Được sáng lập bởi một người từng có những năm tháng đáng quên, 'phá làng xóm', sống giang hồ, nhưng cho tới hôm nay, tất cả hơn 50 bạn trẻ của đội múa lân ấy đã chọn sự tử tế.
Đội Lân Long Việt từng nhận được giải thưởng Liên hoan Lân Sư Rồng các nhà thiếu nhi thành phố 2018 - Ảnh: NVCC |
Đó là đội Lân Long Việt, chi hội trưởng là Lục Minh Lộc, 29 tuổi, đang là Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam P.14, Q.8, TP.HCM. Chật vật mới học hết lớp 12, Lộc từng có những năm tháng lạc lối khi sống bất cần ngày mai. Cho tới cuối năm 2010, anh được mời về làm giữ xe trước UBND P.14.
Vừa trông xe, Lộc hỗ trợ bà con thực hiện giấy tờ thủ tục hành chính. Mỗi tháng có một khoản thu nhập ổn định, nhưng hơn cả anh được gặp gỡ và nhận được những lời khuyên bảo chân tình của nhiều anh chị hội viên Hội LHTN phường. Công việc cũng cho anh được gặp gỡ rất nhiều người có trình độ và thành đạt. Anh bừng tỉnh sau cơn mê, quyết tâm không thể tiếp tục làm gánh nặng xã hội.
Năm 2012, nhận thấy Lộc có năng khiếu múa lân, mọi người ủng hộ anh mở chi hội lân để làm nơi sinh hoạt cho nhiều bạn trẻ chưa công ăn việc làm, học hành dang dở. Phường và quận hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu, sân bãi tập và cả nơi để dụng cụ, nơi họp bàn cùng nhau mỗi tối.
Lân Long Việt được thành lập, có nhiều show biểu diễn dần. Tiền thu được, một phần chia cho mọi người, phần để tích lũy, đầu tư dụng cụ cho đội. Từ những thanh niên giang hồ, nay bán vé số và tờ dò vé số dạo, mai đánh lộn, gây chuyện, mọi người cùng gắn kết, tối tối rộn ràng tiếng đánh trống khua chiêng. Không chỉ có nơi để sinh hoạt lành mạnh, tránh xa cám dỗ của nhiều tệ nạn, từ đội lân, nhiều cơ hội nghề nghiệp cũng đến hơn với những bạn trẻ. Anh Lộc cho hay thấy đội lân dễ thương, có khi chính tiệm ăn mời người múa lân về làm chạy bàn. Hay trong phường, quận có tiệc hiếu, hỉ cũng mời các bạn trẻ về giữ xe, trả thù lao.
Trong hơn 50 bạn trẻ của Lân Long Việt, lớn nhất là Lộc, nhỏ nhất là một em 12 tuổi, đang học lớp 6. Từ ngày vào đội múa lân, được Lộc bảo ban và cùng sinh hoạt với những người anh đã từng bước ra từ lầm lỗi, nhiều bạn trẻ tỉnh ngộ, thoát khỏi đời sống quậy phá. Lộc cho hay, anh đã khuyên nhủ được nhiều em nhỏ quay trở lại trường học, hoặc học nghề để ổn định cuộc sống lâu dài.
Nguyễn Văn Thái, 21 tuổi, người bỏ học đã quay về học nghề, hiện đang làm bảo trì điện. Còn Trương Trung Tín, 22 tuổi, người từng lạc lối đã chọn con đường lương thiện sau khi về đội lân. Ngoài giờ học múa lân, Tín làm công quả trong chùa, hoạt động tình nguyện nào của phường, quận cũng năng nổ tham gia.
Thật bất ngờ, khi chúng tôi hỏi Lộc, nếu có những phần quà lương thực, quần áo cũ muốn gửi tặng những bạn có hoàn cảnh khó khăn trong đội lân thì phải làm sao, Lộc chối từ. “Các bạn đều là thanh niên, sức dài vai rộng, phải lao động để lo cho gia đình, cống hiến cho xã hội. Nếu chị có lòng, những dịp nào cần tình nguyện viên vận chuyển đồ hỗ trợ bà con khó khăn, cứ gọi đội lân, không có của, đội lân sẽ góp công”, Lộc đề nghị.
Anh Nguyễn Tuấn Xĩ, Bí thư Đoàn P.14, Q.8 đồng thời là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường, cho biết đội Lân Long Việt là một mô hình hiệu quả để tập hợp thanh niên và định hướng thanh niên sống đẹp, sống có ích.
Theo Thúy Hằng (thanhnien)