Du lịch sông nước ở Gia Lai: Tại sao không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Địa hình đặc trưng của Gia Lai là núi đồi, nhiều sông suối, thác ghềnh, hồ nước ngọt với cảnh quan tươi đẹp, hấp dẫn. Nhiều năm qua, tại một số địa phương, loại hình du lịch sông nước đã manh nha hình thành, giúp du khách khám phá vẻ đẹp thơ mộng, kỳ vĩ.
Đầu tiên phải kể đến du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện). Từ những năm 2000, hồ nước ngọt rộng lớn này đã thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, vui chơi với nhiều hoạt động thú vị. Du khách có thể theo bậc thang vượt qua lớp đá dựng đứng để thu vào tầm mắt toàn cảnh vùng bình nguyên xanh mướt từ trên cao. Mặt nước trong xanh phẳng lặng soi bóng núi non, trời mây càng trở nên hấp dẫn khi khách được trực tiếp ngồi trên xuồng máy, tận hưởng làn hơi nước mát lạnh. Trên đường đi, du khách còn được ghé thăm các đảo sinh thái Cô Đơn, Đrim, Đảo Đá. Việc đi thuyền ngắm cảnh, lên bờ thăm thú cảnh sắc đã mở ra tại nơi này một tour du lịch sông nước đầy hấp dẫn.
Hiện nay, Xí nghiệp Thủy nông đầu mối kênh chính Ayun Hạ-Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Gia Lai đang trực tiếp phục vụ dịch vụ đưa khách tham quan trên sông. Với 5 chiếc ca nô có sức chứa 6-10 người và 2 tàu máy (sức chứa 10-12 người) cùng đội ngũ tài công được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, dịch vụ đi thuyền trên lòng hồ Ayun Hạ thực sự rất hấp dẫn với du khách gần xa.
Khung cảnh yên bình của lòng hồ Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Linh
Khung cảnh yên bình của lòng hồ Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Linh
Những năm gần đây, du lịch trên sông Sê San (xã Ia O, huyện Ia Grai) đã không còn xa lạ với du khách. Tour di chuyển bằng thuyền máy trên lòng hồ Sê San 4 đến thăm làng chài, sau đó tiếp tục đến nhánh sông Pô Cô thăm bến đò A Sanh, ngược về tham quan thác Mơ được nhiều du khách lựa chọn. Núi non sông nước hòa điệu làm thành khung cảnh hết sức nên thơ, hấp dẫn. Ngồi trên thuyền nhìn ngắm nương rẫy trù phú, núi rừng trùng điệp, tận hưởng làn gió mát trên sông là một trải nghiệm đầy thú vị.
So với Ayun Hạ, mặc dù phát triển sau nhưng vùng sông nước Sê San đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như dịch vụ đi thuyền máy trên sông, nhà hàng ẩm thực nổi với các món đặc sản gồm chả cá thác lác, cá lăng. Người dân làng chài cùng với đánh bắt mưu sinh còn tự làm ra các sản phẩm như bánh tráng cá cơm, cá cơm khô sông Sê San... rất hút khách.
Anh Nguyễn Văn Sơn-một cư dân làng chài kiêm lái tàu chở khách tham quan-chia sẻ: “Nhờ các món đặc sản được du khách yêu thích nên bà con ở đây có thêm thu nhập. Những ngày lễ, Tết, khách đến tham quan rất đông. Cảnh quan thiên nhiên nơi này hữu tình, thích hợp để vui chơi, giải trí sau những ngày làm việc căng thẳng”.
Nhắc đến du lịch sông hồ không thể không kể đến hồ đập thủy điện Ia Ly (huyện Chư Păh) hay thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Vẻ đẹp hiếm có của 2 điểm đến này luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách. Nếu hồ thủy điện Ia Ly thu hút bởi sự hùng vĩ, rộng lớn thì Biển Hồ lại đem đến cảm giác thanh bình, lãng mạn. Chính vì vậy, 2 địa điểm du lịch này luôn được nhiều công ty lữ hành giới thiệu đến du khách trong hành trình khám phá Gia Lai.
Hoạt động đi thuyền máy ngắm cảnh trên lòng hồ Ayun Hạ đã có từ nhiều năm nay. Ảnh: Bùi Hương Thảo
Hoạt động đi thuyền máy ngắm cảnh trên lòng hồ Ayun Hạ đã có từ nhiều năm nay. Ảnh: Bùi Hương Thảo
Đánh giá về tiềm năng du lịch sông nước tỉnh nhà, bà Bùi Hương Thảo-Phó Trưởng bộ phận Thông tin-Xúc tiến du lịch (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) cho biết: “Thời gian qua, Bộ phận Thông tin-Xúc tiến du lịch đã tiến hành khảo sát tiềm năng và điều kiện để hình thành và phát triển loại hình du lịch sông nước ở một số địa phương trong tỉnh như huyện Phú Thiện, Ia Grai… Chúng tôi nhận thấy Gia Lai rất có tiềm năng để phát triển loại hình này. Bên cạnh một số nơi đầu tư khá tốt thì vẫn còn vài địa phương thiếu sự quan tâm, người dân chưa mặn mà với du lịch. Điều cần làm lúc này là cần có đơn vị mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện an toàn để phục vụ du khách. Đồng thời nâng cao ý thức hơn nữa cho người dân trong việc phát triển các dịch vụ như ẩm thực, nơi ngủ nghỉ, trình diễn nghệ thuật… ”.
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: Thời gian qua, Sở đã chỉ đạo các phòng, bộ phận chuyên môn tiến hành khảo sát, đánh giá điều kiện của loại hình du lịch sông nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các địa phương như: Phú Thiện, Ia Grai, Chư Păh và TP. Pleiku được đánh giá là rất có tiềm năng. Để phát triển loại hình du lịch sông nước, trước hết cần thu hút các đơn vị đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo đủ điều kiện an toàn để phục vụ du khách. Cùng với đó, Sở cũng sẽ mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc phát triển các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ… Kết hợp du lịch sông nước với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông sẽ là hướng đi hiệu quả, góp phần thu hút du khách.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.