UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ra quyết định công nhận ga quốc tế Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) là điểm du lịch.
Không khí tại ga Đồng Đăng trước giờ tiễn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un về nước, ngày 2/3/2019. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Ga quốc tế Đồng Đăng nằm trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, cách thành phố Lạng Sơn 14 km về phía Đông Nam, là nơi tiếp giáp của Quốc lộ 1A, 1B, đường 4, đường lên Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Đây là nhà ga xe lửa lớn được kết nối với Trung Quốc tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Nhà ga là điểm kết thúc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng và được nối với ga Bằng Tường (Trung Quốc).
Ngày 24/4/1889, Chính phủ Pháp quyết định xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên ở Bắc Kỳ, đến ngày 8/4/1902, ga Đồng Đăng được hình thành như là một điểm đỗ cuối của tuyến đường Hà Nội - Mục Nam Quan. Ngày 1/1/1908, khi đưa thêm 4 km đường sắt Đồng Đăng - Nam Quan vào khai thác, ga Đồng Đăng trở thành nhà ga có tác nghiệp cả hai đầu.
Như vậy, năm 1908, ga Đồng Đăng đã trở thành một công trình đường sắt được xây dựng để phương tiện giao thông vận tải dừng, tránh, vượt, dỡ hàng hóa, đón trả khách, thực hiện tác nghiệp và các dịch vụ khác.
Tuy là một trong những ga “sinh sau đẻ muộn” trên tuyến đường sắt Hà Nội - Nam Quan nhưng ga Đồng Đăng có vị trí quan trọng, đại diện cho một “thiết bị kinh tế hiện đại” mà thực dân và tư bản Pháp vừa mang tới Việt Nam, lần đầu tiên hiện diện trên mảnh đất Đồng Đăng - vùng biên ải còn nhiều nét hoang sơ. Nó cũng bộc lộ rõ ý đồ “bình định”, khai thác thuộc địa đầy tham vọng của thực dân, tư bản Pháp đối với vùng đất có địa - chính trị quan trọng ở Việt Nam và Đông Dương.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tuyến đường sắt Hà Nội - Nam Quan bị tê liệt, các nhà ga bị bỏ trống cho đến ngày cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi.
Ngày 28/2/1955, chuyến tàu đầu tiên thông đường đã chạy từ ga Yên Viên lên ga Đồng Đăng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Đầu máy đoàn tàu mang quốc kỳ 2 nước Việt - Trung cùng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông được nhân dân hai nước nồng nhiệt đón chào.
Ngày 19/7/1955, Hội nghị liên vận 10 nước xã hội chủ nghĩa (OSZD) họp ở Berlin (Đức) thống nhất kết nạp Đường sắt Việt Nam là thành viên. Ngày 1/8/1955, đường liên vận quốc tế Hà Nội - Bắc Kinh - Moscow - Berlin chính thức khai thông, trung tuần tháng 8/1955 chuyến tàu liên vận quốc tế Bắc Kinh - Hà Nội đưa những hành khách đầu tiên về đến ga Hà Nội.
Như vậy, ngày 19/7/1955, ngành Đường sắt Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức đường sắt các nước xã hội chủ nghĩa (OSZD). Đó cũng là ngày ga Đồng Đăng trở thành ga liên vận quốc tế - nơi đầu tiên thay mặt ngành Đường sắt Việt Nam tiếp đón, nơi cuối tiễn đưa các đoàn tàu chở hành khách, hàng hoá quốc tế vào Việt Nam cũng như của Việt Nam ra quốc tế.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Đồng Đăng là ga địa đầu nằm trên tuyến đường chiến lược, các ga đường sắt trên tuyến Hà Nội - Hữu Nghị thành cảng nổi tiếp nhận toàn bộ hàng viện trợ và hàng nhập thay cho cảng Hải Phòng. Qua đó góp phần quyết định phá vỡ âm mưu thâm độc của giặc Mỹ muốn bao vây cắt đứt hoàn toàn nguồn viện trợ, đẩy các chiến trường của ta vào thế bị suy kiệt.
Trải qua những thăng trầm của giai đoạn sau 1979, đến năm 1992, từ trong đổ nát, ga Đồng Đăng đã hồi sinh. Ngày 14/2/1996, ga Đồng Đăng được khánh thành khôi phục thông xe đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam-Trung Quốc. Từ đây bắt đầu thời kỳ hòa nhập đầy đủ và trọn vẹn của ga Đồng Đăng trong công cuộc đổi mới của ngành Đường sắt trong sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo.
Hiện nay, ga Đồng Đăng trở thành nơi trung chuyển hàng hóa lớn của cả nước, các nước ASEAN sang thị trường Trung Quốc và ngược lại.
Đặc biệt, ngày 26/2/2019, nhà ga Đồng Đăng vinh dự đón tiếp và tiễn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu đến Việt Nam trong chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 và thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Đây là vinh dự và niềm tự hào lớn không chỉ của cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà ga mà còn là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Thái Thuần (TTXVN)