Ngày 13.4, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời phát ngôn viên của Hải quân Trung Quốc cho hay nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của nước này đã lần lượt vượt qua eo biển Miyako, eo Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông để tổ chức tập trận.
Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh trong lần tập trận trên Biển Đông tháng 1.2017. Ảnh: AFP
Liên quan nhóm tàu này, Reuters khuya 12.4 dẫn nguồn từ Đài Loan cho hay lực lượng phòng vệ vùng lãnh thổ này thông báo nhóm tàu trên vừa tổ chức tập trận ở vùng biển Đài Loan và Đài Bắc đang giám sát chặt chẽ cuộc tập trận trên.
Trước đó, tối 11.4, Bộ Quốc phòng Nhật phát thông cáo cho biết nhóm tàu chiến này đã đi qua eo biển Miyako. Theo phía Nhật, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh gồm tổng cộng 6 chiến hạm. Ngoài tàu Liêu Ninh, các tàu còn lại là 2 tàu khu trục Tây Ninh (117) và Quý Dương (119) cùng loại Type-052D (lớp Lữ Dương 3), 2 tàu hộ tống Tảo Trang (542) và Nhật Chiếu (598) cùng loại Type-054A (lớp Giang Khải 2), tàu hậu cần Hồ Hô Luân (965) loại Type-901.
Từ trên xuống: Tàu sân bay Liêu Ninh, tàu hộ tống Tảo Trang (542), tàu hậu cần Hồ Hô Luân (965), thuộc nhóm tàu sân bay Trung Quốc đi qua eo biển Miyako, ảnh do Bộ Quốc phòng Nhật công bố tối 11.4. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản
Các tàu khu trục và tàu hộ tống trong nhóm tác chiến này đều thuộc thế hệ mới với nhiều trang bị khí tài hiện đại. Thậm chí, tàu khu trục lớp Lữ Dương 3, độ choán nước 7.500 tấn, được Bắc Kinh tự hào giới thiệu đã tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa tương đương hệ thống Aegis trên các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ.
Tàu khu trục lớp Lữ Dương 3 còn được trang bị 64 ống phóng thẳng đứng có thể khai hỏa nhiều loại tên lửa khác nhau như tên lửa phòng không HHQ-9, tên lửa tấn công tàu chiến hoặc mục tiêu trên đất liền YJ-18, tên lửa chống tàu ngầm CY-5. Kèm theo đó còn có nhiều loại vũ khí và radar, tác chiến điện tử…
Tàu hộ tống lớp Giang Khải 2, độ choán nước 4.000 tấn, được trang bị 32 ống phóng thẳng đứng dùng khai hỏa tên lửa đối không HQ-16 và tên lửa chống tàu ngầm Yu-8, kèm theo còn có hệ thống pháo cận chiến, ngư lôi…
Ngày 13.4, trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận xét: “Bắc Kinh đang sử dụng cuộc tập trận của tàu sân bay Liêu Ninh ở eo biển Đài Loan để gửi thông điệp đến Đài Bắc rằng quân sự vẫn là một trong các chọn lựa để thống nhất Đài Loan nếu Đài Bắc tiếp tục tìm cách độc lập”.
Không những vậy, khi cho tàu sân bay tập trận ở Biển Đông, Bắc Kinh cũng gửi thông điệp đe dọa đến các nước ASEAN liên quan tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này. Bởi dù đưa ra tuyên bố chủ quyền phi pháp, nhưng Trung Quốc vẫn tự cho rằng Biển Đông là lợi ích cốt lõi của nước này.
Vì thế, cuộc tập trận của tàu Liêu Ninh còn ẩn chứa cả tín hiệu rằng Bắc Kinh sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ “lợi ích cốt lõi”.
Ngô Minh Trí (Thanh Niên)