Đi về miền Dao: Ý nghĩa đồng hiện trên trang phục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vì sao lưng áo người Dao luôn đính mảnh vải vuông? Vì sao thầy cúng Dao mặc đồ nữ khi hành lễ? Vì sao trang phục phụ nữ Dao có dải yếm che hạ thể?... Tích xưa của người Dao đưa ra lý giải đầy thú vị cho những câu hỏi này.

Đi qua địa bàn cư trú của người Dao như Hoàng Su Phì (Hà Giang), Bát Xát, Sapa (Lào Cai)… sẽ thấy họ sống gắn với rừng. Nhà cửa dựng lên xen với rừng, các thửa ruộng bậc thang cũng chen trong rừng chứ không phát quang cả đồi để làm ruộng. Nhà nghiên cứu Dương Thanh cho biết ở Viện Văn hóa Dao thuộc ĐH Kanagawa (Nhật Bản) đang lưu giữ một văn thư - chứng chỉ cổ của người Dao ghi rõ chuyện sống gắn bó với rừng. Ở Việt Nam, dân tộc Dao tự gọi mình là Kìm Mùn - Kìm Miền (nghĩa là người rừng).

Thầy cúng người Dao mặc trang phục của phụ nữ khi thực hiện nghi thức cúng

Thầy cúng người Dao mặc trang phục của phụ nữ khi thực hiện nghi thức cúng

Bậc thầy thuốc nam

Sống với rừng, lại ở những nơi thâm sơn cùng cốc nên để sinh tồn, người Dao từ bao đời đã biết tận dụng nguồn dược liệu thiên nhiên sẵn có. Trong số các dân tộc thiểu số ở miền núi, người Dao được mệnh danh là bậc thầy về lá thuốc thiên nhiên trong rừng. Mọi thứ bệnh trần gian, người Dao đều dùng kinh nghiệm và phương pháp gia truyền hái lá, đem bào chế, giã, đắp hoặc uống… tiêu trừ bệnh. Nhà nghiên cứu Dương Thanh kể chị có lần bị dạ dày cấp rất nặng, chẩn đoán phải phẫu thuật. Khi đó, chị kể với Chảo Mẩy Kiều (ngụ Tả Phìn, Lào Cai), Kiều vào rừng hái lá thuốc, đem sắc cho chị uống, chỉ thời gian ngắn sau là khỏi. Gặp nhau ở lễ lên 12 đèn ở Phìn Ngan đầu năm 2024, tiếp chuyện cùng các thầy cúng thân quen trong cộng đồng người Dao Lào Cai, Dương Thanh "hấp tiu" (uống rượu) thoải mái, chẳng kiêng khem gì nữa cả. "Nhờ mấy thang thuốc của Mẩy Kiều mà khỏi đấy", chị nói.

Lủi tán, dấu triện Ngọc Hoàng sau lưng trang phục người Dao

Lủi tán, dấu triện Ngọc Hoàng sau lưng trang phục người Dao

Câu chuyện về nguyên cớ người Dao giỏi dùng thuốc được lý giải theo sự tích Tam Thanh tái sinh và liên quan đến mảnh vải hình vuông thêu sau lưng áo, gọi là lủi tán. Lủi tán là một mảng thêu tay hình vuông, cạnh khoảng 10 cm, với những chi tiết trang trí rất cầu kỳ, tinh xảo. Trong trang phục Dao của cả nam và nữ, lủi tán là chi tiết được chăm chút nhiều nhất, đẹp nhất so với các hoa văn khác.

Khăn Pả nữ được ngửa ra nhìn trời trong lễ cấp sắc 12 đèn ở Phìn Ngan

Khăn Pả nữ được ngửa ra nhìn trời trong lễ cấp sắc 12 đèn ở Phìn Ngan

Ý nghĩa của lủi tán được giải thích như sau: Trong cuộc chiến tam giới, con người bị các thế lực quỷ thần lấn át, gây bệnh tật, chết chóc khắp nơi. Người Dao thỉnh cầu Ngọc Hoàng mời Tam Thanh tái sinh giúp trừ khử tà ma, bạo bệnh. Do là việc cấp bách, cần cứu người trước nên Ngọc Hoàng đã ban cho người Dao khả năng biết sử dụng các cây thuốc chữa bệnh trong thời gian đợi Tam Thanh tái sinh. Lủi tán chính là triện do Ngọc Hoàng "đóng dấu cấp phép" dành riêng cho người Dao, nhờ vậy mà những bài thuốc quý từ rừng được người Dao sử dụng thành thạo. Cũng từ đó, trên trang phục người Dao không thể thiếu lủi tán.

Thầy cúng mặc đồ nữ

Trong đời sống thường nhật, các thầy cúng người Dao mặc trang phục truyền thống đơn giản, tiện dụng nhưng khi vào lễ cúng, họ khoác lên trang phục của phụ nữ để hành lễ. Truyện xưa giải thích: Việc cúng tế của người Dao khi xưa không phải do đàn ông thực hiện, mà là phụ nữ. Một lần nọ, thầy cúng nữ đang bụng mang dạ chửa, trong lúc cúng thì trở dạ sinh con. Việc cúng tế bị gián đoạn, thầy cúng nhờ chồng mình vào thay thế, chuyển quần áo cho chồng mặc để thực hiện các nghi lễ còn lại. Từ đó về sau, để đảm bảo tính thiêng và tránh bị gián đoạn, nữ không tham gia cúng, chỉ có nam và khi hành lễ người nam buộc phải mặc trang phục phụ nữ là vậy.

Mũ đội đầu (Pả) của ông Phàn Diếu Thông trong lễ cấp sắc 12 đèn

Mũ đội đầu (Pả) của ông Phàn Diếu Thông trong lễ cấp sắc 12 đèn

Trong lễ cấp sắc 12 đèn, ngoài việc mặc trang phục phụ nữ, các thầy sư phụ và học trò còn đội chiếc mũ có chóp nhọn kéo về phía sau gáy gọi là Pả. Trong phong tục cưới hỏi của người Dao, khi cô gái đi lấy chồng sẽ mang một khăn cưới cũng có tên phát âm là Pả. Chiếc mũ Pả của nam giới thon gọn, đội vừa đầu, có nhiều tua trang trí dọc theo phần chóp ra sau gáy. Pả của nữ giới là mảng khăn vuông có trang trí nhiều hoa văn, chính giữa có một dấu vuông giống lủi tán. Với người chưa được theo chồng cấp sắc 12 đèn, chiếc khăn Pả sẽ không được mở ra nhìn mặt trời vì theo quan niệm Dao là chưa đủ công lực. Do vậy ở đời thường, chỉ người phụ nữ Dao nào đã dự cấp sắc 12 đèn, chiếc khăn Pả mới được mở ra, phủ trên chóp nón.

Trang phục của người Dao đỏ Bát Xát với dải yếm chiềm pồng

Trang phục của người Dao đỏ Bát Xát với dải yếm chiềm pồng

Sự tích chiềm pồng và dải quấn chân

Trong trang phục nữ của người Dao Lào Cai, ở phần chính diện có một mảng trang trí tựa dải yếm, bề ngang chừng 5 cm, thả dài từ thắt lưng xuống quá eo, gọi là chiềm pồng. Dải yếm được thêu khéo léo với tầng tầng hoa văn đan nhau. Tương truyền ngày trước, phụ nữ người Dao thông minh nổi trội hơn hẳn đàn ông, bởi vậy mới được làm thầy cúng, nhưng vì chuyện sinh nở, việc cúng tế hay bị gián đoạn, và dễ gây uế khi hành lễ nên phụ nữ người Dao nhường trí thông minh cho đàn ông, họ chấp nhận để đàn ông giỏi giang hơn, giúp họ gánh vác trọng trách thờ cúng. Chiềm pồng như một dấu chỉ ghi nhận cho sự "chuyển giao" thú vị ấy.

Ông Chảo Y Sai, 58 tuổi, chuẩn bị dải quấn chân dự lễ Tẩu Sai

Ông Chảo Y Sai, 58 tuổi, chuẩn bị dải quấn chân dự lễ Tẩu Sai

Trong lễ cúng của người Dao, ngoài trang phục phụ nữ và chiếc mũ đội đầu, thầy cúng còn mang một chi tiết khác cũng liên quan đến nữ tính, chính là dải quấn chân. Sự tích kể lại ngày xưa, khi vừa chào đời, em bé người Dao chỉ nhỏ bằng con ong nên thường bị đánh rơi. Vì thế, người Dao mới cúng xin bề trên cho những đứa con khi chào đời trở nên to lớn hơn. Lời cúng được tổ tiên tiếp nhận và dải khăn quấn vào chân, bắp chân tượng trưng cho thân hình con trẻ khi mới sinh.

Tranh thờ thần Hải Phiên cai quản vùng biển với dải quấn chân của người Dao

Tranh thờ thần Hải Phiên cai quản vùng biển với dải quấn chân của người Dao

So sánh trang phục, tranh thờ của người Dao với các dân tộc miền núi khác thì có thể thấy chỉ riêng đàn ông người Dao sử dụng dải quấn chân cho các lễ cúng. Ngay trong bộ tranh thờ Đại Đường - Hải Phiên, có nhiều dân tộc sử dụng bộ tranh này, nhưng nếu Hải Phiên, hình tượng vị thần cai quản vùng biển, có dải quấn chân thì bức tranh thờ đó chắc chắn là của người Dao. Đây là lời khẳng định của nhà nghiên cứu Utsumi Ryoko (ĐH Osaka Keisei, Nhật Bản), một chuyên gia nghiên cứu về người Dao trên thế giới. (còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

null