(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có gần 123.000 người cao tuổi (NCT), chiếm hơn 8,5% dân số. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này lại chưa đáp ứng được nhu cầu, vừa thiếu vừa yếu.
Thiếu dịch vụ chăm sóc NCT
Theo bà Rơ Chăm H’Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh, các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT ở tỉnh ta nói là thiếu nhưng thực chất là chưa có. Toàn tỉnh mới chỉ có Khoa Lão khoa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là chuyên về chăm sóc sức khỏe NCT còn các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện chưa có khoa khám bệnh chuyên sâu cho NCT. Hiện nay, tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã có trung tâm chăm sóc NCT, viện dưỡng lão nhưng tỉnh ta thì chưa. Trong tỉnh mới chỉ có Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp đang nhận chăm sóc người già lang thang cơ nhỡ, nhiệm vụ của Trung tâm cũng chỉ thực hiện chăm sóc từ sự trợ cấp của Nhà nước.
Bà Rơ Chăm H’Yéo cho hay: “Quá trình già hóa dân số đối với tỉnh ta là thách thức chưa lớn nhưng về lâu dài cũng nên quan tâm các loại hình dịch vụ chăm sóc NCT. Thời gian qua, Hội NCT tỉnh đã nhiều lần kiến nghị với Hội NCT Việt Nam đề nghị Nhà nước sớm ban hành chính sách ưu tiên thuế, đất đai, nguồn vốn… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng dịch vụ đáp ứng nhu cầu chăm sóc NCT”.
Bệnh viện Quân y 15 (Binh đoàn 15) khám bệnh miễn phí cho NCT. Ảnh: Đinh Yến |
Trao đổi thêm về công tác chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh, ông Vương Nhật-Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh-cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước về các chính sách đối với NCT như cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, chăm sóc sức khỏe định kỳ…
Hiện đã có 68% NCT trên địa bàn tỉnh được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 48,46% NCT được khám sức khỏe định kỳ; 19,37% người có sổ theo dõi sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, số NCT chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ phần lớn lại sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn đề nan giải, cần có cơ chế chính sách quan tâm, hỗ trợ đối tượng này thiết thực hơn.
Như với trường hợp bà Lò Thị Lý năm nay 72 tuổi (xã Ia Púch, huyện Chư Prông). Bà Lý chia sẻ, chỉ khi nào ốm nặng, con cháu mới đưa ra Trung tâm Y tế huyện Chư Prông thăm khám, chữa trị; còn thường thì bà tự đến Trạm Y tế xã khám rồi mua thuốc về uống.
“Tuổi cao nên sinh đủ bệnh, lúc nào người cũng đau nhức. Nghĩ đến các con kinh tế khó khăn nên tôi gắng chịu đựng. Giá như có dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT, tôi có điều kiện điều trị, dưỡng sức thì tốt biết bao”-bà Lý bộc bạch.
Dựa vào cộng đồng
Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: “Hàng năm, Phòng Bảo trợ xã hội của Sở phối hợp với Sở Y tế, các địa phương trong tỉnh triển khai các lớp tập huấn cho các thành viên trong gia đình có NCT về chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này. Qua các lớp tập huấn, các thành viên trong gia đình có thêm kinh nghiệm, biết kết hợp chăm sóc bố mẹ, ông bà với bác sĩ mà tỉnh ta đang thực hiện mô hình tại một số trung tâm y tế huyện”.
Bệnh viên Quân y 211 (Quân đoàn 3) khám các bệnh lý về mắt miễn phí cho NCT. Ảnh: Đinh Yến |
Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác của NCT ở tỉnh ta là rất lớn. Theo bà Rơ Chăm H’Yéo, với phong tục tập quán, văn hóa của người địa phương, việc chăm sóc sức khỏe cho NCT và các dịch vụ xã hội cho NCT dựa vào cộng đồng là phù hợp, là chính sách cần hướng đến.
“Để làm được điều đó, trước hết tôi cho rằng, cần phát triển mô hình y học gia đình; củng cố hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực chăm sóc NCT. Tỉnh ta nên phát triển mô hình như nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa; đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà còn giúp chăm sóc NCT tập trung vào các bệnh mãn tính. Trước mắt, dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT nên thực hiện theo mô hình hợp tác giữa bác sĩ gia đình và dược sĩ cộng đồng. Mô hình này được Hội NCT Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế thực hiện khá hiệu quả”-Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh nhấn mạnh.
ĐINH YẾN