Một vụ cháy quán karaoke kinh hoàng khiến nhiều người thiệt mạng chắc chắn sẽ “hút” sự chú ý của công chúng như một “thỏi nam châm” cực mạnh và tạo ra làn sóng lan truyền thông tin ở ngay thời điểm vụ việc được biết đến.
Cho nên, việc cung cấp thông tin của cơ quan chức năng cho báo chí và người dân khi ấy cần phải rất cẩn trọng và chuyên nghiệp. Cẩn trọng để đảm bảo các chi tiết thông tin công bố với công chúng được xác nhận tin cậy, chính xác. Chuyên nghiệp để tránh sự lúng túng, tạo ra kịch bản phát ngôn tiền hậu bất nhất khiến cơ quan chức năng phải “nói lại cho rõ”.
Trong vụ cháy quán karaoke ở Thuận An (Bình Dương) vừa rồi, con số công bố ban đầu về số tử vong cho báo chí không nhất quán, khiến lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương sau đó phải phát ngôn “chốt số liệu”. Hầu hết các nguồn tin cung cấp cho báo chí tối 7.9 là 33 người thiệt mạng trong vụ cháy gây chấn động này. Nhưng con số sau đó được “chốt” là 32 người. Sai số được giải thích là do tình hình cứu nạn cứu hộ cấp bách nên thông tin cung cấp cho báo chí không được thống nhất.
Một tình tiết khác được cung cấp cho báo chí lại vô tình gợi cho những người quan tâm đến vụ cháy kinh hoàng này hàng loạt những câu hỏi và giả thuyết suy diễn. Thông tin được công an cung cấp ban đầu: Khi xảy ra cháy, nhân viên đi gọi cửa báo cho khách hàng thì một số bị khách kéo vào trong đóng chặt cửa lại, hoặc không nghe lời thông báo của nhân viên mà đóng cửa chặt hát tiếp. Rồi sau đó, tình tiết này lâm cảnh phải “nói lại cho rõ”. Không “nói lại cho rõ” sao được khi đã phát sinh hàng loạt những suy diễn đầy ác ý liên quan đến những nạn nhân không may thiệt mạng trong vụ cháy. Sự thương xót bị khuất lấp bởi luồng thông tin bình luận, suy diễn theo chiều hướng xấu.
Các cơ quan chức năng nên đặt vấn đề phát ngôn, công bố thông tin trong các tình huống cấp bách, khủng hoảng vào một quy trình chuyên nghiệp, theo đó đầu mối phát ngôn phải tuân thủ những chỉ dẫn rõ ràng để đảm bảo yêu cầu kiểm chứng và kiểm soát thông tin. Trong các tình huống, vụ việc có yếu tố khủng hoảng, các “bong bóng dội âm” (echo chamber) luôn nhanh chóng hình thành, nên những lúng túng trong việc cung cấp thông tin sẽ tạo ra khoảng trống mênh mông cho suy diễn và bịa đặt. Để rồi, các cải chính thông tin sau đó dễ gây ra các suy diễn ở vòng đời tiếp theo, theo hướng nghi ngờ việc cải chính là “thủ thuật điều hướng dư luận”.
Lực lượng chức năng đã từng nhiều lần thực hiện tốt và hiệu quả việc cung cấp thông tin minh bạch, chính xác, kịp thời cho báo chí và người dân về vụ việc chấn động dư luận. Từng có lần, trong một vụ cháy nổ nghiêm trọng giữa đêm khuya, lực lượng chức năng vẫn bình tĩnh tổ chức cung cấp thông tin chính thức cho báo chí ngay giữa đêm rất kịp thời và chính xác.
Vì thế, sẽ tránh được chuyện vì lý do việc cứu hộ cứu nạn cấp bách khiến thông tin cung cấp không chính xác và nhất quán nếu trong quy trình xử lý của lực lượng chức năng đã tích hợp sẵn một quy trình phát ngôn và cung cấp thông tin chuyên nghiệp.
Theo Huỳnh Văn Thông (TNO)