Đem tiếng hát xoa dịu nỗi đau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Qua 7 năm hoạt động, nhóm "Hát để sẻ chia" đã quyên góp được hơn 2 tỉ đồng để đóng viện phí cho bệnh nhi tại 3 bệnh viện ở TP HCM.

Mỗi tối thứ sáu và thứ bảy hằng tuần tại nhiều quán ăn ở khu vực quận 1 và quận 4, TP HCM xuất hiện nhóm bạn trẻ có tên là "Hát để sẻ chia - Singing For Sharing". Họ mang lời ca tiếng hát kêu gọi các tấm lòng từ thiện ủng hộ bệnh nhi nghèo.

Những người trẻ vì cộng đồng

Trong khi phần lớn trẻ em mỗi ngày được tung tăng cắp sách đến trường thì ở các bệnh viện vẫn còn những mảnh đời mà tuổi thơ của các em chỉ biết đến giường bệnh, thuốc men, ống truyền dịch hay những lần xạ trị nhiều đau đớn. Thấu hiểu điều này cũng như mong muốn được sẻ chia thêm chút hy vọng trong việc chữa bệnh cho các em, nhóm "Hát để sẻ chia" đã sử dụng lời ca tiếng hát của mình để kêu gọi cộng đồng quyên góp tiền đóng viện phí cho các bệnh nhi nghèo.

"Xin chào tất cả mọi người. Nhóm chúng tôi có tên là "Hát để sẻ chia - Singing For Sharing". Nhằm mục đích thiện nguyện để đóng viện phí cho các bé đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, hôm nay chúng tôi mang lời ca tiếng hát đến đây mong mọi người giúp các bé vượt qua khó khăn và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Xin cảm ơn mọi người rất nhiều!". Đó là lời giới thiệu quen thuộc của nhóm để mở đầu chương trình thiện nguyện vào các buổi tối cuối tuần.

Nhóm “Hát để sẻ chia” biểu diễn

Nhóm “Hát để sẻ chia” biểu diễn

Quốc Anh - giảng viên thanh nhạc, thành viên nhóm "Hát để sẻ chia" - tâm sự: "Cơ duyên tôi đến với nhóm rất tình cờ. Trước đó tôi cũng tham gia ca hát nhiều nơi. Lần đó một anh bạn chia sẻ thông tin đi hát từ thiện, tôi đã thắc mắc hát từ thiện là như thế nào, cần phải làm gì. Khi biết được đối tượng hướng tới là các bệnh nhi thì tôi đã hào hứng tham gia vì thấy có ý nghĩa".

Chị Băng Thanh - nhân viên ngân hàng, thành viên của nhóm - cho hay: "Thành viên trong nhóm với nghề nghiệp khá đa dạng như nhân viên văn phòng, sinh viên, ca sĩ… quy tụ lại với nhau để đi hát vào tối thứ sáu và thứ bảy mỗi tuần". Lịch diễn được sắp xếp sao cho không ảnh hưởng việc học, việc làm của các thành viên.

Một đêm biểu diễn từ 20 giờ đến hơn 23 giờ đòi hỏi các thành viên không chỉ có sức khỏe mà còn phải có sự nhiệt tình và lòng kiên nhẫn. Tùy khả năng, mỗi thành viên sẽ được phân công vào vị trí phù hợp - người hát chính, người dẫn chương trình, kéo loa, cầm banner, cầm thùng tiền quyên góp, hậu cần, giữ xe…

Khi mới bắt đầu, hoạt động của nhóm đã vấp phải nhiều nghi ngại của những người xung quanh khi đến hát. Có quán e dè vì sợ nhóm nhạc từ thiện làm phiền khách của họ, có nơi thẳng thừng từ chối vì sợ lòng tốt của mình bị lợi dụng.

Tuy nhiên theo thời gian, nhiều người đã hiểu hơn để rồi luôn ủng hộ và tạo điều kiện để nhóm hoạt động hiệu quả. Duy Juno, ca sĩ của nhóm, cho rằng: "Đến nay, mọi thứ đã có phần thuận lợi hơn trước. Các chủ quán thường tạo điều kiện để chúng tôi biểu diễn, thực khách sẵn lòng ủng hộ, khích lệ".

Vui vì làm điều có ích

Chị Mai Vi - sinh viên, thành viên của nhóm - kể lại: "Nhớ hoài lần đầu tiên khi đi hát với mọi người, em cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì mình làm được một điều có ích. Em tiếp tục mang cảm hứng, năng lượng tích cực đó dùng tiếng hát của mình xoa dịu nỗi đau cho các bệnh nhi".

Anh Hoàng Ben - ngụ quận Tân Bình, thực khách tại một quán ở quận 4 - nhận xét: "Các bạn làm rất chuyên nghiệp, có hẳn banner, thông tin, hình ảnh, fanpage TikTok, Facebook, QR code… để khán giả thấy được đây là hoạt động đáng tin cậy. Khi nhìn ánh mắt các bạn, mình nhận ra được sự nhiệt huyết và lan tỏa lòng nhân ái. Qua đó, mọi người ủng hộ ít nhiều và các bạn mang đi giúp đỡ những bé đang gặp khó khăn, bệnh tật".

Hằng tuần số tiền quyên góp được nhóm công bố trên fanpage của nhóm. Tất cả tiền thu được đều dùng giúp đỡ các bệnh nhi nghèo tại các bệnh viện: Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Truyền máu Huyết học. Chi phí hoạt động của nhóm do các thành viên tự bỏ tiền túi.

Chị Phương Quyên - nhân viên kinh doanh, thành viên của nhóm - thông tin: "Mỗi đêm đi hát, nhóm mình nhận được dao động từ 1 triệu đến 20 triệu đồng tùy khách đông hay vắng hoặc thời tiết có thuận lợi hay không. Khi quỹ của nhóm được khoảng 20 - 30 triệu đồng, tụi mình sẽ đi đóng viện phí cho các bé".

Trước đó, các thành viên của nhóm đã liên hệ với phòng công tác xã hội của bệnh viện để tìm hiểu thông tin, thăm hỏi từng trường hợp cụ thể nhằm ưu tiên thanh toán viện phí cho các bé có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Sau đó, nhóm sẽ trao biên lai cho từng gia đình chứ không đưa tiền trực tiếp. Qua 7 năm hoạt động, nhóm đã quyên góp được hơn 2 tỉ đồng để đóng viện phí cho bệnh nhi tại 3 bệnh viện kể trên.

Trao biên lai viện phí cho người nhà bệnh nhi

Trao biên lai viện phí cho người nhà bệnh nhi

Làm việc thiện nguyện nên nhóm có nội quy rõ ràng để thống nhất các hoạt động và mỗi thành viên đều phải có trách nhiệm. Mục tiêu hoạt động của nhóm là đóng viện phí cho các trẻ em nghèo tại 3 bệnh viện kể trên. Kênh thông tin mà nhóm tin tưởng là phòng công tác xã hội của các bệnh viện.

Thêm động lực để làm tốt hơn

Các thành viên phải đăng ký ngày và giờ tham gia nhóm khi có lịch đi hát mỗi tuần. Nhóm cũng có những quy định chặt chẽ để tuân thủ như: cần thông báo sớm nhất khi có bất kỳ sự thay đổi nào so với thời gian đăng ký ban đầu để cả nhóm có kế hoạch tốt hơn; cần có tinh thần tự giác để nhóm hoàn thành công việc một cách tốt nhất bằng cách đi đúng giờ, giúp đỡ lẫn nhau; tránh trường hợp đùa giỡn quá mức khi đi hát để hình ảnh của nhóm luôn đẹp trong mắt mọi người; cần mặc đồng phục khi đi hát trừ trường hợp bất khả kháng; tránh trường hợp share, tag các trường hợp trên mạng mà chưa có sự kiểm chứng thông tin; cần giúp đỡ chia sẻ lẫn nhau, không nói xấu, chia rẽ nội bộ, nếu phát hiện sẽ bị mời ra khỏi nhóm; tham gia họp định kỳ để khắc phục những điểm yếu và phát huy những điểm mạnh.

Các bạn nhóm hát cần tập luyện kỹ và được duyệt bởi trưởng nhóm trước khi đi hát, lựa chọn bài hát phù hợp hoàn cảnh và chất giọng. Các thành viên mới nếu thích và đồng lòng với phương hướng hoạt động của nhóm thì có thể tham gia.

Nhờ sự quyết tâm, tính tự giác và đồng lòng của các thành viên mà nhóm thiện nguyện này duy trì liên tục và lan tỏa sau hơn 7 năm hoạt động. Những lá thư cảm ơn từ các bệnh viện và nụ cười hạnh phúc của các bệnh nhi nghèo chính là nguồn động lực lớn nhất để các bạn tiếp tục theo đuổi công việc thiện nguyện nhiều ý nghĩa này. Bên cạnh đó, nhóm còn tổ chức văn nghệ, tặng quà vào các dịp 1-6, Trung thu, Giáng sinh… để các bé được thoải mái vui chơi, quên đi phần nào bệnh tật.

Thư cảm ơn của Bệnh viện Nhi Đồng 2 Ảnh: FANPAGE HÁT ĐỂ SẺ CHIA

Thư cảm ơn của Bệnh viện Nhi Đồng 2 Ảnh: FANPAGE HÁT ĐỂ SẺ CHIA

"Mỗi lần đi đóng viện phí cho các bé cũng là lúc tụi mình rất vui và hạnh phúc vì nhận ra những đóng góp của từng thành viên không hề vô ích. Đó chính là động lực để nhóm luôn cố gắng hơn, nhằm giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh hơn" - chị Phương Uyên tâm sự.

Thắp lên ngọn lửa hy vọng

Một điều dưỡng ở Khoa Ung bướu - Huyết học Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết nhóm "Hát để sẻ chia" đã đến thăm hỏi, động viên, ủng hộ các bé điều trị tại đây nhiều lần. "Tấm lòng của mỗi thành viên trong nhóm luôn khiến chúng tôi cũng như người nhà bệnh nhân xúc động. Sự giúp đỡ của nhóm đã thắp lên ngọn lửa sống, niềm hy vọng, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng trong lòng mỗi bệnh nhi" - điều dưỡng này nhận xét.

Trình diễn văn nghệ và tặng quà bệnh nhi vào dịp Trung thu

Trình diễn văn nghệ và tặng quà bệnh nhi vào dịp Trung thu

Không có sân khấu tráng lệ với ánh đèn rực rỡ, chỉ với vài chiếc micro trên tay cùng loa thùng kéo, những giọng hát chứa chan tình người này đã tỏa sáng theo cách dung dị nhất. Nhiều người bày tỏ mong muốn nhóm "Hát để sẻ chia" ngày càng phát triển, lan tỏa hơn nữa, họ đang đại diện cho những người trẻ sống có ích cho xã hội và giàu lòng trắc ẩn, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null