Bất động sản Tây Nam Bộ được đánh giá là thị trường nổi bật về biên độ lợi nhuận khi sở hữu mặt bằng giá thấp so với cả nước. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Năm 2024 được coi là năm bản lề trong chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường bất động sản Việt Nam, bất động sản Tây Nam Bộ được đánh giá là thị trường nổi bật, điểm sáng về biên độ lợi nhuận khi sở hữu mặt bằng giá thấp so với cả nước.
Cùng với đó là động lực phát triển từ hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế đang ngày càng hoàn thiện ở vùng đất này.
Nhiều khởi sắc
Bộ mặt đô thị Tây Nam Bộ nhiều năm qua đang ngày càng khang trang hiện đại với các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị hiện đại, thu hút lao động trong và ngoài nước đến an cư lạc nghiệp cũng như du khách quốc tế. Theo đó, thị trường bất động sản Tây Nam bộ ghi nhận mức tăng trưởng ổn định và bền vững (mức tăng trung bình từ 20-25%/năm trong suốt năm năm qua), nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước.
Theo báo cáo của PropertyGuru Việt Nam, thời điểm này vẫn có đến 65% người Việt Nam được hỏi cho biết vẫn dự định mua bất động sản trong năm nay, trong đó, các nhu cầu chính chủ yếu do cần thêm không gian sinh hoạt (48%), mua để sống gần tiện ích như trường học, cơ quan (20%). Số liệu của Batdongsan.com cũng cho thấy lượt tìm kiếm và đăng bán bất động sản lần lượt tăng 66% và 52% vào tháng Một vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, có thể nhận thấy tín hiệu tích cực cho thị trường trong năm nay.
Vừa qua, thành phố Cần Thơ đã có kế hoạch phát triển xây dựng trên 11.000 căn nhà các loại, với tổng diện tích khoảng 1,44 triệum2; trong đó, nhà ở thương mại diện tích sàn 568.943m2, với 3.187 căn nhà, bao gồm hoàn thành từ các dự án đang xây dựng 1.687 căn, hoàn thành từ các dự án phát triển mới 1.500 căn. Nhà ở cho các đối tượng xã hội có tổng diện tích sàn 144.855m2, với 2.484 căn, bao gồm nhà ở cho người thu nhập thấp 2.061 căn, nhà ở cho công nhân 208 căn, nhà ở cho học sinh-sinh viên 215 căn. Nhà ở trong dự án tái định cư có tổng diện tích sàn 137.858m2, với 1.428 căn…
Dự án chung cư trên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Hiện Cần Thơ cũng đang mở bán nhiều dự án bất động sản, tập trung nhiều ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy như Nam Long Central Lake, An Phú Center Point, Khu đô thị An Phú Eco City, Khu đô thị mới STK An Bình, Khu dân cư Đại Ngân Cần Thơ, Đất nền The Ambi - Stella Mega City Cần Thơ, Đất nền The Central - Stella Mega City Cần Thơ, Căn hộ Rivera Park, Khu đô thị Cồn Khương Diamond City Cần Thơ,…
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết việc Quốc hội thông qua ba dự án Luật quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng trong việc tác động tích cực tới phát triển thị trường bất động sản. Điều khoản chặt chẽ của các bộ Luật sẽ góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản. Đặc biệt, tạo nên sự minh bạch, công bằng và cơ hội cho nhà đầu tư thật, chủ đầu tư có đầy đủ năng lực.
Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ, quy hoạch các tỉnh vùng Tây Nam Bộ được phê duyệt đóng vai trò vừa là khung pháp lý cho việc quản lý, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, vừa là kim chỉ nam cho giai đoạn phát triển của vùng trong thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Chính điều này tạo nên cú hích cho thị trường bất động sản của vùng có nhiều tiềm năng phát triển, trong đó, có thị trường Cần Thơ.
Đòn bẩy phát triển
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ Dương Quốc Thủy cho biết từ nay đến hết năm 2024, bất động sản Tây Nam Bộ bước vào vận hội mới khi nhận được sự quan tâm và nguồn vốn từ Chính phủ về phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tính đến thời điểm này, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quy mô lớn được phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai xây dựng hoặc về đích, trong đó, phải kể đến một số dự án nổi bật như Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cầu Cần Giờ, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, tuyến cao tốc trục ngang là An Giang-Cần Thơ-Hậu Giang-Sóc Trăng, tuyến Cao Lãnh-An Hữu…
Khu biệt thự bên sông Tiền, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Đồng thời, Tây Nam Bộ cũng là vùng có tiềm năng lớn khi sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu. Nơi đây không chỉ phát huy năng lực tăng trưởng nông nghiệp, xuất khẩu thủy hải sản mà còn thu hút mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lĩnh vực công nghiệp, năng lượng sạch, logistics,…
Là trung tâm Tây Nam Bộ, thị trường bất động sản Cần Thơ được kỳ vọng khởi sắc nhờ vào các dự án đã, đang và sẽ triển khai, hứa hẹn tạo tác động lan tỏa ra toàn vùng như Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh, dự án sân Golf Cồn Ấu quy hoạch 18 hố trên diện tích 112ha ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Sắp tới, dự án Trung tâm Thương mại Aeon Mall Cần Thơ dự kiến xây dựng tại quận Bình Thủy hứa hẹn tạo nơi vui chơi, giải trí, mua sắm cho người dân Tây Nam Bộ và cả nước nói chung khi đến Cần Thơ du lịch,…
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ Ðỗ Công Nguyên, phân khúc căn hộ chung cư ở khu vực trung tâm và đất nền vùng ven ở thành phố Cần Thơ năm nay đang là điểm sáng dẫn dắt thị trường. Giá bán sơ cấp có xu hướng tăng, đặc biệt là phân khúc căn hộ tăng 5-10% trong năm nay. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm; việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cho các tuyến cao tốc trong năm ngoái và giai đoạn tới được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh giúp thị trường Tây Nam Bộ phát triển trong thời gian tới.
Nhằm triển khai hiệu quả, đảm bảo đạt chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa năm nay của thành phố Cần Thơ là 75%, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ chính sách trong đầu tư, quản lý đầu tư, thu hút đầu tư các dự án, công trình, chương trình có ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến mục tiêu đạt được về tỷ lệ đô thị hóa. Theo đó, các sở, ban, ngành có liên quan cần phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng trong tham mưu hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa năm nay.
Các chuyên gia nhận định việc đầu tư kết cấu hạ tầng còn tạo ra không gian kinh tế, không gian giao thương giữa thành phố Cần Thơ và vùng Tây Nam Bộ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Ðông Nam Bộ.
Tây Nam Bộ hiện còn nhiều dư địa về quỹ đất, về giá trị bất động sản khi giá bất động sản còn thấp so với các vùng khác trên cả nước. Do vậy, các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ, ngoài đầu tư vào hệ thống giao thông, cần tập trung đầu tư vào các hệ thống hạ tầng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu và kích thích sự phát triển...