Mũi Né không chỉ là điểm đến thu hút du khách, mà còn là một Khu du lịch quốc gia nằm top 10 tỉnh, thành có doanh thu du lịch lớn nhất cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, Bình Thuận đón 5 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế tăng tới 91%.
Nhìn tổng quan thì thấy, Mũi Né nói riêng và du lịch Bình Thuận nói chung đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức mới. Đầu tiên, phải mất 2 năm sau đại dịch Covid-19, Mũi Né mới thực sự hồi sinh, gánh trọng trách là điểm đến trụ cột cho ngành công nghiệp không khói của địa phương. Nhưng làm sao để Mũi Né trở thành điểm đến "vừa có tính truyền thống - vừa có tính sáng tạo" lúc này là một thách thức. "Mũi Né truyền thống" là với nhiều khu resort sang trọng sát biển, đón khách Tây là chủ yếu. Tuy nhiên, đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các điểm đến "na ná nhau" hiện nay, Mũi Né phải đa dạng nguồn khách, đa dạng thị trường khách, phong phú sản phẩm, lấy du khách là tâm điểm, mà không cần phải chú trọng một thị trường truyền thống nào cả.
Sự "khác biệt" của du lịch Mũi Né phải là những sản phẩm du lịch đặc sắc, có chất lượng, chứ không phải nhiều sản phẩm nhưng lắm "chiêu trò", làm cho khách tới một lần rồi không quay lại nữa. Công tác truyền thông cho du lịch Mũi Né nói riêng và du lịch Bình Thuận nói chung cũng còn thiếu hiệu quả.
Hay nói như ông Nguyễn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, tại đại hội của hiệp hội du lịch, phát triển du lịch phải dựa trên các yếu tố nền tảng, bền vững, lâu dài; hướng sự an toàn, thân thiện đến du khách.
Hiện nay, nhờ có đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, từ TP.HCM đến Phan Thiết - Mũi Né chỉ mất 2 tiếng rưỡi đi bằng ô tô. Rất lợi thế! Nhưng nếu Mũi Né không làm thỏa mãn du khách, họ có thể tiếp tục tuyến cao tốc - vốn lưu thông rất thuận tiện - để đến Ninh Thuận, Nha Trang; hoặc lên Đà Lạt. Rất có thể lúc đó, du khách chỉ sẽ lướt qua, "né" Mũi Né. Và đó chính là thách thức lớn nhất cho Mũi Né hiện nay.
Theo Quốc Hanh (TNO)