“Khó khăn hiện nay là việc chúng ta xác định vị trí việc làm chưa chuẩn. Hiện xác định những vị trí việc làm ở các đơn vị đều tăng lên trong khi nghị quyết bắt buộc đến năm 2021 phải giảm 10%”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh
Hiện nay, cán bộ công chức, viên chức - đối tượng hưởng lương ngân sách đến tháng, đến năm là được nâng lương. Đề án trả lương theo vị trí việc làm sẽ căn cứ vào năng lực chuyên môn, kết quả công việc của người được tuyển dụng mà không phụ thuộc vào bằng cấp.
Kế hoạch đặt ra là đến năm 2021 sẽ thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm. Theo Bộ Nội vụ, trong năm 2018, Bộ này đã phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan tổ chức hành chính đối với 20 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) và 63 tỉnh, thành phố.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng và phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý. Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương cũng đã cơ bản triển khai thực hiện xong.
Trao đổi với phóng viên Infonet bên lề phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho hay, hiện công việc này đã được phân cấp cho Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các ngành, chủ tịch các tỉnh, thành phố trực tiếp phê duyệt đề án vị trí việc làm cho cơ quan, đơn vị mình.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương xây dựng và hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, bản mô tả công việc, xác định cơ cấu công chức, viên chức và cơ cấu của các đối tượng trong lực lượng vũ trang, xác định khung năng lực theo từng vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, tinh giản biên chế theo chỉ tiêu đã được phê duyệt đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Tuy nhiên, nói về Đề án trả lương theo vị trí việc làm, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh lại cho rằng khó khăn hiện nay là việc chúng ta xác định được đúng vị trí việc làm. Dù các bộ ngành, địa phương đã triển khai, phê duyệt nhưng theo thông tin mà ông Dĩnh nắm được thì “chưa thật chuẩn”.
“Tôi cho rằng chưa ổn ở khâu xác định vị trí việc làm. Chỉ khi xác định vị trí việc làm chuẩn thì việc định biên mới chính xác. Hiện xác định những vị trí việc làm ở các đơn vị đều tăng lên trong khi nghị quyết bắt buộc đến năm 2021 phải giảm 10%. Bộ Nội vụ sẽ phải rà soát lại”, ông Dĩnh nói.
Theo ông Dĩnh cần phải rà soát lại cho chuẩn thì việc trả lương mới chuẩn. Bởi vị trí việc làm gắn với rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, vị trí việc làm chuẩn thì sẽ có định biên chuẩn. Thứ hai, việc tuyển dụng cũng chuẩn – sử dụng người chuẩn thì trả lương mới chuẩn.
“Nếu vị trí việc làm anh không xác định chuẩn thì làm sao tuyển dụng chuẩn được. Không cẩn thận lại như trước, tốt nghiệp đại học vào, tôi phân công anh vào vị trí nào cũng được, rồi chuyển hết chỗ nọ chỗ kia, chỗ nào cũng được cả. Vì lương như nhau nên chỗ nào cũng chuyển được. Nhưng nếu trả lương theo vị trí việc làm thì mỗi vị trí sẽ có một tiêu chí cụ thể, nếu anh chuyển vị trí khác cũng không được”, ông Dĩnh nhấn mạnh.
Trước thực tế, nếu áp dụng việc trả lương theo vị trí việc làm sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người tuyển dụng. Đó có thể là Hiệu trưởng của một trường học, Giám đốc một Sở, Thủ trưởng của một Bộ ngành… Điều này khiến nhiều cán bộ công chức, đặc biệt là đội ngũ giáo viên từ các địa phương bày tỏ lo lắng sẽ khiến quyền lợi “tập trung” về tay một người, tiêu cực sẽ phát sinh..
Thừa nhận điều này, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, “điều này có xảy ra thật, đã và đang có rồi chứ không phải không. Chưa phân cấp quyền lực mà đã thế. Thế nên mới cần phải có chế tài để khống chế. Ví dụ, nếu ông Hiệu trưởng mà không thực hiện đúng thì phải cách chức. Chúng ta không nên lo lắng quá việc này. Nếu sợ mà không thực hiện thì không thể được.
Những điều này theo tôi biết đã được điều chỉnh, đưa vào trong Luật cán bộ công chức sửa đổi và Luật viên chức cũng phải tiếp tục sửa đổi song song với việc phân cấp cho các Bộ ngành, địa phương. Như thế sẽ đồng bộ, phân cấp đi đôi với các chế tài, các điều kiện. Nếu không đồng bộ cũng không được, vì xu hướng một nền hành chính công là phải phân cấp nhiều hơn. Trong đó, Trung ương sẽ tập trung hoạch định chính sách, thể chế, kiểm tra đôn đốc… Tất nhiên, phải xác định rõ trách nhiệm ở dưới, chứ không để tự tung tự tác. Phân cấp nhiều hơn thì quyền đi đôi với trách nhiệm”, ông Dĩnh nói.
Bộ Nội vụ cho biết, tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, được Bộ thẩm tra từ năm 2015 đến ngày hết tháng 9/2018 là 40.203 người; trong đó năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người và 9 tháng năm 2018 là 9.842 người. Hiện Bộ Nội vụ đang thực hiện giao biên chế sự nghiệp của bộ, ngành, bảo đảm đến năm 2021 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015. |
Huyền Anh (Infonet)