Sau nhiều tranh cãi gay gắt giữa bối cảnh game bị coi là một loại hình nhạy cảm, lợi bất cập hại, vài năm gần đây, cái nhìn về game bắt đầu thay đổi. Nhà nước không thể cấm người dân chơi game, cũng như không thể cấm các nhà phát triển game chuyên nghiệp. Vai trò của nhà nước là đưa ra các biện pháp quản lý mọi khía cạnh trong lĩnh vực này sao cho có lợi cho xã hội và phòng chống các mặt tiêu cực của việc chơi game và phát triển game. Nhà nước cần xây dựng chính sách và đặt ra các quy định dựa theo pháp luật nền tảng, ai vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý.
Game cũng là một phương tiện của xã hội. Nó cũng phải chịu sự chế tài của luật pháp mà hành lang pháp lý hiện hành của Việt Nam cũng đã đủ để "cầm cương con ngựa bất kham" này.
Rất nhiều nước trên thế giới từ lâu đã coi game là một trong những ngành công nghiệp mới hái ra tiền. Thực tế cho thấy lâu nay, Việt Nam dường như đã tự làm mình thua ngay trên sân nhà trong cuộc chơi toàn cầu này. Do nhu cầu chơi game là một thực tế và việc chơi game là xuyên biên giới, người chơi game Việt Nam phải trả tiền cho các game, dịch vụ game nước ngoài. Nhà làm game Việt đã chứng tỏ được với thế giới khả năng vượt trội của mình cũng đành phải kinh doanh ở thị trường bên ngoài. Chắc chắn số tiền mà Việt Nam "tự thất thu" trong công nghiệp game những năm qua là cực lớn. Trong lúc đó, hàng triệu người Việt vẫn "cày game".
Thời cơ cho ngành công nghiệp game Việt Nam đã đến, trước hết là đã được nhà nước công nhận. Thậm chí, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành công nghiệp game chẳng những đã không còn bị coi là đối tượng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mà còn sẽ được nghiên cứu để có ưu đãi về thuế. Phát triển và phát hành game trong nước sẽ được nhà nước quan tâm hỗ trợ, phù hợp với luật pháp và thông lệ, điều ước quốc tế.
AI mới của Google có thể chơi game 3D như người thật
Intel ra mắt chip Core Ultra hiệu năng cao cho game thủ và dân đồ hoạ
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt mục tiêu đến năm 2030, tức 5 năm tới, ngành công nghiệp game Việt Nam sẽ đạt doanh thu 1 tỉ USD.
Hoạt động game ở Việt Nam sẽ phải phát triển song hành với 2 vế: chơi game và làm game. Cả hai cũng cần có cách quản lý khác nhau nhằm giúp cả hai có thể vận hành và phát triển đúng hướng, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội và cho đất nước. Chắc chắn người Việt chơi game Việt và trên sân chơi Việt sẽ dễ quản lý hơn. Và cho dù họ có chơi game nước ngoài hội nhập quốc tế thì với môi trường mới, lợi ích sẽ tốt hơn.
Chắc chắn, nhà nước cần nghiên cứu đưa ra các giải pháp mới thức thời hơn cho hoạt động chơi game và làm game ở Việt Nam. Quan điểm cốt lõi vẫn là làm sao khai thác tối đa lợi ích nhưng giảm thiểu các nguy cơ, tiêu cực. Không ai chấp nhận thu lợi bằng mọi giá. Xã hội phải vừa thay đổi định kiến cực đoan với game vừa có cách "sống chung với game" như một loại hình giải trí lành mạnh.