Du lịch Gia Lai "ngủ đông" nhưng không ngủ quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong thời gian tạm “ngủ đông” vì dịch Covid-19, các khu du lịch do tư nhân đầu tư vẫn chuẩn bị cho ngày mở cửa trở lại. Với sự năng động, nhạy bén vốn có, giờ đây, họ đã sẵn sàng “trình làng” diện mạo mới, dịch vụ mới để phục vụ du khách tốt nhất có thể.

Khoảng lặng quý giá

Nhiều tháng qua, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hoàng Vân (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) phải đóng cửa để phòng-chống dịch Covid-19. Tuy vậy, hàng ngày, nơi này vẫn có người làm việc, giữ cho toàn bộ diện tích gần 30 ha với hệ thống cây xanh, hoa cỏ ở trạng thái tươi tắn nhất. Khu du lịch Hoàng Vân được xây dựng dựa vào địa thế thiên nhiên hài hòa có núi non, sông suối và hệ sinh thái nông nghiệp xanh bao quanh. Tôn trọng yếu tố tự nhiên với quần thể cây xanh trải rộng ngút ngàn song nơi đây vẫn có đầy đủ dịch vụ nghỉ dưỡng, nhà hàng, các trò chơi thể thao dưới nước, tắm khoáng oxy… để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.

 Một góc Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hoàng Vân (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê). Ảnh: Hoàng Ngọc
Một góc Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hoàng Vân (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê). Ảnh: Hoàng Ngọc


Ông Nguyễn Hoàng Vân-chủ khu du lịch-cho biết: “Trong thời gian đóng cửa để phòng-chống dịch, tôi đã cho một nửa nhân lực nghỉ việc để cắt giảm chi phí hoạt động, chỉ giữ lại 7-10 người lao động quét dọn vệ sinh, trồng hoa, làm cỏ, vệ sinh hồ, các khu nhà nghỉ dưỡng, chòi câu cá ven hồ... Đây là khu sinh thái nên rất cần bàn tay con người chăm sóc thường xuyên. Tuy nhiên, để duy trì được lực lượng lao động thường xuyên này với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ chi phí để giữ gìn cảnh quan, cơ sở hạ tầng, tôi còn đầu tư mở rộng thêm một số hạng mục. Đặc biệt, để chuẩn bị cho du lịch mở cửa và mùa du lịch Tết, tôi có kế hoạch xuống giống vườn hoa hướng dương rộng vài héc ta. Ngoài ra, tôi đầu tư thêm hồ tắm khoáng oxy. Đây là hồ nước tự nhiên được đầu tư công nghệ để tạo sự thư giãn và tăng cường sức khỏe cho khách khi ngâm tắm trong hồ”.

Nói về sự đầu tư này, ông Vân lạc quan: “Tôi luôn có niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vì đây là xu hướng và nhu cầu thiết yếu của con người. Tôi luôn khao khát làm du lịch một cách bền vững và có niềm tin thành công. Từ kinh nghiệm bản thân và qua học hỏi, tôi thấy du lịch là ngành quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Hơn 10 năm làm du lịch, có thời kỳ hoàng kim, thời kỳ trầm lắng, tôi coi đây là khoảng thời gian để nhìn nhận lại cách làm và có điều chỉnh, đầu tư làm mới lại mình”.  

 Khu du lịch sinh thái Hoàng Vân (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê). Ảnh: Hoàng Ngọc
Khu du lịch sinh thái Hoàng Vân (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Ngọc



Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy (hẻm 479 Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) ra đời vào tháng 3-2021. Mở cửa đón khách được một thời gian ngắn, khu du lịch phải đóng cửa do dịch bệnh bùng phát trở lại. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian để doanh nghiệp kịp giới thiệu, trình làng những sản phẩm, dịch vụ độc đáo tới người dân và du khách. Khu du lịch có tổng diện tích hơn 44 ha, trồng hàng ngàn cây xanh, cây lá màu tạo nên một quần thể sinh thái xanh mát ở ngoại ô Pleiku. Tại đây có nhiều loại hình vui chơi như chèo thuyền du ngoạn trên hồ nước rộng gần 17 ha, trải nghiệm không gian thiên nhiên trên những cung đường thơ mộng bằng xe điện và là một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất Phố núi. Chiều đến, du khách tản bộ hoặc đạp xe quanh hồ nước trong ánh sáng huy hoàng dần tắt cuối chân trời là trải nghiệm mang đến cảm xúc êm đềm khó tả. Các dịch vụ và tiện ích như hệ thống nhà hàng, cà phê, khu nghỉ dưỡng được thiết kế hài hòa với tổng thể không gian làm hài lòng ngay cả khách hàng khó tính.

Ông Trần Văn Đương-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần du lịch Xuân Thủy-cho biết: “Sau một thời gian ngắn mở cửa đón khách, chúng tôi cũng kịp nhận ra những hạn chế để tiếp tục hoàn thiện. Do đó, trong thời gian tạm nghỉ, chúng tôi vẫn duy trì lực lượng lao động để cải tạo cảnh quan, trồng thêm cây xanh. Đồng thời, chúng tôi tập huấn quy trình phục vụ cho đội ngũ nhân viên để sẵn sàng hoạt động khi du lịch mở cửa trở lại”.

 

3 Cụm trò chơi liên hoàn tại Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy thu hút du khách- Ảnh Thủy Bình.jpg
Cụm trò chơi liên hoàn tại Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy thu hút du khách. Ảnh: Thủy Bình



Chuẩn bị “chào sân”

Dù chưa chính thức mở cửa đón khách nhưng mô hình du lịch nông nghiệp của ông Nguyễn Chất Sâm (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) dự báo sẽ là điểm du lịch trang trại kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái thu hút khách vì có nhiều dịch vụ mới để trải nghiệm. Đầu tư hơn 13 tỷ đồng trong 3 năm qua, ông Sâm đã biến vùng đất cằn cỗi, đồi núi thành một trang trại nông nghiệp hữu cơ trù phú. Học hỏi các mô hình farmstay của nước ngoài, ông biến trang trại thành mô hình du lịch nông nghiệp xanh bền vững, nhân văn, tôn trọng yếu tố tự nhiên, địa hình và khai thác thế mạnh nông nghiệp bản địa. Hiện tại, ngoài 1.500 cây sầu riêng, 1.500 cây mít Thái chuẩn bị cho thu hoạch, trang trại còn được phủ xanh bởi nhiều loại cây trái như: xoài, dừa xiêm, cam, măng cụt, sơ ri, bưởi, mãng cầu, bơ… Theo ông Sâm, việc đa dạng các loại cây ăn quả để đảm bảo “mùa nào thức nấy”, lúc nào cũng có trái cây cho du khách được trải nghiệm thu hái và sử dụng ngay tại chỗ.

Ngoài đầu tư nhiều giống cây ăn quả, một hệ sinh thái cây cảnh, hoa, thảm cỏ đẹp mắt cũng được chăm chút cẩn thận trong khuôn viên rộng gần 15 ha, đặc biệt là ở những triền dốc cao. Với địa thế lưng dựa núi, mặt hướng ra đập thủy điện Ia Ly, bao quanh khu vực là suối Ia Ly trải dài, farmstay này là điểm nhấn vô cùng ấn tượng trong cung du lịch ở phía Tây, là mô hình du lịch nông nghiệp “đúng chất” đầu tiên tham gia vào sân chơi du lịch của tỉnh. Từ đây kết nối các điểm đến như: Thủy điện Ia Ly, suối đá cổ làng Vân, các làng du lịch cộng đồng ở xã Ia Mơ Nông… đều rất thuận lợi.

 Ngắm đập thủy điện Ia Ly từ khu du lịch nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ngắm đập thủy điện Ia Ly từ khu du lịch nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Ngọc


Điều đặc biệt ấn tượng trong quần thể này là hồ bơi được thiết kế ngay trên đỉnh núi. Vừa ngâm mình trong dòng nước mát, vừa có thể bao quát toàn vẹn không gian cảnh quan núi non trùng điệp trước mặt, đập thủy điện Ia Ly phía đối diện, cảm giác với tay là có thể chạm vào mây trời là trải nghiệm thú vị không gì bằng. Hồ nước trong vắt phản chiếu sắc xanh của rừng núi, bầu trời chính là công trình “để đời” của chủ nhân. Ông Sâm đã phải vất vả mày mò nghiên cứu để dẫn nguồn nước từ đỉnh núi đối diện về hồ qua hệ thống đường ống nhờ chênh lệch áp suất.

Tự tin đầu tư ngay cả trong thời điểm dịch bệnh, ông Sâm cho biết trong khó khăn lại có may mắn. Đó là ông có thời gian học hỏi, chắt lọc từ các mô hình tương tự để tìm hướng phát triển phù hợp, đó là vừa không can thiệp nhiều vào địa hình tự nhiên, vừa tận dụng địa thế đồi núi, suối hồ tuyệt đẹp ở đây. Ông cho biết: “Tôi chia ra từng giai đoạn, giai đoạn đầu ưu tiên trồng các loại cây ăn quả vì đây là yếu tố quan trọng để tạo ra mô hình du lịch nông nghiệp bền vững. Giai đoạn 2 mới bắt tay vào làm các dịch vụ đi kèm như hồ bơi, khu vực hội nghị, tiệc cưới ngoài trời, nhà nghỉ dưỡng nằm tách biệt trên sườn núi để đảm bảo sự riêng tư cho các gia đình. Ngoài ra, tôi cũng thiết kế các khu vực làm nông nghiệp ngắn ngày như trồng các loại rau củ quả. Số tiền đầu tư đã lên đến hàng chục tỷ đồng và sẽ còn phải bỏ nhiều nữa mới hoàn thiện những hạng mục vừa nêu. Song điều tôi hướng đến là khai thác du lịch bền vững, vì vậy mà không nóng vội dù gặp nhiều khó khăn”. Ông Sâm cho biết thêm, chính quyền quan tâm và ủng hộ dự án của doanh nghiệp, cam kết tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho lao động địa phương.

6 Các địa điểm vui chơi chủ động các phương án để đón khách. Ảnh Minh Châu.jpg
Các địa điểm vui chơi chủ động các phương án để đón khách. Ảnh: Minh Châu


Các khu du lịch sinh thái do tư nhân đầu tư đều có diện tích rộng, gần gũi với thiên nhiên. Cách làm mới mẻ, năng động, đầu tư mạnh tay đã hình thành thêm điểm đến, sản phẩm, dịch vụ, góp phần tạo sức bật cho du lịch tỉnh nhà trong những năm qua và thời gian tới.  

Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Doanh nghiệp du lịch tư nhân có đóng góp rất quan trọng trong phát triển du lịch. Họ tạo ra các sản phẩm chủ lực, quảng bá du lịch địa phương, tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực. Hiệu quả thấy rõ nên hiện các khu du lịch do Nhà nước quản lý như: Biển Hồ, Công viên Diên Hồng… tỉnh đã có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động. Sự nhạy bén, năng động của các doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch thực sự hiệu quả. Đó chính là đòn bẩy tăng trưởng nền kinh tế xanh của tỉnh trong hành trình du lịch mới”. 

 HOÀNG NGỌC  

 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.