Đừng làm xấu mình, khổ người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo thông tin mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ra thông báo thực hiện chính sách ân hạn mới đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước.

Chính sách ân hạn này được thực hiện từ ngày 7-11-2022 đến hết ngày 28-2-2023.

Đáng chú ý của chính sách mới này là Chính phủ Hàn Quốc sẽ không xử phạt tiền và hoãn hạn chế nhập cảnh đối với những người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong khung thời gian nêu trên.

Chính sách mới của Hàn Quốc áp dụng cho tất cả người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn nêu trên. Loại trừ các trường hợp người nước ngoài mới ra cư trú bất hợp pháp sau ngày 7-11-2022; người nhập cư bất hợp pháp; người sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành giả; người phạm tội hình sự; người vi phạm quy tắc phòng dịch, người không thực hiện mệnh lệnh xuất cảnh.

Song song với việc thực hiện chính sách ân hạn này, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác truy bắt người nước ngoài cư trú bất hợp pháp trên toàn Hàn Quốc kể từ ngày 11-10-2022. Người nước ngoài cư trú bất hợp pháp bị bắt trong thời gian thực hiện chính sách nêu trên sẽ bị phạt tiền lên đến 30 triệu won và tăng thời gian cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc.

Có thể thấy đây là một chính sách mở từ Chính phủ Hàn Quốc, nhằm thắt chặt quản lý lao động nước ngoài làm việc tại quốc gia này, đồng thời thể hiện tính chất kêu gọi tự giác trước, gia tăng hình phạt sau, nếu người lao động nước ngoài cố tình vi phạm, cư trú bất hợp pháp.

Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, mỗi năm Hàn Quốc tiếp nhận hơn 50.000 lao động nước ngoài vào làm việc. Thời điểm đại dịch, số lao động nước ngoài vào làm việc giảm đi rất nhiều, 2 năm 2020 và 2021, chỉ có khoảng 6.600 và 5.100 lao động nước ngoài vào nước này làm việc. Điều đó khiến Hàn Quốc thiếu hụt lao động nước ngoài trầm trọng.

Thiếu lao động song không có nghĩa là chấp nhận lao động chui, làm xáo trộn xã hội cùng với những hệ lụy phức tạp. Trong nhiều năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đối mặt tình trạng lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng để ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Trong số đó, lao động Việt Nam chiếm tỉ lệ không nhỏ. Những năm 2003-2005, có đến 25%-30% lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Từ năm 2013-2016, Hàn Quốc ngừng gia hạn tiếp nhận mới lao động Việt Nam khiến 35.000 - 40.000 người Việt lỡ cơ hội sang nước này làm việc. Đến nay vẫn còn 8 huyện, thành phố ở 4 tỉnh của Việt Nam phải dừng đưa lao động sang nước này đến hết năm 2022, do tỉ lệ bỏ trốn cao.

Lần này, lao động Việt nên nhắc nhau tuân thủ luật pháp nước sở tại, những trường hợp trong diện được lưu ý nên tự nguyện về nước theo chính sách ân hạn này, vừa để không ảnh hưởng thể diện quốc gia vừa không cản trở đường đến Hàn Quốc làm việc của những lao động khác. Bao người đã bỏ ra công sức, tiền của, mong được đi làm việc ở Hàn Quốc để tìm cơ hội đổi đời bằng lao động chân chính, lại bị mất đi cơ hội chỉ vì lao động đi trước bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp.

Theo HIỀN MINH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc các trường tiểu học, THCS triển khai dạy học 2 buổi mỗi ngày không thu phí từ năm học 2025 - 2026 thực sự là thông tin mang lại 'niềm vui nhân đôi' với phụ huynh cả nước.

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Du lịch đã trở thành điểm sáng vượt trội trong bức tranh kinh tế TPHCM tháng 4 khi chỉ trong 15 ngày (từ ngày 2-4 đến 4-5) đã phục vụ gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 15.700 tỷ đồng, cao gấp đôi doanh thu dịp Tết Ất Tỵ.

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...