(GLO)- Gia Lai có ưu thế về phát triển du lịch cộng đồng với sự đa dạng văn hóa của 34 dân tộc sinh sống, chiếm khoảng 48% tổng dân số toàn tỉnh, đặc biệt là những nét văn hóa truyền thống tiêu biểu của 2 dân tộc Jrai và Bahnar.
Thực trạng khai thác du lịch tại buôn làng
Phát triển du lịch cộng đồng chỉ thật sự thành công khi có sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch. Làng Phung và làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) đang là những địa chỉ về du lịch văn hóa bản địa thu hút du khách khi đến với Gia Lai. Làng có nhiều cảnh quan đẹp cùng 1 đội văn nghệ cồng chiêng luôn sẵn sàng phục vụ khách. Vậy nhưng, các hoạt động khai thác du lịch ở các buôn làng này chỉ dừng lại ở một số hoạt động như tham quan, tìm hiểu buôn làng, giọt nước, nhà mồ, cách sinh hoạt của người dân và thưởng thức cồng chiêng. Hơn nữa, những lợi ích về kinh tế đối với người dân từ hoạt động du lịch ở làng Phung, làng Kép vẫn chưa rõ nét, thu nhập từ du lịch không đáng kể. Bình quân một tháng có từ 5 đến 6 đoàn khách đến tham quan nhưng không phải đoàn khách nào cũng có nhu cầu xem biểu diễn cồng chiêng. Mỗi người tham gia biểu diễn thường chỉ nhận được khoản bồi dưỡng ít ỏi là 50.000 đồng/người/lần biểu diễn-đây chỉ là một khoản thu nhỏ phụ thêm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Do đó, phần lớn họ phải làm nông để sinh sống.
Khách du lịch đến tham quan làng Phung. Ảnh: L.L |
Ngoài ra, tại các điểm tham quan này vẫn còn thiếu nhiều dịch vụ bổ sung để khách du lịch chịu chi tiền như hàng lưu niệm truyền thống, tổ chức những khu làng nghề dệt thổ cẩm, tạc tượng, đan lát, thưởng thức ẩm thực địa phương… Vì vậy, du khách tham gia các tour du lịch buôn làng ở Gia Lai thường chỉ đến trong ngày và sẽ khó có cơ hội để thu hút khách đến lần thứ 2. Trong khi đó, ở nhiều địa phương khác như: Sa Pa, Lai Châu, Huế, Hội An… đã hình thành các mô hình du lịch cộng đồng đặc sắc và đa dạng với sự tham gia tích cực từ người dân bản địa. Không chỉ mang lại những hiệu quả đáng kể cho ngành du lịch địa phương mà còn góp phần tạo việc làm cho người dân bản địa, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Hướng phát triển bền vững cho du lịch cộng đồng
Là người nhiều năm gắn bó với ngành du lịch Gia Lai, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, là một thế mạnh để thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước đến với Gia Lai bởi những đặc sắc của di sản này. Hiện tỉnh Gia Lai đang hoàn chỉnh “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó, lựa chọn “du lịch văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Đây là cơ sở cho việc xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh”.
Du lịch cộng đồng (Community Based Tourism) đang là mô hình hấp dẫn và phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia ở châu Á mà Việt Nam là điển hình. Đây là loại hình du lịch đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội không chỉ là một quốc gia, một địa phương mà còn là cơ hội để người dân bản địa cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống mà vẫn lưu giữ được các nét đẹp văn hóa truyền thống. |
Theo ông Hoàng, để có hướng phát triển bền vững cho du lịch cộng đồng tại tỉnh Gia Lai, bên cạnh sự đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch như khu văn nghệ cồng chiêng và lễ hội, khu dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng; tổ chức các tour trải nghiệm dài ngày và các dịch vụ cho khách tham quan như homestay, biểu diễn cồng chiêng, tham quan tìm hiểu buôn làng, bán hàng lưu niệm... thì cần có những giải pháp thiết thực. Trong đó, ưu tiên khôi phục kiến trúc truyền thống về nhà rông, nhà sàn, nhà mồ; duy trì các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ mừng chiến thắng...
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc cải thiện môi trường sống, nâng cao ý thức của người dân về việc đảm bảo vệ sinh, sử dụng nước sạch, xử lý rác thải... kết hợp với trách nhiệm của các công ty du lịch trong vấn đề này khi khai thác du lịch. Đặc biệt, việc hướng dẫn cho cộng đồng biết cách làm du lịch là yếu tố quan trọng để quyết định đến thành công cho vận hành mô hình du lịch cộng đồng, như: đào tạo kỹ năng quản lý và kinh doanh, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, ngôn ngữ... Và làng Phung được xem là một điển hình cần nghiên cứu đầu tư khai thác, phát triển du lịch cộng đồng.
Mô hình du lịch cộng đồng tại làng Phung thành công sẽ là động lực để triển khai tại các làng khác trên địa bàn tỉnh. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho người dân bản địa, cải thiện đời sống phát triển kinh tế địa phương mà còn góp phần đưa ngành du lịch Gia Lai phát triển theo hướng bền vững.
Lê Lan