Các đơn vị quản lý đường bộ kiểm tra, khắc phục sự cố các vị trí sạt lở trên đường Trường Sơn Đông, đoạn qua địa bàn huyện Ia Pa. Ảnh: Minh Phương |
Gia Lai được giao quản lý 4 tuyến quốc lộ (25, 14C, 19D và đường Trường Sơn Đông) có tổng chiều dài 370,8 km; 10 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài hơn 372,5 km và 199 cầu trên các tuyến. Trước mùa mưa bão, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Sở GT-VT cùng với các đơn vị quản lý đường bộ đã rà soát, xác định vị trí xung yếu để triển khai công việc cụ thể cho từng tuyến đường nhằm giảm thiểu thiệt hại khi sự cố xảy ra.
Cụ thể, các đơn vị tiến hành trám vá ổ gà, láng nhựa trên tất cả các tuyến đường; kịp thời khơi thông cống rãnh, không để nước chảy tràn trên mặt đường gây xói lở nền đường; bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra trên đường nhằm phát hiện ngay những vị trí hư hỏng để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Cùng với đó, căn cứ tình hình thực tế từng tuyến, các đơn vị quản lý đường bộ còn xây dựng kịch bản, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống mưa lớn.
Tại huyện Kbang, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế-Hạ tầng và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện các điểm hư hỏng công trình giao thông để có phương án sửa chữa kịp thời, đồng thời triển khai các phương án sẵn sàng, kịp thời ứng phó khắc phục sự cố về cầu đường khi mưa bão, ngập lụt xảy ra. Đặc biệt, đối với những vị trí nguy hiểm, xung yếu như: cầu tràn, cầu treo dân sinh, khu vực đá lăn, mái taluy âm, taluy dương có nguy cơ sạt lở cao... phải bố trí biển báo, lực lượng dân quân, Công an kịp thời điều tiết phương tiện khi có sự cố xảy ra để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Ông Phạm Thành Nhân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang-cho biết: Huyện đã có quyết định đầu tư sửa chữa nền, mặt đường và hệ thống thoát nước đường liên xã Krong-Lơ Ku; sửa chữa ngầm tràn, mặt đường, lề đường và hệ thống thoát nước đường từ trung tâm huyện đi xã Sơ Pai.
“Chúng tôi tiếp tục phối hợp với Công an huyện tăng cường kiểm tra, rà soát để xử lý, khắc phục các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, bất hợp lý về cơ sở hạ tầng giao thông; tổ chức kiểm tra, duy tu sửa chữa, khắc phục các hư hỏng trên các tuyến đường do huyện quản lý theo nguồn vốn sự nghiệp giao thông hàng năm”-ông Nhân thông tin.
Các đơn vị quản lý đường bộ kiểm tra, khắc phục sự cố vị trí sạt lở tại cầu Đak Pờ Tó, huyện Ia Pa. Ảnh: Minh Phương |
Được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra tuyến, hệ thống an toàn giao thông đoạn quốc lộ 25 có chiều dài gần 46 km từ xã Ia Peng (huyện Phú Thiện) đến thị trấn Chư Sê, ông Đỗ Ngọc Ánh-công nhân tuần đường Hạt Quản lý đường bộ Chư Sê-cho biết: “Trước, trong và sau các đợt mưa bão, chúng tôi thường xuyên tuần tra dọc trên tuyến, nếu phát hiện vị trí sạt trượt, đất đá trôi xuống lòng đường thì kịp thời thu gom để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện đi lại. Khi cây ngã đổ, đất đá tràn ra đường lúc mưa bão gây sự cố, ách tắc thì nhanh chóng thông báo lực lượng hỗ trợ, giải phóng hiện trường, bảo đảm các phương tiện lưu thông liên tục, an toàn”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai: Đơn vị được giao quản lý và bảo dưỡng tuyến quốc lộ 25, đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa bàn tỉnh. Từ ngày 9 đến 12-10, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài, tại cầu Đak Pờ Tó trên đường Trường Sơn Đông đoạn qua huyện Ia Pa, mực nước dâng cao tạo dòng chảy xiết gây sạt lở chân khay, mái taluy và xói tạo hàm ếch, xói vào mố 2 đầu cầu; mặt đường có hiện tượng lún lõm.
“Sau khi phát hiện sự cố, đơn vị đã kịp thời báo cáo Sở GT-VT và lên phương án tiến hành khắc phục, sửa chữa để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Gia Lai hiện vẫn đang trong mùa mưa, khả năng hư hỏng vẫn còn phát sinh, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi để phát hiện và khắc phục sự cố trên các tuyến đường được giao quản lý, bảo dưỡng”-ông Ánh thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở GT-VT-cho hay: Sở đã yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các tuyến đường bộ, cầu cống, đặc biệt là các công trình xây dựng nhằm kịp thời phát hiện các sự cố để có phương án xử lý kịp thời ngay từ đầu, không để sự cố diễn biến phức tạp. Cùng với đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng chức năng kiểm tra tất cả các công trình giao thông trên địa bàn, phát hiện, xử lý những vị trí có nguy cơ xói lở, mất an toàn để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão.
“Sở cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng-chống lụt bão với nguyên tắc “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả” và phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” nhằm hạn chế thấp nhất về thiệt hại khi có bão lũ, thiên tai xảy ra; kịp thời tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong mọi tình huống”-Giám đốc Sở GT-VT nhấn mạnh.