Dìu nhau qua khó khăn mùa dịch (kỳ 2): Gian hàng 0 đồng và những bữa cơm vô giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chứng kiến cảnh sinh viên ở lại TP.HCM thiếu thốn các nhu yếu phẩm hàng ngày trong đợt cao điểm dịch Covid-19, Đoàn trường các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã tiến hành vận động ủng hộ rau, củ quả, trứng, gạo, mì gói… và cả cơm hộp để hỗ trợ cho sinh viên.
Hơn 1 tuần qua, phía bên trong cổng Trường ĐH Y Dược TP.HCM "mọc" lên một gian hàng 0 đồng với đầy đủ các loại nhu yếu phẩm cần thiết như rau củ quả, gạo, mì gói,... do Phòng Công tác sinh viên, Đoàn Thanh niên và Hội Thầy thuốc của Trường ĐH Y Dược TP.HCM triển khai. Sinh viên, người lao động nghèo có nhu cầu đều có thể đến lấy.
Sinh viên giúp sinh viên
Những ngày vừa qua, cứ tầm 5 giờ chiều, Phùng Thị Kim Phường - sinh viên năm thứ 5 ngành y đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM lại đến gian hàng để nhận các nhu yếu phẩm về lo bữa ăn tối. Kim Phường là một trong hàng nghìn sinh viên của trường đang tham gia công tác tình nguyện phòng, chống dịch Covid-19.

Một sinh viên lựa chọn các loại rau, củ quả tại gian hàng 0 đồng của Đoàn Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Ảnh: CTV
Một sinh viên lựa chọn các loại rau, củ quả tại gian hàng 0 đồng của Đoàn Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Ảnh: CTV
"Lúc dịch chưa cao điểm, em thực tập ở một công ty cơ khí. Đến khi dịch bùng phát mạnh, em xin nghỉ và về phòng trọ chống dịch theo Chỉ thị 16. Rồi Đoàn trường đến tận phòng phát gạo, sau đó lại phát tiếp rau, củ, quả. Những phần quà của Đoàn trường đã giúp em có cái ăn qua ngày, yên tâm ở trong phòng trọ, không phải đi ra ngoài".
Bùi Mạnh Đạt - sinh viên ngành cơ khí của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức
Hàng ngày, từ sáng, Kim Phường đã cùng các bạn đồng môn đến các địa điểm lấy mẫu tại những điểm bị phong tỏa trên địa bàn quận 5 (đã được phân công trước - PV) để lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn.
"Có gian hàng 0 đồng này, sinh viên chúng em an tâm lắm! Hàng ngày, tụi em đi lấy mẫu nên không có thời gian đi siêu thị, đi chợ mua đồ nấu ăn. Gian hàng 0 đồng đã chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm từ các loại rau, củ, quả đến gạo, mì gói… nên chúng em không phải bận tâm việc lo bữa ăn hàng ngày, an tâm hơn để tập trung toàn lực vào công tác tình nguyện phòng, chống dịch"- Kim Phường nói.
Thạc sĩ Trương Văn Đạt - Bí thư Đoàn Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết: "Hiện tại, nhiều cán bộ, viên chức, người lao động, sinh viên, học viên của trường tham gia chống dịch, hoặc đang lưu trú tại TP.HCM gặp khó khăn, thiếu thốn về nhu yếu phẩm, vật dụng sinh hoạt… Do đó, việc cho ra đời gian hàng 0 đồng nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu về nhu yếu phẩm hàng ngày cho họ, giúp sinh viên yên tâm tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19".
Theo quan sát của PV, gian hàng 0 đồng hàng ngày luôn có sẵn nhu yếu phẩm như gạo, bún, bánh, sữa, mì tôm, rau, củ, quả… Mỗi cán bộ, viên chức, người lao động, sinh viên khó khăn, hoặc tình nguyện viên sau khi đi thực hiện nhiệm vụ về sẽ đến lựa chọn và nhận một phần tùy vào nhu cầu của mình.
Ngoài việc "cho đi", tại gian hàng này còn có một thùng "Góc chia sẻ" để những ai có dư thì góp vào gian hàng nhằm cùng san sẻ yêu thương, giúp những người khó khăn hơn.
Thạc sĩ Trương Văn Đạt chia sẻ: "Nhiều sinh viên của trường hiện nay vừa tham gia công tác chống dịch Covid-19 trong hoàn cảnh khó khăn, vừa đóng góp cho gian hàng như mì gói, sữa với hy vọng cùng chung tay giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đây là đức tính tốt của một người cán bộ y tế tương lai".
Lo bữa ăn hàng ngày cho sinh viên
Trong nhiều ngày qua, sảnh chính của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đã trở thành điểm tập kết các loại rau, củ, quả, mì gói, sữa… cùng các nhu yếu phẩm khác.
Sau khi nhận được hàng tài trợ, các đoàn viên của trường tiến hành phân chia ra từng phần nhỏ để phát cho sinh viên ở trọ tại ký túc xá (KTX), sau đó mở rộng ra cho các sinh viên đang ở trọ bên ngoài trường.
Anh Vương Hoàng Anh - Bí thư đoàn trường chia sẻ ban đầu, Đoàn trường nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị kết nghĩa, các nhà hảo tâm tài trợ nguồn nhu yếu phẩm và rau, củ, quả như huyện Đoàn Hớn Quản (tỉnh Bình Phước), Trung đoàn Cảnh sát cơ động TP.HCM, Lữ đoàn 167 Hải quân (Vùng 2 Hải quân)…
"Tiếng lành đồn xa", số lượng sinh viên đăng ký để nhận hỗ trợ cũng nhiều hơn, trong đó có nhiều sinh viên đang ở trọ tại các khu nhà trọ đang bị phong tỏa. Ngoài việc hỗ trợ các nhu yếu phẩm, Đoàn trường còn vận động các bếp ăn tài trợ suất ăn hàng ngày cho sinh viên ở KTX.
"Tính đến ngày 30/7, tổng tài trợ mà Đoàn trường đã vận động và được các nhà hảo tâm, các đơn vị ủng hộ để giúp đỡ sinh viên phòng, chống dịch Covid-19 được khoảng gần 700 triệu đồng"- anh Vương Hoàng Anh cho biết.
Để đưa được các phần quà đến tận tay sinh viên đang ở trọ tại các khu trọ, Đoàn trường đã cùng Trung đoàn Cảnh sát cơ động và một số thầy cô có xe ôtô chở quà đến nhà của một sinh viên/giảng viên trong khu vực bị phong tỏa, hoặc chốt phong tỏa và gửi ở đó. Sau đó, sinh viên/giảng viên đó sẽ chuyển đến tận tay sinh viên.
Sinh viên Phạm Lê Thanh Tú (trọ tại KTX của trường) cho biết mỗi ngày, bạn đều nhận được những suất cơm, hoặc mì gói, các phiếu mua hàng 0 đồng... từ Đoàn trường.
"Lúc đầu, dịch Covid-19 chưa bùng phát, em ở lại để chuẩn bị đi làm thêm ở siêu thị Co.opmart, vì trước đây em cũng đã làm. Nhưng từ khi dịch bùng phát, em phải ở luôn tại KTX. Nhờ những suất ăn, quà của trường mà bản thân em thấy yên tâm hơn trong mùa dịch"- Thanh Tú chia sẻ.
Bùi Mạnh Đạt - sinh viên ngành cơ khí của trường (trọ trên đường số 8 phường Bình Chiểu) cũng chia sẻ: "Lúc dịch chưa cao điểm, em thực tập ở một công ty cơ khí. Đến khi dịch bùng phát mạnh, em xin nghỉ và về phòng trọ chống dịch theo Chỉ thị 16. Rồi Đoàn trường đến tận phòng phát gạo, sau đó lại phát tiếp rau, củ, quả. Những phần quà của Đoàn trường đã giúp em có cái ăn qua ngày, yên tâm ở trong phòng trọ, không phải đi ra ngoài".
Theo Quang Thành (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.