Với các du khách, cái tên Đa Tro thôn xem ra còn xa lạ bởi nơi đây chưa hề có những thông tin về dịch vụ du lịch hay các đặc sản gây 'thương nhớ bao tử'.
Thác 9 tầng ở xã Đa Mi, tỉnh Bình Thuận là một nơi khám phá đầy thử thách |
Chúng tôi đã lạc bước đến Đa Tro thôn (xã Đa Mi, Bình Thuận) và tận hưởng những trải nghiệm khó quên khi cả đoàn cùng nhau chinh phục ngọn thác 9 tầng xinh đẹp.
Một thoáng Đa Tro
Khi xe hạ đèo Bảo Lộc và nhanh chóng rẽ vào quốc lộ 55, chỉ tay cho chúng tôi điểm check in tâm linh mang tên Linh quy Pháp ấn vừa lướt qua mặt. Anh Mỹ, trưởng đoàn cho biết, Đa Tro thôn là chốn hang cùng ngõ hẻm, chưa có khách du lịch lui tới. Do vậy, điểm lưu trú của nhóm sẽ là ngủ tại Thiên Mai tự, tọa lạc trên một đỉnh núi có độ cao gần 900m. Sau đó, nhóm sẽ hạ sơn, cùng nhau tìm đến ngọn thác 9 tầng, một thắng cảnh còn rất hoang sơ và rèn luyện bản thân qua hành trình trekking vượt thác.
Sau một đêm ngủ ngon không mộng mị tại ngôi chùa mộc mạc tới mức "cổng không có, cửa không cánh”, chúng tôi giã biệt các vị chân tu, cả nhóm tìm tới khu vực thác 9 tầng với bao háo hức.
Cách đây 1/4 thế kỷ, nơi đây là chốn rừng sâu núi thẳm, voi và muông thú sinh sống khá nhiều. Khi dự án hồ thủy điện Đa mi được xây cất, người ta lập đê chặn nước tại hồ Thượng để nước tuôn vào hồ Hạ làm bể chứa. Từ đó, các cư dân miền Bắc vào đây định cư ngày càng đông đảo.
Ở đây, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, trồng cây ăn trái. Do thổ nhưỡng tốt, khí hậu ôn hòa nên các loại cây công nghiệp như cà phê, mắc ca, cao su là nguồn kinh tế chủ lực. Sầu riêng, bơ , xoài , chôm chôm, nhãn và một số loại rau củ khác có năng suất rất cao, nhưng không có kiến thức về bảo hộ chỉ dẫn xuất xứ địa lý nên các đặc sản của Đa Tro thôn vẫn lu mờ, chưa tạo dấu ấn.
Đến Đa Tro thôn, bạn có thể chèo thuyền trên hồ Hàm Thuận, rong chơi thỏa chí tại thác 9 tầng bởi địa danh này có khung cảnh hoang sơ hội tụ thử thách nên rất phù hợp cho các lữ khách mê mạo hiểm.
Trekking thác 9 tầng
Nằm cách hồ Hàm Thuận không xa nhưng muốn đến thác 9 tầng, bạn phải đi nhờ vào một khu vườn nhà dân nằm cận kề con suối gần chân thác.
Cùng rảo bước trên con đường mòn nho nhỏ, xuyên trong không gian của hàng cây sầu riêng đang vào vụ tỏa mùi thơm ngát, nắng xiên nghiêng qua bóng lá tạo thành những đốm hoa lung linh khiến cảnh vật quyến rũ hơn trong hương đất và rừng phảng phất..
Đi hơn 1km, dòng suối chắn ngang với những tảng đá lô nhô, nhìn giống như đàn voi, đàn heo rừng nằm ườn cản bước chân người đừng động vào vương quốc của chúng. Có thân cổ thụ ngã gục tạo thành chiếc cầu độc mộc thiên nhiên rất duyên, khiến cả nhóm nấn ná tranh thủ chụp ảnh, quên cả lời thúc hối của trưởng đoàn: Hãy đi lên tầng cao, mọi thứ tuyệt đẹp hơn đang chờ.
Vừa lê lết, í ới hò hét, cả nhóm cố gắng vượt qua những tảng đá. Thú thật, nếu không có tinh thần đồng đội cổ vũ thì chắc nhiều thành viên đã dừng bước ở tầng thứ 5 hoặc 6 bởi càng lên cao, mọi thứ khá chênh vênh dù đội tiền trạm căng dây rất kỹ. Nhờ những cái nắm tay, đẩy mông, trì kéo nhau, cuối cùng, mọi người đều yên vị tại đỉnh thác 9 tầng dù tất cả đều há mồm thở dốc.
Với các bạn trẻ đến thác 9 tầng chỉ để check in và chụp ảnh mà thôi. Khi ngắm cảnh trời mây núi non mượt xanh, tôi nghĩ: Đây là nguồn nước thiên nhiên rất quý cho việc sử dụng, trồng trọt cho bao mảnh đời đến ngụ cư. Nhờ thác, cư dân Đa Tro đã tự lắp những máy thủy điện nhỏ tí để phát năng lượng dành cho việc tưới tiêu. Khi nước tuôn về ầm ào, suối sẽ có thêm nguồn cá trời cho khiến các cư dân có thêm cá tươi để bữa ăn càng đậm vị.
Nhưng có đến mới thấy, tình trạng môi trường của thác đang rơi vào tình trạng báo động.
Nhặt các vỏ lon và mớ nilon vương vãi, anh Mỹ trầm tư: Nếu chính quyền không quan tâm thì chỉ trong vài năm, rác sẽ bao phủ thác 9 tầng, gây ô nhiễm cho đất, thiệt hại cho cư dân, còn du khách sẽ quay lưng đi không trở lại.
Theo Dương Thủy (Thanh Niên)