Đi dân nhớ, ở dân thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi chiều, chồng bà Chung lại kéo chiếc xe bò chở con gái ra phòng khám quân dân y để châm cứu, bấm huyệt và xoa bóp. Được đâu chừng 2, 3 tháng, không thấy bệnh nhân đến, y sĩ Khánh liền tìm đến tận nhà hỏi chuyện. “Ra là vì nhà không có người, ông phải đi kéo xe thuê kiếm tiền, sức bà một mình không làm sao đưa con gái đi nên nghỉ chữa bệnh. Việc chữa trị phải liên tục nên mình quyết định đến tận nhà điều trị cho cô gái ấy”, y sĩ Khánh kể.

Đi khắp làng biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) hỏi phòng khám của “chú Khánh”, ai cũng biết và tận tình chỉ đường. Gần 10 năm nay, không chỉ khám chữa bệnh miễn phí cho người dân tại 2 phòng khám, Đại úy - y sĩ Ninh Công Khánh (cán bộ của Đồn Biên phòng Hải Vân) còn rong ruổi khắp làng biển để khám bệnh “lưu động” cho những bệnh nhân đi lại khó khăn.

 

Phòng khám nơi y sĩ Khánh làm việc suốt 10 năm.
Phòng khám nơi y sĩ Khánh làm việc suốt 10 năm.

Đầu giờ chiều, nắng làng biển còn gay gắt, Phòng khám quân dân y của Đồn Biên phòng Hải Vân ở Nhà “3 trong 1” (Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên) đã đông đúc bệnh nhân. Tập tễnh bước vào, bà Huỳnh Thị Phẩm (70 tuổi, tổ 19 phường Hòa Hiệp Bắc) còn chưa kịp bỏ nón xuống thì y sĩ Khánh đã cất tiếng hỏi: “Hôm nay chân bà có bị nhức lắm không? Bà vào đây, con châm cứu luôn cho, vẫn còn giường bệnh trống”. Vừa cho y sĩ Khánh châm cứu, bà Phẩm vừa thủ thỉ kể chuyện. Bà bị gai xương chân mấy năm nay, mọi việc chữa trị đều cậy cả vào y sĩ Khánh. “Hồi trước, đi khám ở bệnh viện, bác sĩ bảo phải điều trị liên tục. Nhưng ở đây xa xôi, nhà cũng không ai rỗi để ngày mô cũng chở đi bệnh viện nên tui cắn răng chịu. Sau, mọi người chỉ tui ra đây. Giờ thì đỡ nhiều rồi…”, bà Phẩm nói.

Vừa luôn tay cắm kim châm điện cho bà Phẩm, y sĩ Khánh vừa liên tục hỏi chuyện về bệnh tình, rồi dặn dò việc ăn, uống thuốc, đi lại... Ngồi kế bên, ông Nguyễn Văn Tá (70 tuổi, tổ 20, phường Hòa Hiệp Bắc) cũng vui vẻ góp chuyện: “Chú Khánh lúc mô cũng cẩn thận. Hồi trước tui đau xương, ngày mô cũng phải ra đây xoa bóp với bấm huyệt. Hôm mô không thấy, chú Khánh lại chạy vào nhà tìm”. Sau khi cắm kim châm xong cho bà Phẩm và bấm huyệt cho mấy bệnh nhân nữa, y sĩ Khánh mới ngồi tiếp chuyện với chúng tôi. Y sĩ Khánh cho biết anh chuyển công tác về Đồn Biên phòng Hải Vân từ năm 2009. Ngoài công tác chuyên môn ở Đồn, anh còn được cử phụ trách Phòng khám quân dân y.

 

Tủ thuốc “đồng giá” từ... 0 đồng đến 15 nghìn đồng luôn đầy đủ các loại thuốc men.
Tủ thuốc “đồng giá” từ... 0 đồng đến 15 nghìn đồng luôn đầy đủ các loại thuốc men.

Việc khám chữa bệnh ở đây được Đồn hỗ trợ nên mọi việc khám chữa, thuốc men của bà con đều miễn phí. “Lúc đầu mọi người còn e dè, nhưng người này đỡ bệnh rồi đi nói với người kia nên bà con dần dần tin tưởng và đến phòng khám ngày một đông”, anh Khánh kể. Cứ thế, y sĩ Khánh gắn bó chăm lo sức khỏe cho bà con làng biển Kim Liên. Đi đâu, gặp ai, người ta cũng cất tiếng chào “chú Khánh” một cách thân thương. Cuối năm 2015, anh Khánh bất ngờ được điều chuyển về công tác tại Bệnh xá của Biên phòng thành phố. Ngày biết tin anh đi, bà con làng biển kéo về chật kín cả phòng khám để giữ “bác sĩ” lại. “Tụi tui làm một cái đơn gửi cho cán bộ ở đồn biên phòng Hải Vân để xin giữ chú Khánh ở lại. Chú Khánh tận tụy với công việc, nhiệt tình với bà con. Mấy năm ni, một tay chú Khánh lo sức khỏe cho bà con, giờ chú đi rồi, tụi tui biết làm sao”, ông Tá bùi ngùi nhớ lại.

Trạm xá đồng giá... 15 nghìn đồng

Trước tình cảm của bà con, y sĩ Khánh quyết định mượn một căn nhà ở làng biển để làm chỗ khám bệnh miễn phí cho mọi người. Kể từ đó, mỗi ngày, cứ sau giờ làm việc ở Bệnh xá biên phòng thành phố, y sĩ Khánh lại chạy xe máy vượt hơn 20km về với làng biển. “Mượn nhà làm phòng khám được đâu 2 tháng thì người ta lấy lại vì sợ mang bệnh tật về nhà. Rồi mình được một gia đình ở tổ 8 cho mượn sân và hiên để làm chỗ khám. Cũng thăng trầm lắm, ngày bình thường thì không sao chứ mỗi khi giông tố là thầy thuốc với bệnh nhân cầm chiếu, gối, máy móc... chạy mưa toán loạn, ướt hết cả”, anh Khánh kể. Sau đó, y sĩ Khánh mượn được nhà sinh hoạt cộng đồng của tổ Khu dân cư 45 (tổ 8, phường Hòa Hiệp Bắc) để khám bệnh. Từ đó đến nay, nơi đó được bà con làng biển gọi là “trạm xá của người nghèo”.

Biết y sĩ Khánh trở lại khám chữa bệnh, bà con Kim Liên đổ về trạm xá ngày một đông. Mỗi ngày trung bình y sĩ Khánh chữa trị cho gần 50 bệnh nhân. Ngày nào cũng phải đến gần 10 giờ tối, trạm xá mới hết bệnh nhân khám. “Ở đây chủ yếu là dân lao động, phải đến tối khi xong xuôi hết công việc, họ mới có thời gian đi khám. Càng tối càng đông người. Bình thường, phải khuya lắc mình mới về đến nhà”, y sĩ Khánh cho biết. Mọi máy móc, vật dụng của trạm xá ở nhà văn hóa cộng đồng đều do y sĩ Khánh bỏ tiền túi ra sắm. Trạm xá nhỏ, dựng nhờ nhưng đầy đủ các loại máy điện châm, chiếu gối để làm giường bệnh, thuốc men kê đơn.

Ở trạm xá này, bà con khám miễn phí. Riêng về tiền thuốc, thuốc nào không có sẵn, bà con sẽ góp 15 nghìn đồng/2 ngày thuốc. Những thuốc nào có sẵn, y sĩ Khánh kê đơn miễn phí. “Thuốc ở đây do mình bỏ tiền túi ra mua hoặc đi xin: xin anh em trong Đồn, xin người thân, bạn bè. Bí quá không có chỗ xin nữa thì về nhà... xin vợ. Trước, những thuốc phải mua ngoài, mình cũng xoay xở tự mua cho bà con. Thấy vậy, mọi người nài nỉ xin góp 15 nghìn đồng/2 ngày thuốc. Tiền đó cho cả vào 1 cái hộp rồi lại để dành để mua thuốc”, anh Khánh chia sẻ.

Đến giữa năm 2016, lá đơn thỉnh nguyện của bà con làng biển được chấp nhận, y sĩ Khánh lại được chuyển về Đồn biên phòng Hải Vân, tiếp tục phụ trách phòng khám của Đồn, đồng thời, anh vẫn duy trì trạm xá ở nhà cộng đồng. Từ đó đến nay, một ngày làm việc của y sĩ Khánh kín mít lịch trình từ sáng tới tối.

Chữa bệnh “lưu động”

 

Y sĩ Khánh luôn giành thời gian để đến tận nhà những bệnh nhân nặng, khó đi lại để điều trị miễn phí.
Y sĩ Khánh luôn giành thời gian để đến tận nhà những bệnh nhân nặng, khó đi lại để điều trị miễn phí.

Tất bật cả ngày với công việc ở Đồn và ở hai chỗ khám, nhưng cứ rảnh tay là y sĩ Khánh lại rong ruổi khắp làng biển để chữa bệnh cho những bệnh nhân đi lại khó khăn. Xế chiều, khi bệnh nhân ở phòng khám đã vãn, y sĩ Khánh cưỡi xe máy cọc cạch luồn qua những con đường nhỏ ngoằn ngoèo trong làng biển để đến thăm bệnh. “Ngày xưa có chiếu bóng lưu động, giờ có chữa bệnh lưu động”, anh Khánh vừa chạy xe vừa đùa.

Mới nghe thấy tiếng xe máy lạch xạch trước ngõ, chú chó vàng của gia đình bà Phạm Thị Chung (tổ 28, phường Hòa Hiệp Bắc) vẫy đuôi tít mù ra cổng đón y sĩ Khánh. Từ hai năm nay, cứ mỗi tuần 2 lần, y sĩ Khánh đều đến đây để thăm khám cho chị Lê Thị Thanh Hiền (35 tuổi, con gái bà Chung). Hiền bị tai nạn giao thông từ giữa năm 2006, bị liệt tứ chi phải nằm một chỗ. Xót con, vợ chồng bà Chung đưa con đi chạy chữa khắp nơi nhưng vô vọng. “Tình cờ một hôm hai vợ chồng đang đưa nó đi chữa bệnh thì gặp chú Khánh. Chú ấy khám qua rồi đề nghị được chữa trị cho cháu. Lúc đó, tui với chồng tui cũng tuyệt vọng lắm rồi, nghe chú Khánh đề nghị thì gật luôn”, bà Chung nhớ lại.

Từ đó, mỗi chiều, chồng bà Chung lại kéo chiếc xe bò chở con gái ra phòng khám quân dân y để châm cứu, bấm huyệt và xoa bóp. Được đâu chừng 2, 3 tháng, không thấy bệnh nhân đến, y sĩ Khánh liền lần mò đến tận nhà để hỏi chuyện. “Ra là vì nhà không có người, ông phải đi kéo xe thuê kiếm tiền, sức bà một mình không làm sao đưa con gái đi nên nghỉ chữa. Việc chữa trị phải liên tục nên mình quyết định đến tận nhà điều trị cho Hiền”, y sĩ Khánh kể.

 

Có về hưu vẫn ở lại với bà con làng biển

Con gái y sĩ Khánh năm nay học lớp 8 cũng theo bố giúp đỡ bà con làng biển. “Cứ được nghỉ là nó đòi theo bố, con bé phụ việc ở hai chỗ khám, giúp mình đón tiếp bà con, phát thuốc, có khi còn phụ mình xoa bóp mỗi khi đông bệnh nhân”, anh Khánh kể. Chia sẻ về những dự định của mình, anh Khánh cho biết sẽ tiếp tục gắn bó ở đây để chăm lo sức khỏe cho bà con. “Nghỉ hưu rồi thì mình cũng sẽ tiếp tục công việc ở đây. Bà con còn nhiều khó khăn, còn cần mình, mình giúp được chừng nào thì giúp”, anh Khánh bộc bạch.

Giờ đây, Hiền đã đi lại tập tễnh trên đôi nạng. Nhìn đứa con gái tưởng chừng như đã phải liệt giường cả phần đời còn lại, bà Chung rưng rưng: “Ngày xưa nó chỉ nằm 1 chỗ, giờ tập tễnh đi lại được, vợ chồng tui mừng lắm. Như rứa là phúc đức lắm rồi. Chú Khánh khám bệnh, không những không lấy tiền mà thấy gia đình tui vất vả quá còn đi xin chỗ nọ chỗ kia cho tụi tui. Sau khoảng 20 phút xoa bóp, bấm huyệt và hỏi thăm tình hình bệnh của Hiền, y sĩ Khánh lại tiếp tục hành trình chữa bệnh lưu động của mình vì “phải qua khám mấy nhà nữa rồi ra trạm xá cho kịp giờ”. “Chú Khánh lúc mô cũng bận rộn rứa đó, mấy cô xem, đến cốc nước còn chưa kịp uống”, bà Chung xót xa.

Giang Thanh/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.