57% người trưởng thành tại Việt Nam ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO, trong khi ăn rất nhiều thịt.
Tại hội thảo Chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại châu Á đang diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm. Đáng lưu ý, hầu hết các bệnh này đều liên quan đến chế độ ăn uống thiếu lành mạnh.
Theo ước tính, có tới 80% số ca tử vong ở Việt Nam là do bệnh không lây nhiễm, trong đó đứng đầu là tim mạch, khoảng 70.000 ca, 115.000 ca chết vì ung thư, 13.000 ca tử vong vì đái tháo đường…
Thứ trưởng Hồng Sơn cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, tuy nhiên gần 60% số này chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị. Trong hơn 3,5 triệu người bị tiểu đường, gần 70% chưa phát hiện bệnh.
Người Việt lười ăn rau, thích ăn thịt và uống nhiều rượu bia |
Chi phí điều trị bệnh không lây nhiễm cao gấp 40-50 lần so với điều trị bệnh lây nhiễm do phải sử dụng nhiều thuốc đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ biến chứng.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống như thừa cân, béo phì... Trong đó ăn ít rau và trái cây có liên quan đến 19% trường hợp ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ và 11% đột quỵ.
Theo số liệu WHO 2018, ung thư dạ dày là ung thư phổ biến thứ 3 ở Việt Nam với hơn 17.000 ca mắc mới, chỉ sau ung thư gan và ung thư phổi.
Chế độ ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác...
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra quy mô nhất từ trước đến nay vào năm 2015 về các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm trong nhóm 18-69 tuổi cho thấy, hơn 57% người trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO. Tỷ lệ này ở nam cao hơn nữ.
Theo khuyến cáo của WHO, nếu một người ăn hơn 5 suất rau, tương đương 400 gam rau xanh và quả chín mỗi ngày có thể giúp giảm 2 lần nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và tăng khả năng dự phòng với các bệnh không lây nhiễm khác.
Mỗi suất rau hoặc trái cây tương đương 80g phần ăn được, lượng này tương đương với 1 trái chuối, táo, kiwi cỡ vừa hay một bát rau xanh, nửa cốc nước ép rau quả.
Tuy niên người Việt hiện chỉ ăn rau quả ở mức 170–200g/ngày, trong khi đó lại ăn nhiều thịt, lên tới 80g/ngày. Lượng cá trung bình ở người trưởng thành chỉ đạt 60g/ngày, bằng 1/5 khuyến cáo của WHO.
Ngoài ăn ít rau, nhiều thịt, người Việt cũng đang nằm trong nhóm nước ăn mặn với 9,4 g muối/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO.
Chưa kể, tỷ lệ uống rượu bia trong những năm gần đây liên tục tăng, trong đó có gần một nửa nam giới trong diện khảo sát uống rượu bia ở mức nguy hại.
Cộng gộp nhiều yếu tố khiến tỷ lệ béo phì ở Việt Nam tăng nhanh từ 12% năm 2010 lên 17,5% năm 2015 và số người tăng huyết áp gia tăng thêm 5% lên mức 20,3%.
Đến nay, để dự phòng, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng hợp lý và thực phẩm lành mạnh là biện pháp được ưu tiên hàng đầu.
Thúy Hạnh (VIE)