Gia Lai ban hành kế hoạch phát triển kinh tế đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch phát triển kinh tế đêm; trong đó, đặt trọng tâm khai thác khu vực suối Hội Phú (TP. Pleiku) phục vụ phát triển kinh tế ban đêm và làm chợ đêm trong năm 2022.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành vừa ký ban hành Kế hoạch số 2700/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Khu vực suối Hội Phú (TP. Pleiku) về đêm lung linh ánh đèn. Ảnh: Hoành Sơn
Khu vực suối Hội Phú (TP. Pleiku) là trọng tâm kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm và làm chợ đêm trong năm 2022-2023. Ảnh: Hoành Sơn


Theo đó, Kế hoạch đặt mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Cụ thể, từ năm 2022 đến 2023, tổ chức và thúc đẩy, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, khai thác khu vực phục vụ kinh tế ban đêm tại TP. Pleiku, trọng tâm tại khu vực suối Hội Phú. Từ năm 2024 đến 2025, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai đầu tư, khai thác, kinh doanh hoạt động, dịch vụ phát triển kinh tế ban đêm tại TP. Pleiku, hình thành các khu vực phát triển kinh tế ban đêm tại thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và huyện Chư Sê và một số địa điểm thuận lợi ở các địa phương khác. Sau năm 2025, phát triển kinh tế ban đêm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào trong nội dung quy hoạch tỉnh; trong đó, cần dự kiến các khu vực, địa bàn, tuyến được tập trung phát triển kinh tế ban đêm, các khu vực trung tâm và vệ tinh, các loại hình dịch vụ kinh tế ban đêm chủ yếu để có cơ sở triển khai trong tương lai (khi hội tụ các điều kiện cho phép). Đồng thời, hướng dẫn thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế ban đêm thông qua nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh tiếp cận nguồn tài chính chính thức, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng; hướng dẫn các địa phương, tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư trong khu vực dự kiến phát triển kinh tế ban đêm theo quy định.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu các chính sách, biện pháp hỗ trợ nhằm tạo nguồn cho các chi phí phát sinh thêm liên quan tới quản lý kinh tế ban đêm.

Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện chính sách thương mại và dịch vụ phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở không trái với các quy định của Trung ương. Cùng với đó, Sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản (theo thẩm quyền) về quy định hoạt động và quản lý hoạt động vào ban đêm của các loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, chuyên doanh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu, tổ chức các hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm ban đêm. Hỗ trợ, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, hàng hoá, chú trọng khuyến khích các nhóm mặt hàng mang tính truyền thống, sản phẩm OCOP để phục vụ du khách, người dân. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định ở những khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm.

Chợ đêm Pleiku khi lên đèn. Ảnh nguồn internet
Chợ đêm Pleiku khi lên đèn. Ảnh nguồn internet


Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu, đề xuất phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, loại hình hoạt động, dịch vụ vui chơi, giải trí cụ thể phù hợp với lợi thế, điều kiện thực tế của tỉnh, của từng khu vực phát triển kinh tế ban đêm và nhu cầu, thị hiếu của du khách. Chủ trì, nghiên cứu, xác định các tour, tuyến, điểm, khu du lịch với thời gian lưu trú trung bình từ 3-4 ngày để có thể khai thác hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ của kinh tế đêm. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức các hoạt động, văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí về đêm trên địa bàn tỉnh, tại khu vực phát triển hoạt động, dịch vụ phát triển kinh tế ban đêm. Xây dựng, quảng bá hình ảnh đẹp, ấn tượng về các điểm đến du lịch của tỉnh; tăng cường tổ chức các hội nghị xúc tiến du lịch trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại các địa phương trong nước; triển khai liên kết phát triển du lịch. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương định kỳ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hoá, du lịch, thương mại, dịch vụ, an ninh, môi trường, quản lý thị trường.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ kinh tế ban đêm phát triển, hạn chế những ảnh hưởng, tác hại trong quá trình phát triển kinh tế ban đêm đối với an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Thiết lập các đường dây nóng cho du khách và người dân thông tin kịp thời về các vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường...

Đặc biệt, UBND tỉnh giao UBND TP. Pleiku phối hợp với các sở: Xây dựng, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các cơ quan có liên quan nhanh chóng quy hoạch và triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, trước mắt lựa chọn vị trí thí điểm tại khu vực suối Hội Phú để làm khu vực chợ đêm ngay trong năm 2022.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, đơn vị khác có liên quan phối hợp triển khai các nhiệm vụ theo phụ lục kèm theo Kế hoạch này, đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra. Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng quản lý nhà nước của mình để rà soát, xác định các vấn đề liên quan đến kinh tế ban đêm để triển khai thực hiện.




 

TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.