Đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật bởi đây là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội.
Một khu chung cư ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Một khu chung cư ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn cho việc sử dụng vì mục đích bảo đảm sức khỏe, an toàn tài sản, tính mạng cho người dân, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà chung cư...

Đây là nội dung đáng chú ý trong Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) do Tổng Thư ký Quốc hội vừa ban hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã nỗ lực, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật. Các tài liệu trong Hồ sơ cơ bản bảo đảm chất lượng, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã khẩn trương, trách nhiệm tham gia thẩm tra với Thường trực Ủy ban Pháp luật; báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đánh giá sâu sắc, toàn diện các nội dung của dự án Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật. Đây là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội. Do đó, trong trường hợp Chính phủ thấy cần thiết tiếp tục trình Quốc hội phương án khác với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đề nghị xây dựng 2 phương án, bao gồm phương án của Chính phủ đề xuất, phương án theo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất của Cơ quan thẩm tra để đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Tờ trình của Chính phủ cần phân tích, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, phân tích ưu điểm, hạn chế, hoàn thiện quy định của từng phương án, làm cơ sở để đại biểu Quốc hội thảo luận dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn được phương án tốt nhất, khả thi nhất, khắc phục được bất cập, vướng mắc của Luật Nhà ở hiện hành, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của người dân trong xã hội, phục vụ hiệu quả quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đối với các nội dung lớn của dự thảo Luật gồm quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam; chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; lựa chọn chủ đầu dự án xây dựng nhà ở, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân; thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở; về áp dụng pháp luật, điều khoản chuyển tiếp...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao;" Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận có liên quan; bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan, các dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…

Đối với một số nhóm vấn đề cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước để tránh sơ hở, lợi dụng gồm bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội, đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, vấn đề chuyên gia, người lao động nước ngoài lưu trú tại nhà lưu trú công nhân bố trí trong khu công nghiệp...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo Luật để hoàn thiện, bảo đảm chặt chẽ, có cơ chế kiểm soát phù hợp.

Một chung cư tại phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Một chung cư tại phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Đối với một số nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp gồm xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy định về các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án nhà ở; nguyên tắc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để hoàn thiện quy định phù hợp, khả thi, bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Đối với những nội dung giao quy định chi tiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế, nhất là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức có liên quan, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, Tờ trình và Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội, đồng thời gửi Ủy ban Pháp luật chậm nhất là ngày 10/4/2023 để thẩm tra chính thức và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra chính thức dự án Luật để trình Quốc hội.

Có thể bạn quan tâm