Đức tuyên bố cung cấp cho Ukraina 1.000 tên lửa chống tăng và hệ thống phòng không Stinger - một động thái bất ngờ đảo ngược quyết định trước đó.
Đức gửi tên lửa chống tăng cho Ukraina. Ảnh: Global Look Press |
RT dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Hebestreit thông báo hôm 26.2 rằng Berlin đã quyết định cung cấp cho Kiev 1.000 hệ thống vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger từ kho dự trữ của quân đội Đức. Số vũ khí này sẽ được chuyển đến Ukraina trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz bình luận về quyết định này bằng cách gọi chiến dịch quân sự đang diễn ra của Nga ở Ukraina là một “bước ngoặt” “đe dọa toàn bộ trật tự thời hậu chiến”. “Nghĩa vụ” của Đức là hỗ trợ Ukraina phòng thủ chống lại cuộc tấn công của Nga - theo Thủ tướng Olaf Scholz.
Trước đó trong ngày 26.2, một số hãng truyền thông Đức đưa tin Berlin đã thay đổi quan điểm về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina theo yêu cầu khẩn cấp từ Kiev và các đối tác NATO.
Đài truyền hình ARD của Đức cho hay Berlin có kế hoạch cung cấp cho Kiev các bệ phóng tên lửa chống tăng di động “thông qua các nước thứ ba”. Chính phủ Đức được cho là đã đạt được một thỏa thuận với Hà Lan, theo đó Amsterdam sẽ bàn giao vũ khí cho Ukraina.
Thủ tướng Scholz trước đó đã loại trừ việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina. Theo quy định của Đức về việc bán lại vũ khí của mình cho các nước thứ ba, bất kỳ ai bán lại vũ khí do Đức sản xuất trước tiên phải được Berlin chấp thuận.
Tờ FAZ của Đức đưa tin, Berlin cũng đã bật đèn xanh cho Estonia chuyển giao pháo tự hành của nước này cho Ukraina. Khí tài quân sự đến từ kho dự trữ của Quân đội Nhân dân Quốc gia Đông Đức trước đây và ban đầu được bán cho Phần Lan vào những năm 1990.
Estonia đã yêu cầu chấp thuận giao dịch từ Berlin vào tháng Giêng nhưng không nhận phê duyệt vào thời điểm đó, theo các phương tiện truyền thông.
Đức cũng có kế hoạch xuất khẩu 14 xe bọc thép cho Ukraina. Theo FAZ, thỏa thuận đã được thông qua vào ngày 26.2. Tờ báo cho biết thêm, các phương tiện có thể được sử dụng cho mục đích vận chuyển hoặc sơ tán nhân viên sẽ được bàn giao cho Ukraina cùng với 10.000 tấn nhiên liệu sẽ được chuyển qua Ba Lan.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Phó Thủ tướng Robert Habeck bình luận về sự thay đổi đường lối của Berlin, nói rằng trước "cuộc tấn công của Nga, Ukraina phải có khả năng tự vệ. Do đó, chính phủ Liên bang cũng đang hỗ trợ Ukraina… những khí tài cần thiết khẩn cấp”.
Động thái này diễn ra sau một chiến dịch quân sự quy mô lớn do Nga phát động ở Ukraina. Điện Kremlin cho biết chiến dịch này nhằm mục đích “phi quân sự hóa”Ukraina.
Diễn biến này đã gây ra phản ứng dữ dội từ các quốc gia phương Tây. Mỹ, Anh, EU và Canada giáng đòn trừng phạt vào Nga bằng một vòng trừng phạt mới nhắm vào các ngành ngân hàng, hàng không và vũ trụ của nước này. Mỹ và các đồng minh cũng đang cân nhắc việc cắt Nga khỏi hệ thống thanh toá quốc tế SWIFT.
Theo KHÁNH MINH (LĐO)