Dẹp thói nịnh bợ "sếp"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong đề án văn hóa công vụ được Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm 2019, bên cạnh các quy định về đạo đức công vụ, quan hệ đồng nghiệp, có quy định công chức viên chức không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng.
Trả lời báo chí mới đây, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết đang tính toán để đưa một số điều của đề án này vào các dự án Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, trong đó luật hóa quy định không nịnh bợ cấp trên.
Sự quan tâm với mức độ này của cơ quan thẩm quyền cho thấy nịnh bợ đã không còn là chuyện nhỏ trong các cơ quan đơn vị mà tiếp tục là một vấn đề xã hội. Sự nịnh bợ hoành hành, tác oai tác quái, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không tốt. Nay đồng loạt nhìn ra, đặt vấn đề nhận diện, đưa sự nịnh vào tròng để trói, không cho nó gây sự nhiễu nhương.
Đây là việc nên làm, quy định cụ thể chừng nào càng giúp hạn chế chừng đó. Còn làm được tới đâu lại là chuyện khác, bởi còn con người với các thứ bậc xã hội thì còn chuyện cầu cạnh, làm thân, kéo bè kết cánh; còn có đất sống cho kẻ nịnh nọt, luồn cúi. Thiên hướng của người đời là thích được kẻ khác tâng bốc. Kẻ nịnh đa số bất tài nhưng lại là những người tinh tướng, có kỹ năng nịnh bợ hơn người để lấy đó làm phương tiện sống, luồn lọt, leo cao. Khi được lên các nấc thang danh vọng cao hơn thì kẻ nịnh càng bợ đỡ cấp trên và hống hách, coi thường người có địa vị thấp hơn mình…
Những kẻ nịnh hầu như ai cũng thấy, từ nịnh trơ trẽn đến nịnh tinh vi. Nhiều ông (bà) sếp cũng biết rõ kẻ nào quen thói nịnh trên nạt dưới, thượng đội hạ đạp, nhưng sếp thích nịnh thì sếp cứ để cho kẻ nịnh tồn tại, thậm chí cho lên chức lên lương. Nó hại người khác, làm bẩn mắt người khác mà không hại mình, không bẩn mắt mình thì cứ dùng nó để trị người khác, để tạo bè cánh. Nhưng các sếp này quên một điều là kẻ nịnh vốn bất lương. Khi họ sa cơ thất thế thì đám nịnh bợ này cũng quay ngoắt đi tìm sếp khác, thậm chí đi ngang không thèm nhìn, chào hỏi một câu cho phải phép…
Sự nịnh hoành hành làm ảnh hưởng sự phát triển của cơ quan, đơn vị, làm cho môi trường làm việc xấu đi, người có thực tài bị chèn ép, không được phát huy năng lực đành phải ra đi hoặc chịu đựng làm việc không đúng sở nguyện. Đưa vào luật các quy định để nhận diện hành vi nịnh bợ là xác đáng, tuy nhiên tính khả thi trong thực tế thì chưa ai dám chắc, bởi liệu các sếp có quyết tâm làm trong sạch bộ máy hay không. Hơn nữa, sếp có thực tài và thẳng tính, không ưa nịnh bợ thì lại không nhiều.
Một điều cực kỳ cần thiết đối với đội ngũ công chức viên chức hiện nay là phải chọn lọc đúng người đúng việc và phải sòng phẳng như lãnh đạo doanh nghiệp. Điều hành giỏi, doanh nghiệp ăn nên làm ra, cứ tiếp tục làm; ngược lại, làm ăn không hiệu quả phải thôi chức, ra đi. Trong môi trường như vậy sẽ hạn chế dần tình trạng kẻ nịnh bợ leo lên ngồi ghế cao.
Bên cạnh đó, phải quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế, không làm nửa vời như lâu nay. Đội ngũ tinh gọn, giỏi chuyên môn sẽ làm cho đất của những kẻ nịnh bợ hẹp dần, không dám lộng hành như trước. 
HOÀNG NAM (nld)

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.