Một điểm mới trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua đó là việc xác định hai chỉ tiêu quan trọng nhất: Tốc độ GDP và quy mô GDP bình quân đầu người.
Xuất khẩu gạo sang EU. Ảnh: TTXVN |
Trong đó chỉ tiêu quy mô GDP bình quân đầu người “chốt” ở mức 3.700USD được cho là chỉ tiêu rất dũng cảm và quyết liệt.
Lâu nay, khi đưa ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, hầu hết chỉ quan tâm tới “tốc độ” và “tỉ lệ”, các con số mang tính tuyệt đối khá hạn chế. Bởi thế cũng từng gây ra những tranh luận về việc nên đặt “tốc độ” hay “quy mô”?
Cách đây không lâu, khi bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng từng nêu quan điểm rằng: Với quy mô xung quanh 250 tỉ USD thì rõ ràng kinh tế Việt Nam cần một tốc độ tăng trưởng rất cao để đưa quy mô nền kinh tế ấy tiệm cận với quy mô các nền kinh tế phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, nếu gắn với quy mô nền kinh tế, thì không có nhiều ý nghĩa nếu nó chỉ dừng lại ở mức trên dưới 7%.
Còn TS Nguyễn Đình Thiên thì ví von: “Nền kinh tế nhỏ thì tỉ lệ phần trăm tăng trưởng cao cũng không có ý nghĩa nhiều lắm. Nôm na là 1.000 bước đi của con kiến cũng không bằng 2 bước phi của một chiến mã”.
Thế nên chỉ tiêu kinh tế xã hội 2021 đưa ra lần này, không chỉ đề cập tới tốc độ mà còn trực tiếp tới quy mô nền kinh tế.
Sẽ là bài toán không dễ giải. Bởi lẽ theo tính toán, quy mô GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.750 USD, chỉ tăng gần 35,6 USD so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng khoảng 144 USD). Còn GDP bình quân đầu người giai đoạn 2011- 2015 đạt 2.097 USD/người. Như vậy, trong quãng thời gian lên tới 10 năm, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới tăng được khoảng 700 USD.
Vậy mà, chỉ trong một năm, từ 2020 đến 2021, mà xác định mục tiêu tăng từ 2.750 USD/người lên 3.700 USD/người. Đây rõ ràng là bước chân “ngàn đô” đầy khó khăn, thách thức.
Đã đến lúc, chúng ta không chỉ quan tâm tới tốc độ tăng trưởng mà còn là các giá trị tuyệt đối. Ở đây, thu nhập của người dân đã được coi trọng hơn nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu còn nhiều tác động tiêu cực.
Việc đưa ra chỉ tiêu rất cụ thể về quy mô GDP bình quân đầu người không phải là “giao đề bài khó” mà có thể hiểu là động thái thể hiện sự quyết tâm và hành động. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng bày tỏ trong bài phát biểu trước phần chất vấn tại kỳ họp thứ 10: “Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất của chúng ta không phải là tụt hậu về kinh tế; mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động”.
Mức 3.700 USD/người chính là cơ hội để thể hiện ý chí và hành động, ngay từ thời điểm này.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/gdp-dau-nguoi-va-thu-thach-buoc-chan-ngan-do-853632.ldo
Theo HOÀNG LÂM (LĐO)