"Đường băng" cho Bắc Tây Nguyên cất cánh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đầu tháng 7-2021, Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (gọi tắt là Dự án nâng cấp quốc lộ 19) đã chính thức được khởi công xây dựng. Theo kế hoạch, đến hết năm 2023, Dự án sẽ được hoàn thành. Đây được xem là “đường băng” để Bắc Tây Nguyên cất cánh.

Nâng cấp tuyến đường huyết mạch

Quốc lộ 19 được người Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XIX có tổng chiều dài 240 km, trong đó, đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 169,5 km. Đây là tuyến giao thông trọng yếu, kết nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Sau hơn một thế kỷ tồn tại, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, quốc lộ 19 đã khẳng định sứ mệnh lịch sử và tầm quan trọng trong việc kết nối giao thương, tạo động lực phát triển cho các tỉnh Bắc Tây Nguyên cũng như khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Quốc lộ 19 đoạn qua xã An Phú (TP. Pleiku) nhiều đoạn nhỏ hẹp và tình trạng giao thông hỗn hợp khiến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Lê Hòa
Quốc lộ 19-đoạn qua xã An Phú (TP. Pleiku) nhiều đoạn nhỏ hẹp và tình trạng giao thông hỗn hợp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Lê Hòa


Kể từ sau năm 1975 đến nay, quốc lộ 19 đã trải qua một số lần nâng cấp, cải tạo. Trong đó, nổi bật nhất là Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 đoạn Km 17+027 đến Km 50 (tỉnh Bình Định) và Km 108 đến Km 131+300 (tỉnh Gia Lai) theo hình thức hợp đồng BOT được hoàn thành vào cuối tháng 12-2015. Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác dưới áp lực lưu thông phương tiện lớn, các đoạn ngoài phạm vi đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đứng trước thực tế đó, 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo các đoạn còn lại, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trên tuyến đường huyết mạch này.

Ngày 22-5-2019, Bộ GT-VT đã phê duyệt Dự án nâng cấp quốc lộ 19. Dự án có tổng mức đầu tư 3.654,4 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) do Bộ GT-VT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án 2 tổ chức quản lý và thực hiện.

Thi công trong nhiều tình huống

Trong tổng số 143,6 km đường thuộc phạm vi thi công, đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai chiếm 126,6 km (bao gồm 2 đoạn tuyến tránh TP. Pleiku và thị xã An Khê). Quốc lộ 19 sẽ được cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III-TCVN 4054-05, tốc độ thiết kế 60-80 km/giờ. Đoạn qua khu đông dân cư sẽ có chiều rộng mặt đường 13 m, đoạn thông thường có chiều rộng mặt đường 11 m, gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp (riêng đoạn qua đèo An Khê có chiều rộng mặt đường 8 m). Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2020 đến 2023.

Ông Lưu Việt Khoa-Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ GT-VT) cho biết: Thiết kế kỹ thuật của Dự án được triển khai theo chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành GT-VT (DFAT) dưới sự quản lý của nhà thầu tư vấn quản lý chương trình là Công ty tư vấn DT Global, tư vấn triển khai thiết kế kỹ thuật là liên danh Tư vấn Yooshin và Katahira. Đơn vị tư vấn đã tiến hành công tác khảo sát; Bộ GT-VT thẩm định, phê duyệt các gói thầu xây lắp (do điều chỉnh cục bộ theo kiến nghị của địa phương).

Riêng đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai, từ đầu tháng 7-2021, Ban Quản lý Dự án 2 đã khởi động 2/7 gói thầu là XL03 và XL04A (từ Km 67 đến Km 155) đi qua thị xã An Khê và các huyện: Đak Pơ, Mang Yang, Đak Đoa. Ban Quản lý Dự án 2 đang chuẩn bị triển khai 3 gói thầu: XL05, XL06 và XL07 ( từ Km 180 đến Km 240) đi qua TP. Pleiku, huyện Chư Prông và Đức Cơ. Với 2 gói thầu còn lại XL02 (tuyến tránh thị xã An Khê) và XL04B (tuyến tránh TP. Pleiku) hiện đã hoàn thiện hồ sơ theo kiến nghị điều chỉnh của địa phương, đồng thời sẽ triển khai thi công trong năm 2021.

Cũng theo ông Lưu Việt Khoa, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Quản lý Dự án 2 đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị thi công xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức thi công để đảm bảo yêu cầu tiến độ, chất lượng công trình.

Động lực cho vùng Bắc Tây Nguyên

Ông Đoàn Hữu Dũng-Phó Giám đốc Sở GT-VT-cho biết: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm đến dự án này và luôn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp nhịp nhàng cùng chủ đầu tư để đảm bảo yêu cầu đề ra. Về phía tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông làm Trưởng ban; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên và lãnh đạo UBND 7 huyện, thị xã, thành phố nằm trong phạm vi triển khai Dự án. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai rất quyết liệt, đảm bảo tiến độ để chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thi công.

Quốc lộ 19-đoạn qua thị trấn Đak Đoa. Ảnh: Lê Hòa
Quốc lộ 19-đoạn qua thị trấn Đak Đoa. Ảnh: Lê Hòa


Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 tuyến quốc lộ (19, 19D, 25, 14C, đường Trường Sơn Đông và đường Hồ Chí Minh) với tổng chiều dài 723 km; trong đó, quốc lộ 19 đóng vai trò là tuyến giao thông xương sống, cầu nối liên kết Bắc Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Bởi vậy, cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 là một trong những dự án giao thông trọng điểm, được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội cho tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak cũng như hoàn thiện hạ tầng giao thông, giao thương trên trục Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Tại Quyết định số 982/QĐ-BGTVT ngày 22-5-2019, Bộ GT-VT cũng khẳng định: Mục tiêu đầu tư của dự án này là nhằm góp phần kết nối hệ thống đường bộ với các nước láng giềng; tăng cường kết nối giao thông và logistics dọc theo hành lang Đông-Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung; xây dựng hành lang an toàn giao thông đường bộ trên tuyến, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn giao thông quốc tế.

“Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 sẽ góp phần hoàn thiện thêm hạ tầng giao thông kết nối từ Pleiku đi một số địa phương trong tỉnh cũng như gia tăng kết nối với các tỉnh, thành lân cận. Từ đó tạo động lực để TP. Pleiku có thêm sức bật để phát triển. Đặc biệt, trong dự án này thì thành phố sẽ mở thêm tuyến đường tránh phía Đông Nam Pleiku. Sự đầu tư mới về hạ tầng sẽ giúp thành phố có điểm nhấn thu hút dân cư phát triển theo hướng này. Điều này cũng phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển đô thị trong tương lai đã được nghiên cứu, xây dựng”-ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-chia sẻ.

 

 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.