(GLO)- Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy học, các trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống nhằm giúp học sinh hình thành và phát huy những phẩm chất tốt đẹp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ngày 27-3, hơn 700 học sinh của Trường THPT Pleiku đã tham gia Diễn đàn trực tuyến “Xây dựng tình bạn đẹp-Nói không với bạo lực học đường”. Hoạt động này do Ban Thường vụ Đoàn trường phối hợp với Tổ tư vấn tâm lý nhà trường tổ chức nhằm giáo dục ý thức, đạo đức, lối sống; ngăn chặn nạn bạo lực học đường và định hướng xây dựng tình bạn đẹp cho đoàn viên, thanh niên; góp phần xây dựng văn hóa học đường lành mạnh. Với chủ đề “Bắt nạt trên mạng xã hội, thanh niên với tình bạn, tình yêu và nói không với bạo lực học đường”, diễn đàn đã trở thành nơi để học sinh cổ vũ những thói quen tốt, hành động đẹp; chia sẻ kiến thức pháp luật có liên quan đến hậu quả do bạo lực học đường gây ra; trau dồi kỹ năng xử lý tình huống để ngăn chặn bạo lực học đường hoặc tham gia giải quyết, đấu tranh với các hành vi bạo lực học đường.
Em Lê Thị Mỹ Lài (lớp 12C1) hào hứng nói: “Hoạt động ngoại khóa này khá thú vị và ý nghĩa. Từ những tình huống giả định đưa ra tại diễn đàn, chúng em đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình và được các thầy cô tư vấn, cung cấp thêm những kiến thức chuyên sâu bổ ích. Thông qua đó, chúng em nhận thức đúng đắn hơn về tình trạng bạo lực học đường hiện nay cũng như biết cách xây dựng tình bạn đẹp, trong sáng và cùng tiến”.
Xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, những năm qua, Trường THPT Pleiku thường xuyên tổ chức các hoạt động lồng ghép liên quan. Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Đông Hải, Chi bộ nhà trường đã tổ chức 1 buổi sinh hoạt chuyên đề về nội dung này nhằm thảo luận và đề ra những giải pháp để chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả. Đoàn trường tuyên truyền cho học sinh tham gia đầy đủ các cuộc thi do ngành Giáo dục và Đoàn, Hội các cấp phát động; biểu dương và nhân rộng các gương người tốt, việc tốt trong học sinh trên website và fanpage của trường; phát triển các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao nhằm tạo sân chơi bổ ích.
|
Những năm qua, Trường THPT Pleiku luôn chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bằng nhiều hoạt động thiết thực. Ảnh: Mộc Trà |
“Đặc biệt, nhà trường còn đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý, quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình gặp biến cố hoặc những em có biểu hiện ham chơi, lười học; phối hợp với phụ huynh giúp các em ổn định tinh thần, vượt khó học tốt. Vào mỗi dịp lễ lớn, nhà trường cũng linh hoạt tổ chức các hoạt động nhằm bồi đắp tình yêu trường lớp, gia đình”-cô Hải thông tin thêm.
Nhiều năm làm công tác Tổng phụ trách Đội, thầy Trương Công Hương-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng (xã An Thành, huyện Đak Pơ) luôn cố gắng giúp học trò hình thành những thói quen tốt trong môi trường học đường. Theo đó, thầy Hương đã đề xuất Ban Giám hiệu nhà trường lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng cho học sinh vào các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm xuyên suốt năm học. Một số mô hình như: “Đôi bạn cùng tiến”, “Giúp bạn đến trường”, “Đàn gà đến trường”, “Vườn rau em chăm”... được triển khai hiệu quả trong những năm qua không chỉ giúp nhiều học sinh khó khăn có điều kiện tiếp tục tới lớp mà còn bồi đắp thêm tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau; từ đó, xóa bỏ dần khoảng cách giữa học sinh người Kinh và Bahnar trong trường. Song song với đó, Liên Đội còn chú trọng giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” thông qua các hoạt động về với địa chỉ đỏ, nhận chăm sóc Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ; tăng cường tập huấn kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, phòng-chống tệ nạn xã hội, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ... trong đội viên, học sinh.
|
Hành trình đến với địa chỉ đỏ là một hoạt động thường niên của Liên Đội Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng (huyện Đak Pơ) nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho học sinh. Ảnh: Mộc Trà |
Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn: “Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng đã linh động chuyển đổi giáo dục đạo đức, lối sống từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến bằng các cuộc thi trên nền tảng mạng xã hội cho học sinh tham gia; qua đó giúp các em nhận thức tốt và sử dụng hiệu quả mạng xã hội. Tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các ngành liên quan đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng thực hành xã hội, tạo cho các em một môi trường trong sạch, lành mạnh để phát triển toàn diện bản thân”. |
“Qua những giờ học của thầy Hương cùng các hoạt động trải nghiệm, em đã có thêm nhiều kiến thức về môi trường xung quanh, xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với thầy cô và các bạn cũng như rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết. Em luôn sẵn sàng ủng hộ và vận động mọi người quyên góp sách vở, quần áo cũ để giúp đỡ các bạn khó khăn. Vừa qua, em đạt giải nhất cuộc thi tìm hiểu 75 năm lịch sử Đảng bộ huyện Đak Pơ. Đây là cơ hội tốt để em hiểu biết về truyền thống lịch sử vẻ vang của huyện nhà và thêm yêu nơi mình đang sống”-em Đào Thị Nhật Quỳnh Quyên (lớp 9A) chia sẻ.
Trao đổi với P.V, anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn-cho biết: Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo Ban Thường vụ các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Hội đồng Đội các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tuyên truyền; tổ chức các hoạt động tập trung vào các chủ điểm giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh thiếu nhi trong trường học bằng những hoạt động cụ thể, nhất là đẩy mạnh thực hành, trải nghiệm thực tế. Nhiều mô hình hay, hiệu quả cũng được triển khai và nhân rộng tại các nhà trường liên quan đến rèn luyện kỹ năng sống, bồi đắp lòng tự hào dân tộc, cải thiện mối quan hệ ứng xử và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh.
MỘC TRÀ