP. Hồ Chí Minh, có thể tăng cường từ các đơn vị đối lưu hoặc lượng xe chạy tuyến phía Bắc… Tuy nhiên, năm nay nghỉ Tết muộn lại ít ngày hơn so với những năm trước, trong khi lượng khách chuyển sang đi máy bay khá đông nên lượng khách có thể sụt giảm.
Lê Lan