(GLO)- Không giống như nhiều hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đòi hỏi trình độ và luật chơi khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, đây cũng chính là sân chơi có nhiều lợi thế hơn hẳn, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả người lao động. Đón đầu xu thế đó, không ít doanh nghiệp Gia Lai đã nhanh chóng “bắt tay vào việc” như đầu tư nâng cấp sản phẩm, mở rộng tìm kiếm thị trường hay thử cơ hội với ngành nghề mới.
Mở rộng thị trường khó tính
Với những lợi thế về tiềm lực nông sản như cà phê, cao su, hồ tiêu… mà Gia Lai có được thì TPP đã mở ra nhiều cơ hội lớn trong xuất khẩu, mở rộng thị trường quốc tế, nhất là những thị trường khó tính. Bởi, những thành viên trong TPP đa số là những nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Nhật Bản.... với gần 800 triệu người tiêu dùng và chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Với những quan điểm lạc quan về TPP, ông Trần Đức Tuấn-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cà phê GBF-Gia Lai cho rằng: “Việc gia nhập TPP có nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng hợp tác, kinh doanh ở những thị trường khó tính với các tiêu chuẩn khắt khe và rào cản về xuất khẩu mà trước đây khó có được, chẳng hạn như: Mỹ, Canada, Nhật Bản…”.
Cũng theo ông Trần Đức Tuấn để thâm nhập được vào những thị trường này, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ tất cả các vấn đề mà TPP quan tâm đề cập đến, từ vấn đề thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho đến chất lượng sản phẩm… Quan trọng nhất đó là việc đầu tư công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào quy trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm hàng hóa cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm của doanh nghiệp là thành viên TPP. Riêng với mặt hàng cà phê của Gia Lai thì cần phải làm thương hiệu mạnh hơn và sản xuất ra sản phẩm đầu cuối. Từ đó, thay đổi tỷ lệ xuất khẩu theo hướng giảm nguyên liệu tăng thương phẩm. Hiện, Công ty Cà phê GBF là một trong những đơn vị xuất khẩu cà phê bột thành phẩm nổi tiếng của Gia Lai.
Cơ hội cho xuất khẩu lao động
Mạnh dạn mở thêm ngành nghề xuất khẩu lao động đi nước ngoài, Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai là công ty duy nhất trên địa bàn Tây Nguyên hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo ông Phạm Trung Thành-Giám đốc Công ty thì Công ty có giấy phép hoạt động lĩnh vực này từ tháng 9-2015. Hiện Công ty đã tuyển dụng lao động với các ngành nghề là thợ xây dựng, thợ may, thợ cơ khí và làm vườn…. Dự kiến, trong quý I-2016 Công ty sẽ đưa khoảng 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là hướng đi mới của Công ty nhằm “đi tắt, đón đầu” xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập TPP thì đây không chỉ là cơ hội cho người lao động của tỉnh làm việc ở nước ngoài với mức thu nhập cao, mà còn là cơ hội để người lao động “cọ sát” nâng cao trình độ, tiếp thu những cái mới khi được làm việc ở những nước có nền kinh tế tiên tiến.
Không chỉ tuyển dụng đơn thuần, để có đội ngũ lao động chất lượng cao, Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai còn tổ chức đào tạo, nhất là một số thị trường khó tính như Nhật Bản công tác đào tạo đòi hỏi cao hơn như đào tạo chứng chỉ ngoại ngữ, hướng nghiệp... “Là đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh Công ty luôn chú trọng vận hành đúng theo quy định của pháp luật, trực tiếp tuyển dụng, không thông qua những Trung tâm môi giới để tránh thiệt thòi cho người lao động. Đồng thời, ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, nhằm góp phần nhỏ trong việc giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn”-ông Phạm Trung Thành chia sẻ.
Lê Lan