Điệu hò biển khơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiếng hò, tiếng hát theo nhịp sênh, nhịp phách, khi hào sảng, lúc thiết tha… Nhiều năm nay, âm thanh ấy vẫn đều đặn sôi nổi cất lên át tiếng sóng biển ở thôn Mỹ Nghĩa, phường Mỹ Đông, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Một năm đôi lần, trước mỗi kỳ lễ hội lớn của người dân vùng biển, ngư dân lại tạm gác tay chèo, tay lưới tụ họp lại trước đình làng, xông xênh lễ phục, hăng say luyện tập. Điệu hò mang theo từ thuở cha ông lên thuyền vượt biển tới dựng làng lập ấp, trải qua bao biến cố, thăng trầm, giờ tiếp tục được những người dân làng biển gìn giữ, trao truyền.
Sôi động lễ hội cầu ngư đầu năm.

Sôi động lễ hội cầu ngư đầu năm.

1/Người Mỹ Nghĩa quen gọi điệu hò là bá trạo. Như các cụ cao niên ở đây giải thích, bá, đọc trại từ bách, nghĩa là hàng trăm. Trạo, nghĩa là tay chèo. Còn như ở một vài vùng biển khác dọc từ xứ Quảng vào tới Bình Thuận, người ta gọi là bả trạo, với nghĩa bả, là nắm chắc tay chèo. Xem luyện tập hay khi biểu diễn trong mỗi kỳ lễ hội thì thấy cách gọi nào cũng mang tính ước lệ, đều hợp lý. Bởi khi diễn xướng bài hò, không thể thiếu được các tay chèo. Đội hò bá trạo có thể dao động từ khoảng 20 đến 30 thành viên, nhưng tay chèo, trong biểu diễn gọi là trạo quân luôn phải là số chẵn để bảo đảm tính cân đối. Các trạo quân ấy vừa đóng vai trò mô phỏng chiếc thuyền vượt biển, vừa phụ họa, hò theo lời lĩnh xướng của ba ông tổng, tái hiện một cách sinh động không gian ngư dân lao động trên biển. Từng vị trí các nhân vật trong biểu diễn hò bá trạo sử dụng một cách hài hòa các loại hình nghệ thuật dân gian như diễn tuồng, ngâm, nói lối, vãn… để lột tả một cuộc sống đầy gian truân, vất vả, hiểm nguy nơi sóng nước. Từng lớp lang của điệu hò vừa bồi hồi vừa trắc ẩn trong một không gian nghiêm trang của lễ nghi nhưng cũng mang dáng vẻ, tâm sự rất đỗi đời thường của nghề ngư phủ.

2/Đội bá trạo vẫn nhắc tới đội trưởng đội hò bá trạo cũ Võ Khôi Viên. Cũng giống như những ngư phủ làng khác, từng câu hò, điệu múa đã ngấm vào máu, vào trí não anh từ khi anh là một cậu bé theo cha lên đình xem hát, để sau đó, anh trở thành một trong số ít những người được gọi là “trẻ” hiểu, biết và trình diễn hò bá trạo hay nhất trong vùng.

Trong lời kể của anh Viên, điệu bá trạo thời ký ức thơ trẻ của anh cũng không khác gì thời những bậc cao niên như ông Nguyễn Hoa. Bá trạo, dù trải qua bao nhiêu năm, vẫn vẹn nguyên không khí đó. Anh Viên vẫn thường qua nói chuyện với các cụ, những người thuộc thế hệ cha, chú đã hát hò bá trạo ở làng. Như những gì ông Hoa còn nhớ, thì tuổi của điệu hò còn dài lâu hơn tuổi của làng. Gốc của hò theo người lên thuyền từ xứ Quảng mà tới đây. Bao lớp người qua, nhiều sự thăng trầm, điệu hò bá trạo dù ít nhiều biển đổi, nhưng cũng chưa bao giờ mất đi. Một thời gian sau khi chúng tôi tới Mỹ Nghĩa, người đội trưởng đội bá trạo Võ Khôi Nguyên đã xuất gia. Nhưng mỗi khi có lễ hội, sư thầy vẫn có mặt, vừa cúng lễ, cũng giúp cho đội bá trạo, bày cho những thế hệ sau hát.

3/Chúng tôi tìm tới nhà của chú Sáu, một ngư phủ chính cống, cũng là một tổng lái “số dzách” của đội hò mà người trong làng vẫn gọi. Chú Sáu là người duy nhất trong làng còn giữ lại được bản chép tay bài hò bá trạo được cha mình để lại. Bản chép tay giấy đã cũ, những nét chữ cũng đang mờ dần, nhưng chú vẫn giữ nó như báu vật. Chú bảo, chú giữ, để thế hệ sau còn biết đến một nét đẹp văn hóa của làng biển quê mình. Những ghi chép có thể bị thất lạc, mực viết rồi cũng sẽ phai mầu theo thời gian. Nhưng những gì được lưu truyền bằng cảm nhận, bằng mắt thấy tai nghe thì cứ lặng lẽ mà tiếp nối như một dòng chảy bất tận.

Người làng Mỹ Nghĩa giữ điệu hò, truyền dạy điệu hò phần nhiều bằng cách ấy. Những ngư phủ dạn dày sóng gió biển khơi, mấy ai có thời gian ngồi nhìn câu chữ mà học hát bài bản. Cứ nghe nhau hát, học nhau múa, người già dạy cho người trẻ, người trẻ dạy cho người trẻ hơn, cứ vậy mà bài hò dài là vậy, nhiều lớp lang là vậy, khi hào sảng, khi tha thiết, khi lại ngâm vịnh, lúc lại như lời trò chuyện… mà ai cũng thuộc nằm lòng. Theo nhịp sênh, nhịp phách của người tổng thuyền mà nhịp nhàng đều đặn, khi đồng thanh vang vọng cả.

4/Tới buổi sinh hoạt của đội hò bá trạo, dễ thấy bên cạnh những gương mặt đã hằn dấu sóng gió, còn cả những gương mặt trẻ măng. Những cậu bé chỉ mới 10 - 11 tuổi, cái tuổi vẫn còn mải chơi mải nghịch, nhưng được gọi đến tập hò thì cậu nào cũng háo hức, sung sướng và hãnh diện vì được làm trạo quân, được cầm chèo, được hò phụ. Các anh lớn tập nhiều hơn đã thạo tay chèo, quen nghi lễ. Còn những cậu bé hơn thì vừa nhìn vừa tập, vừa thú vị vừa hồi hộp. Anh Võ Văn Hùng giờ là đội trưởng đội hò bá trạo của làng, cũng là thầy của đội hò thiếu niên, vừa gõ sanh, vừa chỉnh sửa động tác cho từng cậu bé. Giọng hò của các em chưa có được sự hào sảng của tiếng nói át sóng át gió, chưa có niềm phấn chấn mê say vượt qua giông tố biển cả, cũng chưa có được sự xao xuyến nhớ nhung bởi chuỗi ngày lênh đênh sóng gió. Những cậu bé chưa thể đảm nhận được các vị trí quan trọng như tổng lái, tổng thương và tổng mũi trong đội hò, vì giọng hát còn non trẻ, vì khả năng biểu diễn, bởi các em còn thiếu kinh nghiệm. Nhưng tiếng đồng thanh của cái tuổi niên thiếu nghe vừa rộn ràng, lại đầy sức sống của tương lai phía trước.

Hò bá trạo xuất phát từ đời sống của ngư dân, mô phỏng cuộc sống qua lời ca, tiếng nhạc, điệu múa. Những người hát bá trạo, ấy cũng đồng thời là ngư dân dãi dầu mưa nắng, vượt sóng vượt gió, lênh đênh trên biển cả. Điều này mới giúp niềm vui, nhiệt huyết của người con miền biển được gửi gắm linh thiêng và thể hiện trọn vẹn qua lời hát, từng giai điệu bá trạo. Có lẽ, chỉ khi sống nhờ vào biển, gắn bó với biển, đối mặt với tiếng gầm của sóng, tiếng gió rít trong đêm lạnh, giữa không gian bao la của biển thì mới cảm nhận hết và trân trọng ý nghĩa của sự khoáng đạt mà gần gũi, linh thiêng mà sôi nổi của điệu hò bá trạo.

Dẫn chúng tôi xuyên qua làng, anh Hùng bảo thôn Mỹ Nghĩa đã đổi thay nhiều. Làng xưa lạch biển chạy sát nhà, thuyền bè tới lui dập dìu. Theo thời gian, đất xưa bồi đắp dần, làng lui dần vào trong, giờ cách biển tới vài ba cây số. Nhưng người làng thì vẫn giữ nghề biển truyền lại từ thuở cha ông. Ở sân đình, những buổi tập hò bá trạo vẫn tiếp tục, cả khi đêm xuống. Chờ ngày xuân sang, lễ Nghinh Ông tới, những đôi chèo, nậm rượu, cần câu này sẽ lại trình diễn những màn hát xướng hay nhất trong tay ngư phủ. Đó là tiếng hát tri ân vị thần Nam Hải dìu đỡ thuyền qua cơn sóng gió, là tiếng hát tạ ơn lòng biển mẹ bao dung. Ấy cũng là tiếng hát bạn thuyền sẻ chia cùng nhau quãng đời bám biển, mong ngày trở về no ấm, bình yên.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.