Gạo Việt xông lên nhưng đừng mải mê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để hạt gạo Việt Nam vươn xa giữ vị thế cường quốc xuất khẩu gạo, đã đến lúc Nhà nước cần làm ngay ba việc.

Gạo ST25 của Việt Nam được trao giải gạo ngon nhất thế giới - Ảnh: CHÍ QUỐC
Gạo ST25 của Việt Nam được trao giải gạo ngon nhất thế giới - Ảnh: CHÍ QUỐC


Trước đây Việt Nam chưa có gạo chất lượng ngon thơm và an toàn nên thế giới chỉ nhìn về Pakistan, Thái Lan. Tôi đi nhiều siêu thị ở Mỹ và có dịp trò chuyện với bà con Việt kiều khắp nơi đều nghe câu "Việt Nam không có gạo ngon cho chúng tôi ăn". Thật chạnh lòng!

Đúng là trước đây mặc dù Việt Nam cũng có gạo hạt dài trắng trong và cơm dẻo nhưng không thơm, chất lượng không ổn định vì kiểu buôn bán chụp giựt với hàng triệu nông dân trồng hàng chục giống lúa cho hàng ngàn thương lái mua gom. Trong khi doanh nghiệp xuất khẩu chỉ lệ thuộc vào thương lái.

Với cách làm đó, gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn luôn bị thương lái quốc tế mua rẻ hơn gạo Thái 50 USD/tấn để trừ hao rủi ro.

Đáng mừng là gần đây tình trạng này đã cải thiện. Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thay đổi cách sản xuất, sửa những nhược điểm trước kia, gạo xuất khẩu được rặt hơn nên đã rút ngắn khoảng cách giá xuất khẩu với Thái Lan.

Và bây giờ với tiêu chuẩn khắt khe của EU, đã có một số công ty xuất khẩu gạo tổ chức riêng vùng lúa nguyên liệu của mình, sử dụng chặt chẽ quy trình sản xuất theo chất lượng và an toàn, đạt tiêu chuẩn của EU.

Hạt gạo Việt Nam đang giành thắng lợi "kép": giá xuất khẩu có thời điểm 490 USD/tấn, vượt qua Thái Lan giữ ngôi vị cao nhất thế giới và được EU dành hạn ngạch 80.000 tấn gạo vào thị trường này.

Tôi nghĩ đây là uy tín mới của chúng ta nên thừa thắng xông lên. Tuy nhiên, đây chỉ mới có thắng lợi bước đầu, không vì thắng lợi này rồi các địa phương tiếp tục cứ mải mê chạy theo sản lượng mà nên đầu tư chất lượng.

Lâu nay ngành nông nghiệp các địa phương thường lấy chỉ tiêu GDP quy ra tấn lúa nên ngân sách đầu tư cho nông nghiệp phần lớn là đầu tư cho thủy lợi (kể cả ngăn mặn ngọt hóa) để trồng lúa, mặc dù bản thân cán bộ địa phương biết rõ nông dân trồng lúa không lời, nhưng từ xã tới huyện, tỉnh nào cũng lo chăm chăm trồng nhiều lúa.

Lý do là vì đang lỡ trớn trồng lúa. Hai là hạ tầng nhà nước xây dựng phục vụ trồng lúa. Ba là không dám chỉ đạo trồng gì khác lúa vì chưa có đầu tư hạ tầng. Bốn là nguồn cung gạo thế giới đang hiếm, nên các nơi vẫn đua nhau sản xuất lúa.

Thế nhưng muốn đạt điều kiện của EU và các thị trường khó tính khác không đơn giản khi các doanh nghiệp vẫn làm như hiện nay là chỉ mua nguyên liệu qua thương lái. Chúng ta phải thay đổi, nếu không mình sẽ tự trói mình.

Tôi nhớ những hợp đồng xuất khẩu trước đây cũng đều có đề cập, nhưng người ta có thể "lách" được.

Nay thì cả nông dân và doanh nghiệp đều phải tuân thủ áp dụng nông nghiệp 4.0 bằng cách bớt dùng phân đạm hóa học, tăng cường phân hữu cơ và phân sinh học, phân khoáng vi lượng để cây trồng được "tiêm chủng" với vi sinh vật hữu ích chống lại sâu bệnh, giúp nông dân không phải phun thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

Để hạt gạo Việt Nam vươn xa giữ vị thế cường quốc xuất khẩu gạo, đã đến lúc Nhà nước cần làm ngay ba việc.

Thứ nhất, phải quyết liệt vào cuộc sắp xếp lại ngành sản xuất lúa gạo một cách bài bản, sản xuất theo chuỗi; doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu lớn để sản xuất đồng nhất một loại giống, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, làm ra gạo ngon cơm, an toàn.

Thứ hai, phải quản lý chặt chẽ các nhà sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, khuyến cáo nông dân thay đổi nhận thức không sản xuất lúa bằng việc sử dụng thuốc trừ sâu vô tội vạ như lâu nay, làm hạt gạo của Việt Nam bị cho là không an toàn.

Và thứ ba là phải xóa bỏ ngay tư duy chạy theo thành tích làm lúa thật nhiều, sản lượng thật cao mà tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, từ đó sẽ được quốc tế tin dùng.

Theo GS VÕ TÒNG XUÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Nghịch lý về điện

Nghịch lý về điện

Giữa mùa nắng nóng, đang phập phồng lo cúp điện vì quá tải, thiếu nguồn thì nghe đề xuất của Bộ Công Thương về việc mua điện mặt trời áp mái với giá 0 đồng.
Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Ngày Quốc tế Lao động 1-5 là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân; khẳng định vị trí, vai trò cùng những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và người lao động (NLĐ) cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Hòa bình

Hòa bình

(GLO)- Tôi luôn muốn thốt lên câu ấy vì hòa bình là khát vọng muôn thuở, khát vọng ngàn đời của con người. Nó là mục tiêu, là ý chí, là giá trị vĩnh hằng mà con người hướng tới, mơ tới, nghĩ về và luôn luôn muốn nó là hiện thực.

Thành quả lịch sử

Thành quả lịch sử

Trước năm 1975 đúng 200 năm, vào năm 1775, sử gia Ngô Thì Sĩ (1726-1780) hoàn thành tác phẩm Việt Sử Tiêu Án, viết về lịch sử nước nhà từ thời thượng cổ Hồng Bàng đến giai đoạn Lê Lợi chiến thắng quân Minh.
Giữ hòa bình trường tồn

Giữ hòa bình trường tồn

Ngày chị Đặng Thùy Trâm còn dốc lòng cứu chữa thương binh, bệnh binh, người dân Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi) bị đau ốm, chị đã âm thầm viết hai quyển nhật ký. 35 năm sau khi chị Trâm hy sinh, hai quyển sổ ghi nhật ký của chị từ đất Mỹ đã trở về với đất Việt và người Việt.
Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Lại một vụ trẻ mầm non bị bạo hành, lại từ một lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ; lại các cơ quan, ban ngành vào cuộc yêu cầu đình chỉ, xử lý nghiêm… Thế nhưng cái gốc để không tái diễn tình trạng này thì nói bao nhiêu năm vẫn vậy.
Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Tình trạng ô nhiễm rác thải do thiếu ý thức sẽ tái diễn, không gian du lịch bị vấy bẩn bởi rác trên đường và "rác trong ý thức", làm ảnh hưởng ngành du lịch Việt Nam, đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam