(GLO)- Hòa cùng không khí những ngày tháng bảy mà toàn Đảng, toàn dân trên cả nước và tỉnh nhà tập trung các hoạt động thiết thực trong dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, riêng tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thuộc địa bàn xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah trong 2 ngày 25 và 26-7 (nhằm ngày 29 và 30-6 năm Giáp Ngọ), Ban Trị sự Phật giáo huyện Chư Pah đã long trọng tổ chức lễ cầu siêu anh linh các Anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây...
Đề cập về một trong những địa danh lịch sử nổi tiếng tại địa bàn huyện Chư Pah, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Quang đã trao đổi với chúng tôi: Ngược dòng lịch sử hơn 40 năm trước, địa bàn xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah là cứ điểm 42 của Mỹ trên hệ thống liên hoàn giữa Gia Lai và Kon Tum nhằm huấn luyện quân sự và ngăn chặn sự phát triển lực lượng cách mạng của ta ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ địa cách mạng. Địch đã tập trung đánh phá vùng này...
Ảnh: Thanh Nhật |
Để làm thất bại âm mưu chiến lược của địch, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Mặt trận Tây Nguyên đã chỉ đạo, tổ chức tiêu diệt cử điểm 42 của quân đoàn 2 Ngụy để phá thế kìm kẹp của địch, mở rộng hoạt động và phát triển lực lượng cách mạng. Bộ Chỉ huy Quân khu đã sử dụng Tiểu đoàn 20, bộ đội đặc công của ta để tập kích tiêu diệt cứ điểm 42. Nơi đây, đêm ngày 5 rạng sáng ngày 6-5-1972, nhận lệnh của trên giao, bộ đội ta chia làm 3 mũi tấn công, dũng cảm chiến đấu san bằng cứ điểm 42 và tiêu diệt nhiều đơn vị khác của địch. Trong trận đánh này, bộ đội đã hy sinh khá nhiều ở vòng trong không lấy được thi thể do nổ kho đạn của địch. Sau đó địch còn hành động vô nhân đạo, dùng xe ủi lấp thi thể chiến sĩ ta xuống chiến hào. Khi đất nước thống nhất, công trình Ngôi mộ chung được tiến hành xây dựng bước đầu vào năm 1977.
Sau đó, Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Nghĩa Hưng được tái tạo xây dựng lại quy mô, với kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng, hoàn thành vào cuối năm 2011 trên diện tích gần 500 m2, gồm hai hạng mục chính là Đền tưởng niệm và ngôi mộ chung của 72 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận đánh tiêu diệt cứ điểm 42. Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ xã Nghĩa Hưng là công trình văn hóa-lịch sử thể hiện sự biết ơn và ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh cứ điểm 42, cũng là nơi giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng hôm nay và mai sau…
Ảnh: Thanh Nhật |
Thượng tọa Thích Giác Tâm-Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai, kiêm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Chư Pah, Trưởng ban Tổ chức lễ cầu siêu phấn khởi khẳng định rằng: “Trước khi hoạt động này diễn ra, công tác chuẩn bị đã được sự quan tâm của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và UBND huyện, tạo điều kiện về mọi mặt của chính quyền địa phương, cũng như tinh thần tích cực của bà con phật tử và các đơn vị doanh nghiệp, đã giúp đỡ về kinh phí để Ban Trị sự Phật giáo huyện tổ chức lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ lần này…”.
May mắn hơn tại lễ cầu siêu, chúng tôi còn được gặp anh Thái Viết Khánh hiện cư trú tại thôn 14, xóm Đông Vạn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, là cháu ruột của liệt sĩ Thái Viết Thanh đang yên nghỉ tại ngôi mộ chung ở Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Nghĩa Hưng. Anh Khánh xúc động bộc bạch: “Từ năm 2012 đến nay, năm nào gia đình chúng tôi cũng cố gắng lên Gia Lai vài lần để thắp nhang tưởng nhớ liệt sĩ. Riêng năm nay, khi hay tin có Lễ cầu siêu tổ chức quy mô lớn, tôi đã tranh thủ lên sớm từ mấy ngày trước để chờ dự lễ. Tôi cảm động lắm, vì ngoài sự quan tâm thường xuyên của cấp uỷ và chính quyền địa phương đối với hương linh của các liệt sĩ, thì đây là lần đầu tiên địa phương cùng với Ban Trị sự Phật giáo huyện Chư Pah tổ chức Lễ cầu siêu các liệt sĩ với quy mô lớn và hết sức trang nghiêm, chu đáo về mọi mặt…”.
Tịnh xá Ngọc Như của huyện Chư Pah là đơn vị đóng vai trò chính trong mọi công việc chuẩn bị cho lễ cầu siêu. Tại lễ cầu siêu lần này, chúng tôi được gặp chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh-là một phật tử của Tịnh xá, chị thường xuyên tích cực tham gia cùng với Tịnh xá Ngọc Như và Ban Trị sự Phật giáo huyện Chư Pah trong các hoạt động từ thiện xã hội trên địa bàn. Chị Hạnh cho biết thêm: “Trong dịp này, từ nguồn phát tâm cúng dường của bản thân và bà con phật tử, chúng tôi còn dành nguồn kinh phí để tổ chức phát cơm từ thiện, cũng như tặng 100 suất quà cho các gia đình khó khăn và 50 suất quà cho thân nhân các gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với nước trên địa bàn…”.
Ảnh: Thanh Nhật |
Trong không khí trang nghiêm, long trọng và ấm áp, lễ cầu siêu diễn ra với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, cán bộ và nhân dân trên địa bàn, cùng các chức sắc, tăng ni và đồng bào phật tử; Hòa thượng Thích Từ Hương-Ủy viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai là vị cao tăng trực tiếp chứng minh cho lễ cầu siêu này. Cùng với nghi thức Quốc ca và Phật giáo ca, trong phần cầu siêu hương linh các anh hùng liệt sĩ, toàn thể đại biểu vô cùng bùi ngùi xúc động nghe Hòa thượng Thích Thông Đạt-thành viên Ban Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đọc diễn văn tưởng niệm, nêu bật sự đánh giá tôn vinh những cống hiến to lớn và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ qua cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, vì nền độc lập tự do cho đất nước.
Đồng thời, nhấn mạnh lễ cầu siêu là hoạt động văn hóa thể hiện truyền thống đoàn kết yêu nước của Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, là việc làm thiết thực nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ và mùa an cư kiết hạ, Đại lễ Vu lan Phật lịch 2558…
Cùng với nghi lễ cầu nguyện hương hồn các liệt sĩ trong chương trình lễ cầu siêu đêm 29-6 Âm lịch, toàn thể tăng ni và đồng bào phật tử đã tham gia phần lễ thắp nến tri ân cho hơn 70 liệt sĩ đang yên nghỉ tại ngôi mộ chung thuộc Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Nghĩa Hưng. Ban Trị sự Phật giáo huyện Chư Pah và toàn thể đồng bào phật tử vô cùng bùi ngùi xúc động khi xướng bài văn tế các liệt sĩ trận vong, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công ơn của các liệt sĩ đã hy sinh vì nền hòa bình, độc lập tự do cho đất nước hôm nay-một trong những nội dung báo hiếu tứ ân của đạo Phật.
Hòa trong bề dày lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam hơn 2.500 năm luôn gắn bó đồng hành cùng với lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam, các thế hệ tăng ni và phật tử luôn tiếp nối tấm gương của Đức Vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông qua hai lần lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng giặc Mông-Nguyên, hộ quốc an dân, tiếp tục phấn đấu làm tròn nghĩa vụ của người công dân với Tổ quốc. Tăng ni và phật tử hôm nay luôn phát huy tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật vào cuộc sống hàng ngày, sống “Tốt đời - Đẹp đạo”, sinh hoạt tôn giáo theo đường hướng “Đạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội”, góp phần xây dựng quê hương đât nước giàu mạnh.
Thanh Nhật