Cơ hội cho gạo Việt Nam vào thị trường Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Nguồn: internet
Một số nhà nhập khẩu của Mỹ đã thêm gạo vào danh mục hàng hóa mua từ Việt Nam...
Từ nửa đầu năm nay, Vietway - một công ty chuyên bán hàng trên Amazon online, bắt đầu mua gạo Hoa Nắng của Việt Nam để xuất sang thị trường Mỹ. Theo ông Erik Frankel - Tổng giám đốc, Vietway chỉ mua gạo Hoa Nắng đóng gói nhỏ, cũng là cách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và phát triển thương hiệu gạo tại thị trường Mỹ.
Tổng giám đốc Vietway còn cho biết, công ty của ông đang tìm kiếm đối tác để đưa một số mặt hàng của Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng Mỹ. Tất nhiên, làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam, Vietway quan tâm đến giá, nhưng điều làm ông Erik Frankel “lo lắng nhất” là chất lượng sản phẩm và giấy tờ liên quan đến xuất khẩu hàng hóa. 
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nguồn cung gạo toàn cầu năm 2018-2019 tăng 1,3%, lên mức 633 triệu tấn, trong đó có lượng tồn trữ từ năm 2017-2018 khoảng 15%.
Gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo đang giảm đã buộc doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm thêm các thị trường mới, thị trường ngách, để giảm tối đa tồn kho và đảm bảo doanh thu. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, lượng gạo xuất khẩu 8 tháng của năm 2019 ước đạt 4,54 triệu tấn, kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 0,3% về lượng nhưng giảm 14,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Việc có thêm nhà nhập khẩu của Mỹ mua gạo trong ngắn hạn có thể giúp Việt Nam giảm bớt áp lực về xuất khẩu khi các thị trường lớn như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đồng loạt giảm nhập khẩu gạo trong nửa đầu năm qua. Hơn nữa, trong trung và dài hạn, với mức tăng trưởng 13%/năm về nhập khẩu gạo trong hai năm gần đây, Mỹ được kỳ vọng sẽ cùng các thị trường truyền thống, thị trường châu Phi (vùng cận Sahara) và Trung Đông trở thành nơi để Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu khoảng 4,5-5 triệu tấn/năm giai đoạn 2017-2020 và hằng năm đạt khoảng 4 triệu tấn giai đoạn 2021-2030 trong chiến lược xuất khẩu gạo.
Tiếc rằng, Mỹ chưa phải là thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với số lượng lớn, dù là quốc gia nhập khẩu nhiều gạo nhất ở bán cầu Tây. Tính trong 7 tháng đầu năm 2019, Philippines đứng thứ nhất về nhập khẩu gạo của Việt Nam với 34,5% thị phần, đạt 1,46 triệu tấn, trị giá 589,4 triệu USD, gấp 3,2 lần về khối lượng và gấp 2,7 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ cũng không nằm trong số các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh của Việt Nam, như với Bờ Biển Ngà với mức tăng 64,5%, Úc tăng 63,9%, Hồng Kông tăng 43,5%, Ả rập Xê út tăng 31,3, Iraq tăng 24,8%. Mỹ vẫn chủ yếu nhập loại gạo thơm hạt dài từ Thái Lan và Ấn Độ.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương dẫn dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), vào năm 2020, Mỹ sẽ tăng 3% lượng gạo nhập khẩu. Năm 2019-2020, Mỹ dự kiến nhập khẩu 900.000 tấn gạo. Đây là tin tốt cho ngành lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao.
Thị trường gạo tại Mỹ đang tốt lên. Nhưng để tăng được lượng gạo Việt vào Mỹ, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Amcham tại TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý hơn những quy định về hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, ước tính phí hải quan, thực hiện đầy đủ các quy định của hải quan về thông quan, thuế cũng như các vấn đề liên quan đến logistics. Bà khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên trung thực trong khai báo hải quan.
Tập đoàn Lộc Trời đang bán gạo hữu cơ sang thị trường Mỹ. Ông Huỳnh Văn Thòn - Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho đây là hướng đi quan trọng, từng bước khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, góp phần thay đổi phương thức sản xuất gạo cấp thấp tồn tại nhiều năm qua. Ông xác nhận gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt để vào được thị trường Mỹ. Một trong những khó khăn là cạnh tranh trực tiếp với gạo Thái Lan, thương hiệu gạo thơm nổi tiếng cả về chất lượng, thương hiệu và gần đây là dòng gạo lúa mùa nổi tiếng của Campuchia.
Thành công từ xuất khẩu gạo chất lượng cao vào thị trường Mỹ đã góp phần giúp Lộc Trời trong quý I/2019 đạt doanh thu 1.569 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng để đảm bảo được doanh thu từ thị trường Mỹ, Lộc Trời không cách nào khác là bám sát nhu cầu thị trường, đầu tư mạnh vào vật tư, đặc biệt là giống chất lượng cao và giám sát chặt việc sản xuất gạo chất lượng cao theo quy trình khép kín từ khâu đầu đến khâu cuối. Ông Thòn tin rằng, cách thức sản xuất và kinh doanh ấy mang về lợi nhuận cao, xây dựng được thương hiệu gạo, từ đó doanh nghiệp phát triển bền vững. 
Tài chính (Theo Song Anh/doanhnhansaigon.vn)

Có thể bạn quan tâm