Đi về miền Dao: Người Dao lên đèn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đánh dấu sự trưởng thành, lập gia đình, đau ốm mãi không khỏi, hay cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu, hoặc chuẩn bị cho kiếp sống ở thế giới bên kia..., người Dao tổ chức lễ lên đèn theo các thứ bậc 3 - 7 - 9, riêng 12 đèn là lễ cúng lớn nhất của đời người dân tộc Dao.

Định cư ở xã Phìn Ngan (H.Bát Xát, Lào Cai) bao đời, nhưng đây là lần đầu tiên họ Chảo tổ chức lễ cúng cấp sắc 12 đèn (Người Dao gọi là Tẩu Sai), góp chung còn có họ Tẩn, họ Phàn, họ Lý với số người tham dự nhiều kỷ lục là 43 đôi từ Nậm Chải, Y Tý, Nậm Pong, Ngũ Chỉ Sơn, Tòng Sành, cả người Dao bên Lai Châu cũng về dự lễ. Người Dao quan niệm một đời người từ khi sinh ra, kể cả khi đã mất đi, nếu chưa được lên 12 đèn là chưa thể vào tiên giới, nhiệm vụ con cháu đời sau khi có điều kiện, phải lo việc lên 12 đèn cho bản thân và cả cho tổ tiên.

Lên đèn

Trong tín ngưỡng, việc cúng đèn rất phổ biến, nhưng cúng 12 đèn chỉ dân tộc Dao mới có. Muốn lên đèn, người Dao phải đủ tuổi (trưởng thành), được học hành, rèn luyện, và được thầy sư phụ hướng dẫn đi đúng đường, sống đúng theo răn dạy tổ tiên, là tín đồ chân chính của Đạo giáo.

Nghi lễ lãnh chứng nhận cấp sắc 12 đèn dưới lễ đàn - tượng trưng núi Mỹ Sơn

Nghi lễ lãnh chứng nhận cấp sắc 12 đèn dưới lễ đàn - tượng trưng núi Mỹ Sơn

Lễ lên đèn với các thứ bậc gồm 3 đèn (tượng trưng sở hữu 36 quân binh), 7 đèn (72 quân binh), và 12 đèn, mốc cao nhất nên các quân nắm giữ không là quân binh hay âm binh nữa, mà là thiên binh với số lượng 120. Lực lượng thiên binh hùng mạnh này đồng hành với người lên 12 đèn muôn mặt trong đời sống, nhất là ở khía cạnh tâm linh, giúp họ xua đuổi tà ma, bệnh tật, vượt thắng xấu xa trần tục, tiêu diệt cái ác, để khi mãn hạn thế giới này, họ được về thiên cung cực lạc.

Ông Chảo Y Sai, người đứng ra tổ chức lễ lên 12 đèn ở Phìn Ngan đầu năm 2024

Ông Chảo Y Sai, người đứng ra tổ chức lễ lên 12 đèn ở Phìn Ngan đầu năm 2024

Cử hành một nghi lễ 12 đèn, ngoài yếu tố tâm linh, thuận thiên địa, tập hợp đủ số lượng 12 thầy cúng chính, gia chủ tổ chức lễ cúng ấy cũng phải có tiềm lực về kinh tế lo cho cái ăn, ở của những người tham gia ít nhất là hơn tháng ròng. Được tham dự vào lễ lên 12 đèn của người Dao ở Phìn Ngan, mới hiểu vì sao lễ lên 12 đèn khó tổ chức đến vậy.

Lễ Tẩu Sai ở Phìn Ngan với sự tham dự kỷ lục của 43 đôi người Dao

Lễ Tẩu Sai ở Phìn Ngan với sự tham dự kỷ lục của 43 đôi người Dao

Chủ nhân tổ chức lễ lên 12 đèn ở Phìn Ngan đầu năm 2024 là ông Chảo Y Sai, 58 tuổi, kể về quá trình chuẩn bị: "Tổ tiên báo cho mình biết phải làm lễ từ cách đây 5 năm rồi, nhưng đến giờ mới đủ điều kiện làm. Tiền chuẩn bị sắm đồ lễ, riêng phần mình hết hơn 500 triệu đồng, 20 người trong họ chuẩn bị và sắm lễ hơn 6 tháng mới hoàn thiện. Lần lên đèn này có 43 cặp vợ chồng, khi biết số lượng mới tìm đất dựng lán cho 43 cặp vợ chồng và các thầy sư phụ đến ở trước cả tháng, chuẩn bị tinh thần và chuẩn bị thủ tục cho lễ cúng. Mỗi cặp tham dự đóng 12 triệu tiền đinh, cộng với gạo, giấy, lợn, gà, rượu, rau, củ, quả… Phần đóng góp ấy để nấu ăn hằng ngày phục vụ người tham gia lễ lên đèn, thầy sư phụ và khách mời khắp nơi. Mỗi bữa ăn trung bình gần 200 người, ngày đông nhất lên đến 400 người, ngày nào cũng ba bữa cơm rượu đầy đủ, no say cho đến khi hết lễ".

Tu thân

Vị trí của lễ lên 12 đèn ở Phìn Ngan nằm chơi vơi trên các thửa ruộng thang nơi lưng chừng núi ở thôn Sùng Hoảng. Một cái lán vĩ đại, dài gần trăm mét, rộng cỡ 30 m được dựng lên giữa đồng trước ngày diễn ra lễ chính hơn 1 tháng. Thầy đếm tiền làm việc liên tục 25 ngày từ ngay khi lán dựng xong, thầy viết sớ mất 6 tháng để viết đủ các loại sớ, phướn cho ngày trọng đại này. Nơi cử hành lễ Tẩu Sai, được coi là nơi thiêng nên người đến đó không được đùa cợt, không say sưa, không nói chuyện tình tứ, trai gái, không được nghĩ những điều xấu xa, mục đích giữ cho không gian lễ lên đèn thanh khiết, bình an, hòng đón mời tiên thánh và tổ tông về dự lễ.

Chuẩn bị lễ đàn để người lên 12 đèn bước chân trần lên 12 con dao, như vượt thắng trầm luân cuộc đời

Chuẩn bị lễ đàn để người lên 12 đèn bước chân trần lên 12 con dao, như vượt thắng trầm luân cuộc đời

Người cao tuổi nhất của lễ lên 12 đèn năm nay là cụ Phàn Thù Páo, 83 tuổi. Cụ vui mừng khoe: "Mình có 7 người con, lên đèn chỉ có mình và con trai cả Phàn Diếu Thông thôi, mấy đứa khác không đủ tiền làm. Lễ này mình cũng gánh cho 7 người khác là tổ tiên chưa được lên đèn. Mình vui lắm. Vì tổ tiên được lên đèn, là cũng được cấp thiên binh, rồi nó lại dùng binh lực đó phù hộ, bảo vệ cho gia đình và dòng họ mình".

Giấc ngủ đồng thiếp của người lên 12 đèn; khi tỉnh dậy, họ được “tái sinh” thành người mới

Giấc ngủ đồng thiếp của người lên 12 đèn; khi tỉnh dậy, họ được “tái sinh” thành người mới

Ở một góc lán, ông Tẩn Duần Kiêm, 63 tuổi, ngụ thôn Sùng Hoảng (xã Phìn Ngan), tâm sự trong hân hoan: "Mình đợi ngày này hơn 50 năm rồi, từ sau khi lên 3 đèn, nhưng giờ mới có điều kiện tham dự, không phải cứ muốn làm là được, cần chuẩn bị nhiều thứ lắm. Vợ chồng phải chọn mua váy áo, giày dép mới, tính sơ cũng hết gần 20 triệu đồng. Lễ vật phải có lợn, gà, gạo, rượu, tiền đinh… Mình lấy vợ năm 21 tuổi, bây giờ lên 12 đèn giống như đám cưới lần hai vậy. Kể từ giờ vợ chồng không sợ phải chia lìa nữa, có các thầy sư phụ và tổ tiên chứng giám ở lễ lên 12 đèn rồi, sau khi chết cũng vẫn mãi là vợ chồng của nhau".

Thông qua các nghi thức, các lần trò chuyện cùng thầy cúng, chúng tôi hiểu thêm lễ lên 12 đèn còn là bài học để người tham dự tu thân, tích đức. Người Dao quan niệm khi đã lên 12 đèn, chứng tỏ việc tu dưỡng đạo đức đã lên một tầng cao, phải sống yêu thương, biết cư xử đúng mực, ăn ở đạo đức, không nói dối, không ăn cắp, không ghen ghét, biết giúp người, chăm làm việc thiện…

Cụ ông Phàn Thù Páo cầm các hình nhân tượng trưng tổ tiên về tham dự lễ lên 12 đèn

Cụ ông Phàn Thù Páo cầm các hình nhân tượng trưng tổ tiên về tham dự lễ lên 12 đèn

Sau khi lên 12 đèn, người Dao tin rằng lúc mất đi được lên thiên cung nên xem cái chết rất nhẹ nhàng. Ý nghĩa tinh thần sâu đậm ấy càng khiến cho lễ lên 12 đèn thêm linh thiêng, long trọng, với rất nhiều hoạt động cúng tế, diễn xướng, vũ đạo, treo tranh thờ… diễn ra liên tục trong 6 ngày 5 đêm. Lễ lên 12 đèn nay đã trở thành bản sắc đặc biệt, được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia từ 27.12.2012.

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.