Điều cần thiết của giao thông hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để hình thành một hệ thống giao thông hiện đại thì không thể thiếu một hệ thống vận tải công cộng, trong đó xe buýt là một lựa chọn tối ưu. Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống xe buýt một cách bài bản, có chiều sâu sẽ góp phần phát triển giao thông của tỉnh đi đúng hướng, tránh những vấn nạn về giao thông mà một số đô thị phát triển đang mắc phải như ùn tắc giao thông, kẹt đường, sự mất cân đối trong vận tải…
 

  Ảnh: Tú Uyên
Ảnh: Tú Uyên

Năm 2006, hệ thống xe buýt Gia Lai được chính thức đưa vào hoạt động với sự kỳ vọng rất lớn của chính quyền và người dân. Khi đó có tới 3 doanh nghiệp tham gia dịch vụ vận tải công cộng này là: Đức Long, Vân Nam, Thái Hòa. Hoạt động vận tải xe buýt lúc này khá sôi động, nhiều nhà chờ được xây dựng khang trang, bắt mắt, không ít doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tranh nhau hợp đồng quảng cáo trên hệ thống xe buýt. Mừng nhất là người dân có nhu cầu đi lại nhiều, thường xuyên như giáo viên, cán bộ công chức đi làm xa, các tiểu thương buôn bán liên huyện và người dân các huyện xa có nhu cầu đi về thành phố và ngược lại... Vậy nhưng, sau 8 năm hoạt động hệ thống xe buýt càng “teo tóp” chỉ còn duy nhất 1 đơn vị tham gia hoạt động trên địa bàn đó là hãng Đức Long. Hãng Vân Nam rút khỏi địa bàn, hãng Thái Hòa chuyển lên Kon Tum và chỉ giữ lại một tuyết liên tỉnh là tuyến Trung tâm Thương mại Pleiku-Kon Tum. Sự “chết dần” của hoạt động này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính không phải vì không có khách đi-tức là “cầu” mà nguyên nhân chủ yếu theo các nhà quản lý nhận định là do “cung”.

Cung ở đây có nhiều yếu tố, trong đó yếu tố về cơ sở hạ tầng, chất lượng xe, chất lượng dịch vụ… được quan tâm nhất. Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải, số lượng xe tham gia vận doanh trên địa bàn khi trước là 33 chiếc nhưng hiện nay chỉ còn 21 chiếc (trong đó, hãng xe Đức Long có 14 chiếc). Nếu tính mỗi xe có sức chứa từ 42 đến 65 chỗ (gồm chỗ ngồi + chỗ đứng), thì tổng sức chứa 1.462 chỗ. Số tuyến cũng bị rút lại từ 8 tuyến còn 6 tuyến gồm: Bến xe Đức Long-Trung tâm Thương mại Pleiku, Trường Cao đẳng Sư phạm-ngã ba Plei Bông (huyện Mang Yang), ngã ba Plei Bông-Bến xe An Khê, Bến xe Đức Long-Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh), Bến xe Đức Long-thị trấn Chư Prông, Trung tâm Thương mại Pleiku-xã Ia Dom (huyện Đức Cơ). Ngoài ra, có 1 tuyến liên tỉnh Trung tâm Thương mại Pleiku-TP. Kon Tum. Trong khi đó, tỉnh ta có đến 17 huyện, thị xã, thành phố, các tuyến xe buýt trên chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ.

Bên cạnh đó, hầu hết các xe trên đều được sản xuất từ năm 2006. Tuy theo quy định thì niên hạn sử dụng xe buýt là 20 năm, song, do đặc điểm địa hình Gia Lai nhiều đèo dốc, hạ tầng giao thông xuống cấp, cùng với việc phương tiện không được thường xuyên tu bổ, sửa chữa nên phương tiện hoạt động nhanh xuống cấp, chất lượng thấp. Vậy nhưng việc đầu tư mới vẫn chưa được các đơn vị vận tải tính đến. Ông Đỗ Chiến Đấu-quyền Giám đốc Bến xe Đức Long Gia Lai cho biết: Giá nhiên liệu liên tục tăng, phụ tùng thay thế cũng đắt hơn nhiều so với trước đây. Trong khi việc trợ giá, hỗ trợ giá sau đầu tư của Nhà nước lại không có dẫn đến tình trạng lỗ kéo dài. Rất may, nhờ được hỗ trợ từ các hoạt động kinh doanh khác của bến nên hệ thống xe buýt của đơn vị vẫn gắng gượng duy trì. Cụ thể, tổng doanh thu bình quân hàng tháng của Công ty từ hoạt động này chỉ đạt khoảng 540 triệu đồng nhưng chỉ riêng chi phí nhiên liệu hàng tháng đã là 501-507 triệu đồng, chưa tính đến các loại chi phí khác như chi phí bảo trì, sửa chữa; tiền lương cho 17 tài xế, 15 nhân viên bán vé, 8 kiểm soát viên… Vì vậy, trước mắt đơn vị vẫn chưa tính đến việc đầu tư xe mới hay mở thêm tuyến.

Đầu tư phát triển cho hệ thống xe buýt là vấn đề không phải một sớm, một chiều mà cần có một đề án, lộ trình lâu dài. Đặc biệt, là sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Trung ương, chính quyền địa phương cũng như sự tận tâm các doanh nghiệp trực tiếp tham gia hoạt động vận tải xe buýt… Vì đây là một loại hình vận tải công cộng mang tính công ích và một khi chất lượng dịch vụ xe buýt được tăng cao, giá cả phù hợp, đúng lộ trình, đúng giờ giấc thì tự khắc người dân sẽ lựa chọn. Lúc đó hệ thống sẽ ngày càng phát triển hơn giải quyết phần nào sự mất cân đối trong giao thông hiện nay và quan trọng hơn đây chính là một giải pháp tất yếu của một hệ thống giao thông hiện đại…

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu ô tô

Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu ô tô

(GLO)- Haiquanonline.com.vn cho biết, tháng 4-2024, cả nước nhập khẩu 11.565 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 255,6 triệu USD, giảm 27,1% về lượng, giảm 22,6% về kim ngạch so với tháng trước.

Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Kbang. Ảnh Hà Duy

Giám sát đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025 tại huyện Kbang

(GLO)- Ngày 15-5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Phương làm trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực HĐND và UBND huyện Kbang về “Việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025”.
Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

(GLO)- Bám sát định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ưu tiên dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển sản phẩm xanh, sản phẩm OCOP.

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

(GLO)- Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Ở chiều ngược lại, người lao động luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.