Đường gom Chư Sê góp phần xây dựng đô thị hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc thi công đường gom ở thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) đã làm cho một số hộ dân ở cạnh công trình lo lắng và kiến nghị nhiều lần. Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương gặp gỡ, đối thoại và điều chỉnh một số chi tiết bất cập của dự án, người dân đã thấy rõ giá trị nhiều mặt của đường gom. Từ đó, đa số các hộ đều bày tỏ sự yên tâm, đồng hành cùng chính quyền để triển khai công trình này, xem đó là một trong những việc làm có ý nghĩa, góp phần xây dựng một đô thị hiện đại trong tương lai.

Tháng 2-2017, khi công trình sửa chữa nâng cấp vỉa hè đường Hùng Vương (thị trấn Chư Sê) gồm các hạng mục: đường gom, dải trồng cây xanh, bãi đậu xe và vỉa hè được triển khai thi công, một số hộ kinh doanh ở 2 bên đường đã phản ứng, kiến nghị. Họ cho rằng việc mở đường gom sẽ gây khó khăn trong việc lưu thông, buôn bán và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

 

Một đoạn đường gom vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Vũ Cúc
Một đoạn đường gom vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Vũ Cúc

Tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, UBND huyện Chư Sê đã tiến hành điều chỉnh một số vị trí gây bất tiện cho người dân như: chuyển một số vị trí của dải cây xanh thành bãi đậu xe; mở rộng mặt đường gom; phân luồng giao thông; đặt biển hạn chế tốc độ, cấm xe tải, xe khách; cho phép xe máy lưu thông 2 chiều… Việc làm trên đã giải quyết cơ bản yêu cầu của người dân. Đồng thời, UBND huyện cũng luôn duy trì đối thoại với người dân để tạo sự đồng thuận.

Ông Võ Thạnh (tổ dân phố 3, thị trấn Chư Sê) là một trong những người ngay từ đầu đã kịch liệt phản đối việc thi công đường gom này. Theo chia sẻ của ông, ban đầu, nhiều hộ kinh doanh ở đường Hùng Vương rất lo lắng vì không biết huyện làm kiểu gì, có ảnh hưởng đến công việc làm ăn và sinh hoạt của người dân hay không? Và nếu bị ảnh hưởng, huyện có chia sẻ thiệt thòi với người dân? Nhưng những băn khoăn lo lắng ấy cũng dần được giải tỏa khi huyện tổ chức gặp gỡ, đối thoại. Bên cạnh đó, khi  công trình đường gom dần hình thành, mọi người cảm thấy việc xây dựng đường gom là cần thiết, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Ông Dương Tấn Hiệp (tổ dân phố 3, thị trấn Chư Sê) ban đầu cũng không đồng tình với chủ trương mở đường gom bởi lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của gia đình. Nhưng khi đường gom đoạn qua nhà ông hoàn thành, việc kinh doanh của gia đình không bị ảnh hưởng. Chỉ có điều, một phần vỉa hè giờ đã thành đường đi nên không có không gian trưng bày hàng hóa. Theo ông Hiệp, nếu còn đất để mở rộng hơn con đường thì rất đẹp.

Còn ông Tống Quang Sén (tổ dân phố 4, thị trấn Chư Sê) thì cho biết: Về chủ trương mở rộng đường của huyện, tôi thấy hoàn toàn hợp lòng dân. Đa số người dân đều tự nguyện chặt cây, phá tường rào để trả lại đất cho Nhà nước sử dụng làm các công trình công cộng. Qua quá trình thực hiện, tôi thấy chỉ có một số ít hộ do nhận thức chưa đầy đủ, chưa hiểu hết tình tiết cụ thể nên mới phản ứng”.

Đường gom Hùng Vương là một trong những dự án thực hiện nghị quyết về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đô thị của Huyện ủy Chư Sê để tiến tới thành lập thị xã trước năm 2020. Theo đó, UBND huyện đã giao cho Ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng huyện xây dựng dự án, cùng với các cơ quan chức năng thẩm định, thông báo cho người dân và tiến hành khởi công theo đúng trình tự quy định. Trong quá trình tiến hành xây dựng, huyện đã tranh thủ ý kiến tham gia của các sở, ngành chuyên môn của tỉnh.

Dự án này đã được tính toán, cân nhắc khá kỹ về công năng và lợi ích. Kể cả sau này, khi có đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê thì đường gom vẫn có tác dụng. Khi đó, tất cả các loại xe có trọng tải lớn, xe khách liên tỉnh sẽ bị cấm vào đường Hùng Vương ban ngày và giờ cao điểm; xe tải nhỏ, xe khách dưới 16 chỗ vẫn lưu thông bình thường. Dự báo trong vài năm tới, mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng lên thì hệ thống giao thông nội thị cũng phải tăng theo, do đó, việc quy hoạch giao thông cần được tính toán ngay từ bây giờ. Vì thế, thiết lập phần đường dành cho ô tô, đường dành riêng cho xe máy và người đi bộ như đường Hùng Vương là cần thiết và cũng tạo điểm nhấn về mỹ quan đô thị.

Ông Nguyễn Hồng Linh-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, cho biết: Đối chiếu với các quy định và tình hình thực tế trên tuyến đường này, việc xây dựng đường gom là phù hợp vì ở ngoài có 2 làn xe ô tô, làn trong dùng cho xe con, xe máy và xe thô sơ nên rất an toàn trong giao thông. Còn về mặt chỉnh trang đô thị, khi làm tuyến đường này với 2 đường gom song hành sẽ có dáng dấp như đại lộ và là điểm nhấn cho đô thị. “Ý tưởng làm đường gom xuất phát từ chỉnh trang đô thị và đảm bảo an toàn giao thông cho người dân trên địa bàn. Lúc đầu nhân dân không ủng hộ, có nhiều kiến nghị. Huyện đã bố trí tiếp xúc, giải thích nhiều lần, cả đồng chí Bí thư Huyện ủy và tôi cùng trực tiếp đối thoại. Các ngành chức năng của tỉnh như: Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải cũng đã xuống kiểm tra và đánh giá đường gom là phù hợp với quy chuẩn. Sau khi con đường hoàn thành đưa vào sử dụng, dần dần người dân bắt đầu thấy hợp lý và ủng hộ”-ông Nguyễn Hồng Linh cho biết.

Minh Thanh-Vũ Cúc

Có thể bạn quan tâm

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

(GLO)- Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan, phổ biến Thông tư số 58/2024/TT-BGTVT ngày 15-11-2024 của Bộ GT-VT quy định về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe và vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc.

Kẹt xe kéo dài gần 20 km tại đèo An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Kẹt xe kéo dài gần 20km trên quốc lộ 19 tại đèo An Khê

(GLO)- Ngày 12-12, tại đèo An Khê nối tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, hàng trăm chiếc ô tô con, xe khách, xe tải, container bị mắc kẹt kéo dài gần 20 km nhiều giờ liền. Nguyên nhân giữa đèo có hố nước sâu khiến các phương tiện không thể lưu thông qua lại.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.