Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với những trường hợp trầm cảm của con trẻ có liên quan đến mối quan hệ trong gia đình, bố mẹ cần đi cùng con đến nơi khám và nhờ chuyên gia tư vấn luôn cho cả bố mẹ
Gần đây, nhiều bậc phụ huynh bàng hoàng khi con em của mình đang tuổi học sinh đã tìm đến cái chết vì những lý do không ngờ như gặp phải những rắc rối từ nhà trường, hay từ mạng xã hội.
Đồng hành với con trẻ
Theo các bác sĩ (BS), nhiều người vẫn cho rằng trầm cảm là bệnh của người lớn nhưng thực sự không phải. Trầm cảm xảy ra ở cả trẻ em nhưng có khi không có biểu hiện rõ ràng. Nếu không được phát hiện, can thiệp kịp thời, căn bệnh này sẽ theo trẻ cho đến tuổi thiếu niên rồi trưởng thành, làm ảnh hưởng đến quá trình của sự hình thành nhân cách.
Một trong các nguyên nhân xuất phát căn bệnh này là từ các vấn đề trong chính gia đình mà trẻ đang sinh sống, nên phụ huynh cần phải lưu tâm.
"Tôi vừa khám cho một cô bé vừa qua tuổi 20, trầm cảm đã lâu, có ý định tự tử. Nguyên nhân xuất phát từ cách kiểm soát con quá chặt chẽ của bố mẹ từ khi cô bé còn rất nhỏ: làm việc gì cũng phải theo ý gia đình, đi đâu cha mẹ cũng đòi đưa đi… Gần đây, khi cô bé đã lớn và bệnh tình có chiều hướng nặng hơn, tôi đã phải mời ông bố của cô bé vào để giải thích, khuyến cáo ông bố phải thay đổi cách chăm sóc con gái, nếu không cô bé sẽ bị stress nặng hơn và tự tử thật sự" - BS chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh Phòng khám Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược 1 TP HCM, kể.
 
Khi phát hiện bất ổn, phụ huynh nên tìm sự tham vấn cho con em và cả bản thân từ bác sĩ chuyên khoa. Trong ảnh: Tư vấn cho một phụ huynh tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP HCM (Ảnh: THU ANH)
Khi phát hiện bất ổn, phụ huynh nên tìm sự tham vấn cho con em và cả bản thân từ bác sĩ chuyên khoa. Trong ảnh: Tư vấn cho một phụ huynh tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP HCM. Ảnh: THU ANH
Theo ThS-BS Đinh Thạc, Trưởng Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), các vấn đề trong gia đình còn có thể kể đến việc phải chứng kiến nạn bạo hành gia đình, hay bị bỏ rơi… Ngoài ra, các vấn đề trong môi trường học đường (bị bắt nạt, kỳ thị…) và trên không gian mạng xã hội cũng là những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ em.
"Xu hướng hiện nay các gia đình thường sinh ít con, có nhiều chuyện trong cuộc sống con trẻ lại khó lòng chia sẻ với bố mẹ. Trong khi nếu gặp phải sự bắt nạt, hay kỳ thị… thì lúc này trẻ rất cần được giúp đỡ. Bố mẹ không nên cấm con dùng mạng xã hội (vì không hẳn mạng xã hội là xấu), mà nên hướng dẫn con mình sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực, cần thường xuyên quan tâm đến con, đồng hành với con để kịp thời can thiệp khi con trẻ gặp chuyện. Nếu cấm cản quyết liệt thì có khi con em mình sẽ trốn tránh và vẫn lén lút dùng mạng xã hội nhưng sẽ nói dối với bố mẹ là không dùng, điều này khiến con trẻ sẽ đơn độc khi gặp phải vấn đề trong cuộc sống" - BS Thạc phân tích.
Coi chừng "tuổi nông nổi"
Theo BS Đinh Thạc, nếu người lớn tự tử chủ yếu do trầm cảm nặng thì các trường hợp tự tử ở trẻ em, trẻ vị thành niên có ý định tìm đến cái chết có thể vẫn chưa đến mức trầm cảm nặng nhưng do bị tác động tổng hợp của trầm cảm và sự nông nổi, điều hay gặp ở lứa tuổi tâm lý và nhân cách vẫn đang phát triển. Có khi đơn giản là trẻ chán điều gì đó, rồi bắt chước phim ảnh và đi tự tử. Vì vậy không nên xem thường việc khi trẻ đề cập đến ý định tự tử, cho dù là trẻ nhỏ.
"Khi trẻ có ý định tự tử đó cũng là lúc cần phải có chỉ định nhập viện. Chỉ cần trẻ có ý định tự tử, là cần phải đưa con trẻ đến bác sĩ chuyên khoa ngay, tuyệt đối không nên cố trì hoãn, khuyên nhủ hay la mắng trẻ" - BS Trần Minh Khuyên nhấn mạnh.
BS Khuyên lưu ý thêm: Với những trường hợp mà tình trạng trầm cảm của con trẻ có liên quan đến mối quan hệ trong gia đình thì bố mẹ cần đi cùng con đến nơi khám và nhờ chuyên gia hỗ trợ tư vấn luôn cho cả bố mẹ, nếu như bố mẹ cảm thấy bản thân mình lúc nào cũng lo lắng, ám ảnh trong việc dạy dỗ, giám sát con em mình.
Theo BS Đinh Thạc, nếu thấy trẻ em, trẻ vị thành niên có các dấu hiệu kém vui trong thời gian dài, ủ rũ, thay đổi thói quen, xa lánh người thân, bạn bè, thích nhốt mình trong phòng, việc học bỗng dưng tuột dốc... thì phụ huynh nên chú ý tìm hiểu nguyên nhân, nhẹ nhàng trao đổi với trẻ. Nếu sự việc không cải thiện nên nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ vì có thể bé gặp vấn đề tâm lý gì đó. Có khi chưa đến mức gọi là trầm cảm nhưng việc giải quyết sớm những tổn thương tinh thần, những vấn đề gây stress ở trẻ là hết sức cần thiết.
ANH THƯ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm