Sau cuộc họp ngày 23-1, các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu vẫn không chấp nhận yêu cầu của các chủ nợ tư nhân về việc hoán đổi nợ lấy trái phiếu dài hạn với mức lãi suất 4%, trong khi Hy Lạp khẳng định, nước này không sẵn sàng chi trả mức lãi suất cao hơn 3,5% cho những trái phiếu này.
Các chủ nợ tư nhân thì cho rằng, nếu họ không nhận được mức lãi suất cao hơn 4% thì tỷ lệ thiệt hại họ phải gánh chịu khi mua trái phiếu của Chính phủ Hy Lạp sẽ lên đến 68% chứ không phải 60% như hiện nay.
Các Bộ trưởng Tài chính các nước EU vẫn chưa đồng thuận về vấn đề nợ công của Hy Lạp. |
EU yêu cầu Hy Lạp có những cải cách sâu rộng hơn nữa nếu muốn ổn định mức nợ hiện nay của nước này. Chủ tịch Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) Jean Claude Juncker cho rằng: “Chúng ta phải có các biện pháp ưu tiên trước khi đưa ra một kết luận nghiêm túc về chương trình cải cách của Hy Lạp. Tôi kêu gọi chính phủ Hy Lạp phải sớm đạt được thỏa thuận với các bên cho vay về những điểm cơ bản trong chương trình tái cấu trúc”.
Nếu việc hoán đổi nợ thành công thì Hy Lạp có thể giảm được 100 tỷ euro trên tổng số nợ khổng lồ 350 tỷ euro của nước này. Đây là điều kiện để EU và IMF thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro và giải ngân gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỷ euro cho Hy Lạp trước thời điểm Aten phải thanh toán 14,5 tỷ euro trái phiếu đáo hạn và tránh được nguy cơ vỡ nợ.
Việc đạt được thỏa thuận về tái cấu trúc nợ không chỉ quan trọng với Hy Lạp mà nó sẽ giúp góp phần giảm bớt mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ làm tan rã khu vực đồng tiền chung châu Âu và đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái mới.
Ngày 23-1, phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm ngày Đức gia nhập Eurozone, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Ý tưởng về một đồng tiền chung đang ngày càng quan trọng. Sự kết nối hợp lý giữa các nền kinh tế trong khu vực đang hình thành một thị trường chung. Tuy nhiên, sự liên kết này đang gặp phải những thách thức. Đây là một bước hội nhập quan trọng mà chúng ta chỉ có thể bước tiếp. Nếu dừng bước chúng ta sẽ thất bại”.
Trong một diễn biến liên quan, các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu ngày 23-1 đã thông qua Hiệp ước siết chặt các quy định liên quan đến Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM)-Quỹ cứu trợ dài hạn của Khu vực đồng euro thay thế Quỹ cứu trợ ngắn mang tên Cơ chế Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) sẽ hết hiệu lực vào năm 2013.
Theo Hiệp ước, Cơ chế Ổn định châu Âu chỉ được áp dụng đối với những nước thông qua Công ước tài chính mới, dự kiến sẽ được các nước thành viên Liên minh châu Âu, trừ Anh sẽ ký vào tháng 3 tới. Công ước tài chính mới được xem là "nguyên tắc vàng" nhằm siết chặt kỷ luật ngân sách để tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng nợ công.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu dự định thông qua Cơ chế Ổn định châu Âu tại cuộc họp cấp cao vào ngày 30-1 tới để từng nước thành viên ký văn bản này vào tháng 2.
Cơ chế Ổn định châu Âu sẽ được triển khai vào tháng 7-2012, song song với Cơ chế Ổn định Tài chính châu Âu cho đến khi Quỹ ngắn hạn này hết hiệu lực vào giữa năm 2013.
Khả năng cho vay tối đa của 2 quỹ này là 500 tỷ euro, song các nhà hoạch định chính sách Liên minh châu Âu sẽ kiểm tra liệu con số này có thích hợp hay không trước khi triển khai Cơ chế Ổn định châu Âu.
Theo VOV