Đi về miền Dao: Bản sắc không chỉ là cái tên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chảo Láo Sì, sinh năm 1990, thầy cúng trẻ tuổi nhất hiện nay trong cộng đồng người Dao ở Lào Cai, tâm sự: "Mình muốn dành 2 - 3 năm nữa đi học thêm chữ Hán, để về giới thiệu, dịch nghĩa các sách cổ người Dao".

Càng có thời gian tiếp xúc với người Dao, chúng tôi càng được tiếp cận nhiều chuyện kể, sự tích, được chứng kiến phong tục, tập quán, cả các nghi lễ cúng tế, hát đối, vũ đạo… thật đặc biệt, tất cả gắn với đời sống từ thường nhật đến tâm linh trong cộng đồng Dao Lào Cai nói riêng và người Dao Việt Nam nói chung. Ngày nay nhiều bản sắc các dân tộc dần chỉ còn lại trong định nghĩa, hoặc trên giấy, nhiều nét đẹp dân tộc giờ chỉ dừng lại ở cái tên, bản sắc thực sự đã phai nhạt dần, thậm chí là biến mất. "Đi về miền Dao", chúng tôi có cơ hội được trải nghiệm những giá trị văn hóa thực đậm bản sắc của người Dao và vẫn đang được cộng đồng lưu giữ như một di sản đặc biệt.

Thầy cúng Chảo Tờ Quẩy (bìa trái) trong lễ thăng đèn cho 43 cặp vợ chồng ở xã Phìn Ngan

Thầy cúng Chảo Tờ Quẩy (bìa trái) trong lễ thăng đèn cho 43 cặp vợ chồng ở xã Phìn Ngan

Sống thuận tự nhiên

Cảm nghiệm lại những việc diễn ra trong thế giới người Dao (với mệnh danh là "người rừng"), có thể thấy rõ cuộc sống của họ giản đơn, gói gọn trong bốn chữ: "Sống thuận tự nhiên". Để thuận được với tự nhiên, rõ ràng người Dao cần những dấu chỉ mà ở góc nhìn tâm linh, họ cho rằng được tổ tiên hoặc tiên thánh phù hộ.

Lấy ví dụ lễ Tẩu Sai - lễ cấp sắc 12 đèn, không phải khi có đủ điều kiện vật chất, không phải dòng họ lớn thích là làm, mà trước tiên phải đợi một dấu chỉ đặc biệt từ con… lợn. Các dòng họ người Dao chỉ làm lễ cúng 12 đèn, khi bất kỳ một người trong họ nuôi con lợn đen, và ngay lứa đầu, lợn đẻ đúng hai con, phải là hai con đực màu đen tuyền. Chủ nhân của đôi lợn phải thông báo ngay với tộc họ, bởi đó là dấu chỉ phải làm lễ lên 12 đèn.

Con lợn đen, vật tế lễ Chầu Đàng ở xã Phìn Ngan đầu năm 2024

Con lợn đen, vật tế lễ Chầu Đàng ở xã Phìn Ngan đầu năm 2024

Phải có hai lợn đen mới làm lễ lên 12 đèn. Truyền thuyết kể câu chuyện vượt biển của người Dao đến Việt Nam, khi gặp nạn, tổ tiên người Dao đã hứa vào được đất liền sinh sống, nếu lợn chỉ đẻ đúng hai con đực, màu đen, sẽ làm lễ cúng. Ở góc độ tự nhiên, việc một con lợn đẻ lứa đầu chỉ hai con, màu đen tuyền, là cực hiếm. Dựa trên lịch sử lễ cúng 12 đèn của người Dao ở riêng Lào Cai, từ năm 1991 đến nay mới chỉ có 7 lễ, riêng trong giai đoạn 1991 - 2012 không có lễ nào.

Khi có đôi lợn đen, sau khi trình báo, chủ lợn phải làm lễ cúng và đem hai con lợn đấy về nhà trưởng tộc nuôi đủ 3 năm mới được phép làm lễ lên 12 đèn. Nếu nuôi 3 năm mà chưa đủ khả năng làm lễ cúng vì điều kiện kinh tế, lại tiếp tục nuôi cho đến khi đủ. Trường hợp lên 12 đèn ở xã Phìn Ngan (H.Bát Xát, Lào Cai), gia chủ Chảo Y Sai đã nuôi đôi lợn được 5 năm mới đủ tiền cho lễ lên 12 đèn của 43 cặp vợ chồng đầu năm 2024.

Củ sắn dây rừng có 12 dây được chọn về dâng tổ tiên trong lễ Tẩu Sai

Củ sắn dây rừng có 12 dây được chọn về dâng tổ tiên trong lễ Tẩu Sai

Gia chủ đứng ra tổ chức lễ cấp sắc 12 đèn còn cần đến một dấu chỉ nữa, là củ sắn dây mọc hoang trong rừng, với điều kiện cùng một củ, nhưng mọc lên 12 dây. Thông thường mỗi củ sắn dây chỉ 3 - 5 dây là tối đa, việc chọn tìm trong rừng ra củ 12 dây, đem về bàn thờ tổ tiên trình báo, cũng là chuyện không đơn giản chút nào.

Tâm sự của người trong cuộc

5 năm trở lại đây, lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao Lào Cai diễn ra khá dày, chứng tỏ đời sống phát triển theo hướng tích cực. Tin mới nhất là đầu năm 2025, họ Phàn ở xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) sẽ làm lễ lên 12 đèn. Đôi lợn đen ra đời từ năm 2023 ở nhà của Phàn Quẩy Lụa, đang nuôi ở nhà trưởng họ, nay áng chừng đã hơn 60 kg. Điều lạ là các đôi lợn đen luôn sống cực khỏe, từ bao năm qua ở các lễ cúng 12 đèn, chưa bao giờ nghe tình trạng lợn nuôi dành cho lễ cúng mà bị chết hay nhiễm bệnh. Phàn Quẩy Lụa cho chúng tôi biết: "Dự kiến tháng 1 họ Phàn mình sẽ làm cấp sắc 12 đèn, gốc gác người Dao đến Tả Phìn hơn trăm năm nhưng đây là lần đầu lên 12 đèn đấy".

Bản Tả Phìn của người Dao đỏ ở Sa Pa, đầu năm 2025 sẽ có lễ cúng lớn

Bản Tả Phìn của người Dao đỏ ở Sa Pa, đầu năm 2025 sẽ có lễ cúng lớn

Trong đời người Dao, việc lên 3 đèn, 7 đèn là quy mô gia đình, hoặc cùng một họ; nhưng khi lên thành 12 đèn là quy mô dành cho cả cộng đồng. Khi lên 12 đèn, phải theo thứ tự ba đời sau dòng họ đó mới được dự tiếp lễ lên 12 đèn.

Nếu quan sát từ bên ngoài, đời sống văn hóa của người Dao thật đa dạng, huyền bí, khó tiếp cận bởi rào cản ngôn ngữ, dẫn đến việc suy diễn thành sai lệch. Câu chuyện hát đối của người Dao là một ví dụ. Thầy cúng Chảo Tờ Sài ở xã Tòng Sành, H.Bát Xát, kể: "Người Dao mình có hát đối, trai gái gặp nhau, hát đối đáp, ai thua thì đưa lại một vật làm tin như cái vòng, cái khăn…; lần gặp sau đến hát đối lại, nếu thắng thì được trả, còn thua thì vẫn bị giữ. Ngày trước hát đối thì đến chợ phiên cuối tuần, nhiều người không hiểu lại gọi chợ tình, rồi suy diễn chuyện trai gái không đúng, giống như đến chợ để mua bán tình duyên, lang chạ, làm cho ý nghĩa hoạt động hát đối thành ra xấu. Bây giờ đám trẻ không đến chợ nữa, tôi mở nhiều lớp dạy chữ, dạy hát đối, chúng nó hát ghi âm qua điện thoại rồi gửi cho nhau thôi".

Thầy cúng phát binh lương cho các con thánh trong lễ cấp sắc 12 đèn

Thầy cúng phát binh lương cho các con thánh trong lễ cấp sắc 12 đèn

Trong đời sống người Dao, vợ chồng chia tay và người phụ nữ đi lấy chồng mới là chuyện thường. Nhà nghiên cứu Dương Thanh cho biết: "Người Dao cởi mở trong hôn nhân, tính nữ quyền của họ rất mạnh, người vợ có thể bỏ chồng, tái hôn nếu chung sống không hợp. Nhưng đó không phải là tính lăng nhăng, bay bướm; chỉ khi bất đồng, không thể sống với nhau được họ mới quyết định bỏ nhau, và người phụ nữ được quyền lựa chọn hạnh phúc cá nhân cho chính mình".

Lễ thăm thiên đình, nghi thức xuất hồn lên thiên cung trong lễ cúng 12 đèn

Lễ thăm thiên đình, nghi thức xuất hồn lên thiên cung trong lễ cúng 12 đèn

Đôi vợ chồng Phàn Quảy Lụa và Chảo Mẩy Kiều ở xã Tả Phìn (Sa Pa) là một ví dụ. Kiều hay đùa vui với chồng: "Tao không cưới mày thì chẳng ai cưới mày đâu". Nhà Lụa nghèo, Kiều từng lập gia đình nhưng đổ vỡ sớm, sau đó Kiều quyết định lấy Lụa về làm chồng, lo hết mọi thứ. Cặp đôi giờ thật hạnh phúc, làm một khu nghỉ trọ, làm dịch vụ tắm lá thuốc người Dao, đời sống bình yên. Năm tới, họ Phàn của nhà Lụa lên 12 đèn, hai vợ chồng đang chuẩn bị sính lễ tham gia trong đợi chờ và hạnh phúc, bởi từ sau lễ lên 12 đèn, đồng nghĩa họ sẽ sống cùng nhau mãi mãi.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.