Đi về miền Dao: Sư công tiền mã của người Dao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thầy cúng (sư công) còn gọi là thầy Tào, là những nhân vật đặc biệt trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của người Dao. Để học thành một thầy cúng cao tay, có khả năng hành lễ cấp sắc lên 12 đèn, khó hơn nhiều việc đào tạo một chức danh tiến sĩ.

Đời người Dao từ khi sinh ra, cả khi đã mất đi, có 3 lễ cúng quan trọng: Lên 3 đèn (trên 10 tuổi), lên 7 đèn (lập gia đình), và lên 12 đèn. Cả ba nghi lễ này, cần đến nhiệm vụ cao cả của thầy cúng, không thầy cúng thì không thể lên đèn. Thầy cúng cao tay nhất là người có thể lên được 12 đèn cho đệ tử, với nhiều nghi thức cúng tế phức tạp. Điểm danh sách thầy cúng lớn trong cộng đồng Dao ở Lào Cai, con số chưa quá bàn tay. Nghĩ đơn giản, số lượng thầy cúng ít, việc nhiều, hẳn "đắt sô" nhưng thầy cúng Lý Phủ Vàng (Lý Phúc Vượng) ở Trung Chải, Sa Pa cho biết: "Sau lễ cúng, như lễ lên đèn, thầy tham dự sẽ phải nghỉ hai tháng, qua tháng thứ 3 mới được phép cúng lại chứ không phải muốn cúng lúc nào cũng được".

Bốn thầy cúng chính trong lễ Tẩu Sai (cúng 12 đèn) ở Phìn Ngan, Bát Xát, Lào Cai

Bốn thầy cúng chính trong lễ Tẩu Sai (cúng 12 đèn) ở Phìn Ngan, Bát Xát, Lào Cai

Đào luyện sư công

Để trở thành sư công trong cộng đồng người Dao, phải biết đọc và viết thành thạo chữ Dao. Việc học chữ Dao được các thầy cúng thâm niên đứng ra mở lớp tại tư gia, con em người Dao các độ tuổi đến nhà thầy học chữ, sau đó làm lễ cấp sắc (3 đèn) đánh dấu trưởng thành, tiếp tục học chữ viết cho thành thạo, lên 7 đèn, rồi 12 đèn. Việc muốn hay không muốn làm sư công, biết chữ giỏi chưa đủ, còn phải được các thầy sư phụ "chấm", mở thiên nhãn qua các lễ Pút Tồng (nhảy đồng).

Thầy Chảo Tờ Sài cúng thỉnh Ngọc Hoàng về dự lễ Tẩu Sai (lên 12 đèn)

Thầy Chảo Tờ Sài cúng thỉnh Ngọc Hoàng về dự lễ Tẩu Sai (lên 12 đèn)

Người được thầy cúng tuyển lựa, sẽ học tiếp chữ nghĩa, văn cúng, các nghi thức… ghi chép trong sách vở do tổ tiên lưu truyền lại. Với người Dao, sách là báu vật. Nhờ sách, người Dao giữ được con chữ, giữ được lề lối, đạo nghĩa, lời răn dạy tổ tiên để làm người cho đúng, cho xứng với đất trời. Thầy cúng là người thành thạo nhất trong cộng đồng khi nói về chuyện chữ nghĩa, sách vở.

Hỏi về số lượng thầy cúng cao tay trong cộng đồng người Dao ở Lào Cai, thầy cúng Chảo Tờ Sài cho biết có khoảng 18 vị, nhưng chỉ được 4 - 5 vị đủ khả năng làm lễ Tẩu Sai (lên 12 đèn). Thầy Sài nói thêm: "Tôi làm thầy cúng 30 năm rồi, dạy học trò nhiều lắm, cả ngàn đứa, nhưng làm được thầy cúng chỉ vài người thôi. Hiện tại tôi có 3 lớp, được 42 trò, tuổi từ 16 đến ngoài 20, có cả nam và nữ". Hỏi người Dao có thầy cúng nữ? Ông bảo: "Nữ không học làm thầy, mà nó đến học cho mồm nói tiếng Dao, dạy thêu để nó biết làm quần áo, dạy nó hát đối đáp".

Thầy cúng Chảo Tờ Phủ (trái) truyền dạy văn cúng cho thầy trẻ Chảo Láo Sì (giữa), sinh 1990

Thầy cúng Chảo Tờ Phủ (trái) truyền dạy văn cúng cho thầy trẻ Chảo Láo Sì (giữa), sinh 1990

Những thầy cúng thế hệ đi trước như Chảo Tờ Quẩy, Lý Phú Vảng, Chảo Tờ Sài… đã có thế hệ trẻ kế thừa, đặc biệt là Chảo Láo Sì, sinh năm 1990 nhưng đã làm thầy cúng lên 12 đèn. Nói về hành trình làm thầy cúng, Chảo Láo Sì kể: "Bố mình cũng là thầy cúng, từ nhỏ mình được chỉ dạy, lớn học thêm từ nhiều sư phụ khác. Mỗi ngày 3 giờ sáng thức dậy học chữ, rồi đi làm, tối về lại học, mỗi ngày hoàn thiện một trang. Rồi học kèn, trống, hát, cúng… ôi nhiều lắm, học cả đời đấy". Trong đời sống người Dao, thầy cúng nghi lễ nhỏ thì nhiều, muốn thành thầy lớn - thầy cả, chủ trì các lễ cúng trọng đại, thầy cúng Chảo Tờ Sài tiết lộ: "Phải có tay viết sớ, cúng giỏi mà không viết được sớ thì không lên cao được. Chữ viết phải đẹp, năng lực nói cái gì đúng cái đấy, người dân tín nhiệm, mới làm được thầy to".

Ông chủ 'ngân hàng'

Trong lễ cúng của người Dao, tiền giấy làm vàng mã là chi tiết quan trọng. Người Dao cũng có tục hóa vàng, nhưng chỉ đúng theo số nợ hoặc số cần để người bên kia thế giới sử dụng. Họ cho rằng nếu đốt nhiều hơn số lượng tổ tiên cần, ma quỷ sẽ hưởng phần dư đó để tăng thêm uy lực, góp phần cho cái ác, cái xấu sinh sôi. Thầy cúng đã hiếm, thầy đếm tiền còn hiếm hơn bởi ngoài khả năng cúng bái, hợp tuổi gia chủ, tinh thần cực minh mẫn, sáng suốt, trí nhớ tốt, mới đếm đúng và đủ tiền theo yêu cầu từng lễ cúng.

Thầy cúng thực hiện nghi thức phát lương cho học trò vời thiên binh về dự lễ 12 đèn

Thầy cúng thực hiện nghi thức phát lương cho học trò vời thiên binh về dự lễ 12 đèn

Trong cộng đồng người Dao Lào Cai, có hai thầy cúng giỏi việc đếm tiền, Lý Phủ Sèo (53 tuổi, ngụ ở Trung Chải, Sa Pa) là một trong số ấy. Hỏi chuyện nghề, sư công Sèo nói: "Mình làm thầy cúng từ năm 21 tuổi, nhưng là thầy nhỏ, cúng các lễ lên 3 đèn, 7 đèn thôi, đến năm 37 tuổi mới lên được thầy to, đủ khả năng cúng 12 đèn. Mình mới làm được hai lễ cúng 12 đèn, lễ thứ hai ở Phìn Ngan mình được giao việc đếm tiền". Thầy cúng phụ trách việc đếm tiền được ví là chủ "ngân hàng" bởi độ tính toán phức tạp, công phu với trọng trách cấp tiền không được phép sai dù chỉ một đồng tiền âm cho lễ cúng.

Mọi việc lớn nhỏ của người Dao thầy cúng thực hiện, đều dựa theo sách ghi chép của tổ tiên

Mọi việc lớn nhỏ của người Dao thầy cúng thực hiện, đều dựa theo sách ghi chép của tổ tiên

Miếng giấy bản, cắt thành từng miếng có độ dài khoảng 30 cm, rộng khoảng 5 cm, thầy cúng dùng khuôn in hoa văn hình thú với ngựa, rồng, chim, hổ. Sau đó chọn từng miếng "tiền", xếp thứ tự theo công thức tính toán riêng rồi cuộn lại, xếp thành cây. Mỗi cặp vợ chồng của lễ lên 12 đèn lần này cần đến 1.200 cây tiền, chia thành 4 bó gồm 2 vàng, 2 bạc. Có 43 cặp vợ chồng nên thầy Sèo phải hoàn thiện 51.600 cây tiền, tiêu tốn hơn 150 kg giấy. Hỏi về thời lượng hoàn thành và quy trình làm việc, thầy Sèo bảo: "Mình chuẩn bị trước cả tháng, đến ăn ngủ tại lán do chủ nhà dựng ngoài ruộng, 11 giờ đêm ngủ, 3 giờ sáng dậy đếm tiền, liên tục 25 ngày không nghỉ mới hoàn thiện".

Số tiền mã các lễ cúng cũng khác nhau, tùy công nợ mỗi gia đình, đời trước chưa trả hết con cháu có điều kiện phải làm lễ trả. Người được chọn đếm tiền phải đếm đủ, đếm đúng theo số nợ ghi trong sách tổ tiên dòng họ đó, nếu làm sai sẽ bị vạ và việc cúng tế không hiển linh.

Thầy cúng Lý Phủ Sèo đang “sản xuất” và đếm tiền cho lễ cúng 12 đèn

Thầy cúng Lý Phủ Sèo đang “sản xuất” và đếm tiền cho lễ cúng 12 đèn

Sau gần một tháng rời nhà lên ăn ngủ và đếm tiền ở lán, gương mặt thầy Sèo nhợt đi, nét mệt mỏi thấy rõ, ông cho biết: "Làm lễ này hơi vất vả, do chủ nhà nợ nhiều, theo lời hứa sau 3 năm phải cúng tạ nhưng chưa lo đủ, đến giờ là 7 năm mới cúng được. Họ chọn mình thì mình phải giúp, làm thầy cúng không được kể công, tính công, vì đó là nhiệm vụ". (còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.