Gia cố hệ thống giao thông trong mùa mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trên cơ sở dự báo tình hình, ngành Giao thông-Vận tải tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó trước mọi tình huống, đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa bão năm nay.

Đợt mưa bão kéo dài vào đầu tháng 8 vừa qua đã gây hư hỏng, sạt lở cống liên hợp tràn thuộc tuyến đường giao thông nội đồng vào cánh đồng Plei Thơ Ga (xã Chư Don, huyện Chư Pưh). Đây là tuyến đường giao thông quan trọng dẫn ra khu sản xuất chính của người dân trong xã. Chính vì vậy, ngay sau khi kết thúc đợt mưa bão, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện phối hợp với các đơn vị và UBND xã Chư Don tiến hành kiểm tra tình trạng hư hỏng và có hướng khắc phục.

Vị trí hư hỏng trên tuyến đường giao thông nội đồng vào cánh đồng Plei Thơ Ga (xã Chư Don, huyện Chư Pưh). Ảnh: L.K

Vị trí hư hỏng trên tuyến đường giao thông nội đồng vào cánh đồng Plei Thơ Ga (xã Chư Don, huyện Chư Pưh). Ảnh: L.K

Ông Nguyễn Tuấn Hiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện-cho hay: “Mưa lũ đã gây sạt lở một phần tại vị trí cống hộp 5H100x100 tại Km 0+775,15 liên hợp đường tràn, gia cố đường tràn thượng, hạ lưu bằng rọ đá KT (2x1x0,5 m). Tổng thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Ngay sau đó, UBND huyện đã tạm ứng ngân sách 70 triệu đồng để khắc phục tạm thời cho người dân đi lại, sản xuất an toàn. Chúng tôi cũng đã làm đề xuất đề nghị cấp trên xem xét, bố trí kinh phí khoảng 200 triệu đồng để sửa chữa”.

Cũng theo ông Hiệp, nhằm đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn trong mùa mưa bão năm nay, UBND huyện đã bố trí kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để UBND các xã, thị trấn triển khai duy tu, sửa chữa những tuyến đường hư hỏng, nhiều ổ gà. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý sự cố hư hỏng trên các tuyến đường quản lý; chú ý các vị trí nguy hiểm có khả năng ngập lụt, sạt lở cao gây ách tắc giao thông. Khi xảy ra ngập lụt cục bộ, UBND các xã, thị trấn phải bố trí lực lượng Công an, dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên kịp thời điều tiết giao thông; đồng thời, cắm biển cảnh báo nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia lưu thông.

Các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, khắc phục các ổ gà đảm bảo cho người dân đi lại thông suốt và an toàn. Ảnh: Q.T

Các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, khắc phục các ổ gà đảm bảo cho người dân đi lại thông suốt và an toàn. Ảnh: Q.T

Tuyến đường nối thị trấn Chư Sê với các xã: Chư Pơng, Ia Tiêm, Bờ Ngoong, Bar Măih bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn chi chít ổ gà gây khó khăn trong đi lại và tiềm ần nguy cơ tai nạn giao thông. Trong khi chờ tỉnh bố trí nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa, địa phương đã chủ động khắc phục tạm thời để đảm bảo đi lại cho người dân trong mùa mưa bão. Ông Phạm Ngọc Hưng-Chủ tịch UBND xã Chư Pơng-cho biết: “Trước mùa mưa bão, xã đã bỏ kinh phí mua đất cấp phối và huy động lực lượng thanh niên san lấp một số ổ gà trên tuyến đường này. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp khắc phục tạm thời. Trong đợt mưa bão kéo dài vào đầu tháng 8 vừa qua, lớp đất cấp phối được bồi lấp trước đó đã bị cuốn trôi hoặc tạo nên những vũng sình lầy gây khó khăn và nguy hiểm cho người dân qua lại. Chúng tôi mong ngành chức năng sớm bố trí nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đường, tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản an toàn”.

Trao đổi với P.V, ông Hà Anh Thái-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vân tải-thông tin: Sở đang quản lý 4 tuyến quốc lộ (25, 14C, 19D, đường Trường Sơn Đông) và 10 tuyến tỉnh lộ. Nhằm đảm bảo giao thông đi lại thông suốt trong mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh bố trí hơn 50 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa, khắc phục các vị trí hư hỏng, ổ gà trên 10 tuyến tỉnh lộ. Sở cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn tiến hành kiểm tra các vị trí xung yếu có thể xảy ra ách tắc để có phương án xử lý. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị quản lý các tuyến đường cử người trực gác 24/24 giờ, phối hợp với các địa phương hướng dẫn giao thông tại các vị trí nước ngập sâu, chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc sẵn sàng để xử lý, khắc phục bảo đảm giao thông khi có sự cố xảy ra; tập trung dọn đất đá ở các vị trí sạt lở nhằm bảo đảm giao thông; khơi thông rãnh thoát nước, kịp thời phát hiện các hư hỏng.

“Cùng với đó, Sở cũng đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị tăng cường kiểm tra tất cả công trình, đặc biệt là các công trình cầu, tràn nhằm phát hiện các hư hỏng và có phương án khắc phục kịp thời. Đối với Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19), Sở cũng thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý Dự án 2 đôn đốc và chỉ đạo các đơn vị thi công đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa bão; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng và sớm đưa vào khai thác, sử dụng”-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.