(GLO)- Màn đêm sụp xuống, bóng tối trùm mặt sông. Con nước mười sáu róc rách chảy, bên kia trời ánh trăng vằng vặc soi xuống nước, lờ mờ ẩn hiện dưới đáy. Tôi lẳng lặng đứng trên cầu cao đón gió, ngoài kia, từng đợt sóng úp ngược vào vỗ về bờ đất bao dung. Bên này phù sa vun bồi, bên kia đất đai sạt lở. Cứ thế ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, dòng sông âm thầm thay đổi hình thù của nó, như người đàn bà đổi thay dung mạo theo từng bước thời gian.
Đêm sông không giống như đêm Sài Gòn rộn ràng, nhộn nhịp, nó buồn hơn, tẻ nhạt và làm cho con người trở nên cô độc hơn giữa mênh mông vô biên. Đêm mơ màng trên bến cây dương, chiếc ghe nhỏ cắm sào xuống dòng sông, mũi ghe chạm vào bờ đất nhấp nhô mỗi đợt sóng xô vào bờ. Trước mũi ghe, ngọn đèn dầu tỏa một quầng sáng leo lét. Chiếc ghe ấy trông khác hẳn những chiếc ghe mà tôi nhìn thấy mỗi lúc đêm về. Thường thì người thương hồ sẽ neo ghe lại cạnh nhau để tìm không khí thân thuộc đầm ấm, đêm buồn tụ tập trên mui chiếc ghe nào đó nhâm nhi vài cút rượu với khô nướng ấm lòng. Nhưng chiếc ghe ấy lại im lìm như đang lắng tai nghe tiếng than thở của dòng sông.
Minh họa: Kim Hương |
Kia rồi, người đàn bà ló đầu ra khỏi mui ghe ngẩng mặt lên trời, nhìn trăng. Vầng trăng tròn vàng lơ lửng ngưng đọng trên đỉnh đầu, huyền diệu giữa bầu trời thăm thẳm. Một lúc sau, người đàn bà ra ngồi hẳn ngoài mũi ghe xõa tóc chải đầu, chải mấy cái chị lại vò vò thứ gì trên tay rồi thả xuống nước, hình như là tóc rối. Sự tò mò hiện lên trong tâm trí tôi, chị ta là ai? Sao đêm khuya tịch mịch không ngủ mà lại ra mũi ghe ngồi chải tóc rồi thở dài như đang gánh nỗi buồn đi qua chênh chao ngày tháng?
Thút thít. Chị ta đang khóc. Âm thanh sụt sùi hòa vào tiếng gió sông se sắt. Bấy giờ, tôi di di bàn chân rời khỏi chiếc cầu cao tiến về bến nước. Từ gốc cây dương, tôi trông thấy rành rạnh khuôn mặt của người đàn bà đi ghe đang lom khom dùng chiếc gàu lấy nước dưới dòng sông. Mái tóc đen tuyền xõa dài chấm lưng, vẻ mặt khắc khổ với hai lưỡng quyền nhô cao khiến chị thêm già nua tội nghiệp. Không nén được lòng mình, tôi bước ra từ sau gốc cây đứng lặng thinh trên bến vắng. Tôi chưa kịp lên tiếng thì chị đã quay mặt lại, chắc do bóng tôi đổ dài trên mặt sông. Chị hỏi khẽ: “Khuya lơ khuya lắc sao cậu không về nghỉ, ở đây làm gì?”. Tôi ngỡ ngàng trước giọng nói từ tốn, nhỏ nhẻ của người đàn bà xa lạ rồi đằng hắng đáp: “Đêm buồn nên tôi ra bến sông tìm vui, ai ngờ ngoài này còn buồn hơn gấp bội. Mà chuyện lấy nước cực nhọc, sao chị không để chồng chị lấy, nhọc nhằn làm gì?”. Chị cười nhạt. Dưới ánh trăng, tôi trông thấy đôi mắt chị vẫn còn ngấn những giọt nước sóng sánh. Rồi chị chỉ tay về phía dòng sông xa tít, giọng buồn: “Cậu có thấy chiếc ghe ngoài kia không?”.
Đến lúc này tôi mới để ý thấy cái đốm đèn lu mờ chơi vơi giữa dòng sông đêm. Tôi thốt lên: “Một chiếc ghe”. “Ừ, chồng tôi, con tôi ở đó đấy cậu ạ!”. Tôi ngạc nhiên: “Lạ quá, vợ chồng mà mỗi người đi một ghe. Đàn bà đi ghe một mình khổ lắm chị ơi!”. Tôi nói thế vì ngày xưa má tôi cũng đi ghe một mình. Ba theo nhân tình ruồng rẫy má, để má ôm nỗi đau xuôi dọc dòng đời. Tôi lớn lên từ chiếc ghe hàng bông tàng tàng của má. Trên chiếc ghe xưa, tuổi thơ tôi tắm mình dưới làn nước mặn mòi phù sa, những ngày chòng chành, những ngày rong ruổi. Rồi tôi đến trường, má neo ghe dưới bến đợi tôi tan học rồi hai má con lại tiếp tục hành trình tìm kế sinh nhai. Hôm sau, tờ mờ sáng má lại đưa tôi đến bến sông để kịp giờ vào lớp. Nhiều đêm thấy má thức trắng, tôi hỏi: “Má mệt thì vào đây ngủ một giấc, lấy sức sáng mai má con mình đi tiếp”. Má lắc đầu: “Không mệt đâu con. Má thức được”. Suốt hành trình vô định ấy, cũng có lúc tôi nom thấy bóng ai y hệt bóng dáng ba tôi trên bờ đê cao vút, tôi giục má: “Má ơi, hình như ba phải không? Mình kêu ba về đi má!”. Má tôi nhắm mắt, thở dài. Bóng ba mù khơi...
Giờ thì má tôi không còn đi ghe hàng bông nữa. Tôi may mắn xin được công việc trên Sài Gòn, mải mê chen chân mình giữa chốn đất chật người đông. Còn má, tôi năn nỉ mãi má vẫn kiên quyết mua mảnh đất vườn sống đời đạm bạc. Má cười: “Má mày còn khỏe re, lâu lâu mày về thăm là má vui lắm rồi!”. Tôi biết, má ở lại quê hương chỉ vì chờ đợi một người trở lại...
Chị nhấn gàu xuống nước lần nữa rồi khệ nệ nhấc gàu lên đổ nước vào trong khạp trước mũi ghe, khe khẽ: “Khổ thì cũng đành cậu ơi! Tôi mắc nợ người ta nhiều lắm, mặt mũi nào mà xin người ta quay lại với mình... Khổ thì tôi chịu, đau đớn tôi ôm. Miễn sao ba con thằng Đời bình an là tôi nhẹ lòng”. Tôi ngồi trên bến sông nghe chị kể chuyện cuộc đời, một cuộc đời lầm lỗi thuở tóc xanh, cô đơn cho đến ngày tóc bạc. Ngày trước, chị cũng ruồng bỏ chồng con, phũ phàng theo nhân tình trong một đêm trăng sáng. Nhắc đến chuyện cũ, chị lại sụt sùi nước mắt. Chị không thể nào quên cảnh chồng chị bế con thơ đốt đuốc chạy vùn vụt trên bờ đê gọi tên chị. Đồng khuya thinh vắng, không một âm thanh nói cười hay một lời đáp trả, chỉ có tiếng nhạn kêu sương thắt thẻo trên mấy vòm cây và bầy cò non động tổ vỗ cánh bay về tứ phía. Chị đứng lặng yên trên đồng cỏ lau thăm thẳm nhìn về cái đốm sáng ngụp lặn trong bóng tối. Chị bảo: “Giây phút đó tôi định quay lại, mà hắn giục tôi chạy nhanh lên, rồi hắn sẽ cho tôi cuộc đời hạnh phúc... Vậy là tôi nghe theo”. Chị ngừng lại, nghẹn ngào. Tôi nghiêng đầu nhìn vào trong ghe, đồ đạc được chị xếp gọn ghẽ, ngăn nắp. Chiếc chiếu lát phai màu, cái cà ràng, bát đũa úp ngược trong cái mẹt và một vài chiếc áo treo trên vách ghe... Đó là tất cả gia tài của chị. Người đi ghe cơ cực quá, phiêu bạt một đời lặng lẽ gửi buồn vào mặt nước sông khuya. Ngoài kia, chiếc ghe nhỏ với đốm lửa lập lòe vẫn vang vọng âm thanh gõ mái chèo đuổi cá.
“Rồi người ta có lần nào trở lại bến sông tìm chị không?”. Chị nói, giọng nhạt: “Người ta có biết tôi vẫn đợi chờ, rình rập và bám riết theo chiếc ghe của người ta đâu mà quay trở lại?”. Tôi chưng hửng: “Vậy chỉ có chị là âm thầm theo họ từ ấy đến bây giờ hay sao?”. Chị gật đầu: “Đêm xuống, tôi thức trắng. Tôi sợ nếu mình ngủ say thì ba con thằng Đời giong thuyền lúc nào không hay. Cậu nghĩ thử xem, ngót nghét mười năm nay tôi lặng lẽ đi theo ba con nó, bây giờ để lạc có thể tôi sẽ hối hận suốt đời...”.
“Chị làm khổ mình quá vậy? Thà gặp gỡ người ta còn hơn. Lặng lẽ như vậy, đau đớn lắm chứ?”. “Ừ, thì đau thật! Nhưng tôi chấp nhận được. Vì thanh xuân người ta còn đau hơn tôi gấp trăm ngàn lần”-chị trả lời. Tự dưng, tôi thoáng nghĩ về ba tôi năm nào cũng bỏ má con tôi mà ra đi biền biệt. Má đau đớn rồi cũng đợi chờ mòn mỏi từ thanh xuân cho đến tận bây giờ. Biết đâu ở nơi nào đó trên dòng sông năm cũ, ba tôi cũng chọn cách lênh đênh trên những dòng sông, rồi chiều về lại neo ghe bên đám lá dừa nước hướng mặt nhìn về ngôi nhà có bụi chuối hương bên hè xao xác. Nơi đó có má tôi, người đàn bà lặng lẽ gánh thời gian vượt qua trăm ngàn giông tố?
Tôi ngộ ra: Người ta có thể lạc nhau thuở thanh xuân, nhưng quan trọng là người ta vẫn còn cần có nhau khi hai mái đầu đã bạc...
Đêm sông nổi gió. Vạt lục bình tấp ngược vào bờ bãi. Tôi nhìn ra sông, tim như ngừng đập. Kia rồi, tôi trỏ tay về phía đốm lửa nhỏ đang dần tiến vào bờ, cùng tiếng gõ mái chèo thân thuộc ngày một rõ hơn. Tôi nhận ra người cầm chiếc đèn mắt hướng về con thuyền dưới bến cây dương chính là đứa trẻ có khuôn mặt rạng ngời, nụ cười ấm áp xua tan cả bóng tối lạnh căm. Rồi nó gọi chị...
Trong bất kỳ đoạn đời nào, thứ tha là điều tuyệt vời nhất mà người ta dành cho nhau.
Và chị bật khóc...
Hoàng Khánh Duy