(GLO)- Gia Lai có hơn 720.000 ha đất có rừng (trong đó rừng tự nhiên gần 659.000 ha), độ che phủ rừng đạt 46,3%, được đánh giá là địa bàn có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất khu vực Tây Nguyên, đứng thứ hai của cả nước. Điều đáng nói là với 152.118 ha rừng dễ cháy (chiếm 48% diện tích rừng của tỉnh), nằm trong vùng nguy cơ cháy cao, bao gồm 127 khu trọng điểm cháy, đặc biệt là khu rừng trồng trên địa bàn các huyện Chư Pah, Mang Yang, thị xã An Khê và TP. Pleiku.
Ảnh: Minh Triều |
Trong năm 2014, công tác quản lý bảo vệ rừng có những chuyển biến tích cực. Cùng với việc chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng không còn phổ biến như trước… Năm 2014, qua tuần tra, truy quét, lực lượng chức năng đã phát hiện 1.057 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 179 vụ (13,9%) so với năm 2013. Phá rừng trái pháp luật, diện tích rừng bị thiệt hại, cháy rừng, vi phạm về quy định chế biến gỗ… đều giảm so với năm 2013. Tính chất và mức độ vi phạm cũng giảm.
Các hành vi vi phạm về khai thác rừng trái pháp luật được phát hiện tăng 20 vụ so với năm 2013, chứng tỏ công tác quản lý rừng tận gốc đã được quan tâm hơn và mang lại hiệu quả tích cực. Hành vi vi phạm về mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép giảm mạnh (171 vụ) thể hiện công tác quản lý các cơ sở chế biến lâm sản đã dần đi vào nền nếp và ổn định.
Việc triệt phá, ngăn ngừa các tụ điểm phá rừng đã được các ngành chức năng tăng cường trong thời gian dài. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo thành lập các đoàn công tác nhằm hỗ trợ các địa phương kiểm tra ngăn chặn các hành vi trên địa bàn một số huyện trọng điểm như: Kbang, Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ, Ia Pa, Krông Pa. Việc bố trí các Đội Kiểm lâm cơ động, các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường về cơ sở để hỗ trợ việc truy quét lâm tặc tại các huyện cùng với việc duy trì hoạt động của các đoàn liên ngành cấp huyện, xã đã góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm tài nguyên rừng; ngăn ngừa tình trạng di dân tự do và phá rừng làm nương rẫy.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng, chủ rừng, các địa phương tổ chức tốt việc thực hiện giao đất, khoán rừng, Chương trình 132, 134 của Chính phủ giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã hạn chế tối đa việc khai thác lâm sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các dự án liên quan đến công tác lâm nghiệp, xây dựng quy ước bảo vệ rừng tại cộng đồng các thôn làng, xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động trong công tác quản lý bảo vệ rừng giữa các ngành chức năng như Kiểm lâm, Công an, Quân đội, các đơn vị chủ rừng.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên đã chỉ đạo các lực lượng Kiểm lâm, Biên phòng, Công an và các địa phương, năm 2015, tập trung chủ yếu 2 nhiệm vụ trọng tâm là xử lý triệt để tình trạng xe độ chế, xe chở quá tải nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lâm sản trái phép và tập trung làm tốt công tác phòng-chống cháy rừng mùa khô.
Để quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm xây dựng và thực hiện bộ thủ tục hành chính về quy trình xác nhận nguồn gốc lâm sản cho các tổ chức, cá nhân. Với sự chỉ đạo quyết liệt ngay những ngày đầu năm, cùng với sự nỗ lực của ngành Kiểm lâm, các địa phương và chủ rừng, hy vọng công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Anh Khoa