(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 6.000 trẻ suy dinh dưỡng (SDD) cấp tính nặng. Vấn đề cải thiện dinh dưỡng cho trẻ, nhất là trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Sau 5 năm hoạt động, Bệnh viện Nhi tỉnh đã tiếp nhận và điều trị 178 trường hợp trẻ em SDD. Riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị tiếp nhận 42 ca, trong đó có 7 ca SDD nặng. Hầu hết trẻ SDD nhập viện đều kèm theo các bệnh lý nền. Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) cho biết: Nguyên nhân gây SDD ở trẻ em chủ yếu là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trẻ thiếu ăn hoặc chế độ ăn không khoa học gây thiếu chất, trẻ có bệnh nền... Ví dụ như bệnh tim bẩm sinh, dù những trẻ này được ăn uống đầy đủ nhưng lên cân rất khó. Ngoài ra, một số bệnh bẩm sinh khác như bệnh ở thực quản, đường ruột làm cho quá trình hấp thu dinh dưỡng kém gây nên tình trạng SDD.
Theo thống kê của ngành Y tế, SDD ở trẻ em phần lớn do thiếu kiến thức trong chăm sóc trẻ, điều kiện kinh tế khó khăn, trẻ ăn uống thiếu chất và hầu hết trường hợp SDD cấp tính nặng đều là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Được biết, trong 5 năm (2017-2021), triển khai Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện, toàn tỉnh chỉ có khoảng 2,8% trẻ SDD được thu dung điều trị. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, số trẻ tái SDD chiếm tới 2%. Thực tế đòi hỏi công tác điều trị trẻ SDD, trong đó gói hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng đặc trị phải được duy trì thường xuyên.
Bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-thông tin: Trước đây, Bộ Y tế có chương trình cung cấp một số sản phẩm dinh dưỡng bổ sung giúp cho trẻ nhanh hồi phục trong thời gian nằm viện cũng như ngoại trú. Hiện nay, chương trình này đã kết thúc. Theo đó, việc điều trị cho trẻ SDD chủ yếu là điều trị những bệnh lý kèm, tư vấn bà mẹ chăm sóc trẻ tùy theo điều kiện gia đình. “Chúng tôi mong muốn đưa các chế phẩm điều trị SDD vào danh mục vật tư thiết yếu để bảo hiểm y tế chi trả góp phần nâng cao thể chất cho trẻ SDD”-bác sĩ Linh cho hay.
|
Nhân viên y tế xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) tư vấn, hướng dẫn các bà mẹ kiến thức chăm sóc trẻ. Ảnh: Như Nguyện |
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam, để giảm thiểu tình trạng SDD ở trẻ, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, ngành Y tế đang triển khai mô hình hoạt động quản lý điều trị trẻ SDD cấp tính nặng tại cộng đồng, kiến nghị với Bộ Y tế hỗ trợ nguồn kinh phí để địa phương mua sản phẩm hỗ trợ trẻ bị SDD cấp tính nặng có điều kiện điều trị cả nội trú và ngoại trú. Công tác tuyên truyền, phòng-chống SDD cho trẻ cũng được tăng cường, triển khai rộng khắp. Cán bộ y tế cơ sở thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các bà mẹ có thai và đang nuôi con nhỏ kiến thức trong chăm sóc, chế độ ăn uống khoa học, góp phần nâng cao thể trạng cho trẻ.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có gần 102.000 trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, phần lớn là người dân tộc thiểu số. Hơn 22.500 trẻ em cần được hỗ trợ về các nhu cầu dinh dưỡng, hơn 57.000 em cần được hỗ trợ về đồ ấm và chăm sóc sức khỏe. Do đó, vấn đề giảm thiểu tỷ lệ SDD cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo cần có sự chung tay của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, hướng tới dinh dưỡng hợp lý và tăng cường sức khỏe cho cộng đồng, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực, trí tuệ thực hiện mục tiêu “không một trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”.
Từ đầu năm đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo và khuyết tật”. Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood và Hội Chữ thập đỏ cơ quan đại diện phía Nam trao 1.349 thùng sữa tươi (48 hộp/thùng) cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và cấp 3.234 lon sữa bột với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng.
Ông Cao Xuân Nam-Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh-cho biết: Gia Lai là một trong những tỉnh có tỷ lệ SDD ở trẻ em cao hơn nhiều so với cả nước. Vì vậy, chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo và khuyết tật” góp phần nâng cao dinh dưỡng, sức khỏe cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, qua đó, góp phần động viên tinh thần, hỗ trợ các em có thêm dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe và sức đề kháng để phát triển tốt hơn cả về thể chất lẫn trí tuệ. Chương trình tập trung 4 nội dung chính gồm: hỗ trợ về dinh dưỡng (sữa, bữa ăn dinh dưỡng), quan tâm nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ bán trú các trường bán trú tại 7 xã biên giới; hỗ trợ cơ sở vật chất, nhà ăn cho các trường bán trú, giúp xây dựng bếp ăn đạt chuẩn; hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập cho học sinh và hỗ trợ học bổng cho các em học sinh nghèo học giỏi.
NHƯ NGUYỆN