Đề nghị báo cáo thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia 10 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ xây dựng vừa có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo các kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020 theo đúng tiến độ...

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020.

Theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đồng bộ các cơ chế, chính sách về quy hoạch, đất đai, tài chính và khoa học công nghệ; xây dựng kế hoạch để huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường.

Chiến lược cũng hướng đến hỗ trợ nâng cao điều kiện an toàn về chỗ ở cho đồng bào đang sinh sống tại khu vực thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt, đáp ứng khả năng ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đặc biệt, chiến lược đề cập đến việc tăng tỷ trọng nhà ở chung cư, đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị (nhà ở cho thuê giá rẻ do Nhà nước đầu tư và nhà ở cho thuê thương mại do các thành phần kinh tế đầu tư có sự hỗ trợ của Nhà nước); phấn đấu xây dựng mới nhà ở mỗi năm khoảng 100 triệu m2 sàn, trong đó tối thiểu khoảng 20% diện tích sàn trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực đô thị dành cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp…

Về mục tiêu cụ thể, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đến năm 2015 đạt khoảng 22m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26m2/sàn và tại nông thôn đạt 19m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6m2 sàn/người.

Trong giai đoạn 2011-2015, tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và hỗ trợ các hộ nghèo khu vực nông thôn; phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội (nhà chung cư) để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; hoàn thành việc hỗ trợ cho khoảng 400.000 hộ gia đình tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở.

Giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 62%, trong đó tại đô thị đạt 65%, tại nông thôn đạt 60%; tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) đạt trên 80%, đô thị từ loại I đến loại II đạt trên 50%; tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu khoảng 20% tổng quỹ nhà ở tại các đô thị loại III trở lên;…

Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo (từ 2016-2020), chiến lược đặt ra mục tiêu phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%, trong đó tại đô thị đạt trên 75%, tại nông thôn đạt 65%; xóa hết nhà ở đơn sơ trên phạm vi toàn quốc;…

Đến nay, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020 đã kết thúc. Do đó, Bộ xây dựng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo các kết quả thực hiện đến ngày 31/12/2020 và cung cấp các thông tin liên quan theo quy định.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo về Bộ Xây dựng trước ngày 30/3/2021 để làm cơ sở xây dựng chiến lược theo đúng tiến độ được giao, để tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chiến lược, làm cơ sở phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021 theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014.

Theo HÙNG VÕ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.