Dạy thêm học thêm: Không nên cấm, mà quản thật tốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Chị Hoàng Mai Lan, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội - mẹ của một học sinh đang học lớp 9, cho hay chị chóng mặt vì lịch học của con. Mỗi tuần, ngoài giờ lên lớp 2 buổi/ngày, con học thêm 3 buổi văn, 2 buổi toán, 4 buổi tiếng Anh. "Cứ học trên lớp về là lại chuẩn bị đi học thêm. Các buổi tối trong tuần đều kín lịch, thứ bảy, chủ nhật là ngày nghỉ nhưng lại càng bận" - chị Mai Lan cho hay.

Biến tướng nhiều hình thức

Một phụ huynh có con đang học lớp 9 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho biết: "Cuộc cạnh tranh vào lớp 10 rất quyết liệt nên không thể lơ là. Biết con rất mệt nhưng trượt công lập thì khổ hơn nhiều nên vẫn phải cố".

Học sinh một trường ở Hà Nội tham gia tiết học liên kết giữa nhà trường và đơn vị bên ngoài

Học sinh một trường ở Hà Nội tham gia tiết học liên kết giữa nhà trường và đơn vị bên ngoài

Tình trạng dạy thêm, học thêm đang diễn ra phổ biến ở các trường, trên cả nước, biến tướng dưới nhiều hình thức khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Nhiều địa phương đã mạnh tay yêu cầu các trường, giáo viên không tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy liên kết với trung tâm bên ngoài dưới mọi hình thức.

Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống); lãnh đạo các trường tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, nắm bắt và quản lý cán bộ, giáo viên đơn vị mình tham gia dạy thêm trong và ngoài nhà trường.

Thừa nhận một số cơ sở giáo dục và giáo viên trên địa bàn đang tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định, tạo dư luận không tốt đối với học sinh, phụ huynh và xã hội, Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định có văn bản yêu cầu các trường không được dùng bất cứ hình thức nào để ép học sinh học thêm; không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh. Không dạy quá 5 buổi/tuần đối với lớp 9, 12 và không quá 4 buổi/tuần đối với các khối lớp còn lại ở cấp trung học; không dạy quá 4 tiết/buổi; không dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật, ngày lễ và sau 17 giờ 30 phút các ngày trong tuần.

Trong khi đó, Sở GD-ĐT tỉnh An Giang yêu cầu các trưởng phòng GD-ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về hoạt động nuôi giữ, chăm sóc học sinh ngoài giờ học chính khóa. Không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.

Đánh giá về tình trạng dạy thêm, học thêm đang gây phản ứng trong dư luận, báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội, do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền ký, cho rằng nguyên nhân là thu nhập thấp khiến một bộ phận giáo viên phải dạy thêm. Bên cạnh đó là tác động của những mặt trái cơ chế thị trường trong quá trình tổ chức dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, cơ sở pháp lý chưa đầy đủ nên công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm chưa chặt chẽ, xử lý bất cập của hoạt động này chưa kịp thời, hiệu quả. Các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội chưa vào cuộc quyết liệt nên hiệu quả quản lý không cao, thậm chí còn tình trạng bệnh thành tích từ phía gia đình nên ép con em đi học.

Nhu cầu có thật

Ông Đinh Đức Hiền - Trưởng khối THPT, Trường phổ thông FPT - cho rằng dạy thêm, học thêm nếu trên nhu cầu thực tế và tự nguyện thì không xấu. Phụ huynh chỉ đang bức xúc với việc dạy thêm trong nhà trường, không tự nguyện và không đúng mong muốn của phụ huynh, học sinh, hoặc là giáo viên bớt kiến thức trên lớp để đưa vào các lớp dạy thêm của mình.

"Tuy nhiên, nhu cầu học thêm đối với nhiều người là có thật. Thi cử nặng nề, tính cạnh tranh cao khiến phụ huynh phải cho con đi học thêm, đó là một thực tế" - ông Đinh Đức Hiền nói và lý giải chính vì nhu cầu là có thật nên không nên cấm. Lệnh cấm của các tỉnh chỉ giải quyết được phần ngọn, có thể gây ra những phản ứng tiêu cực và việc học thêm lại có thể biến tướng. Vì thế, thay vì cấm, cần quản lý chặt chẽ, từ cấp bộ xuống cấp sở đến các nhà trường.

Nhận định về thực trạng dạy thêm học thêm, báo cáo của Chính phủ cho rằng việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Bộ GD-ĐT tiếp tục đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, làm cơ sở để Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17, nhằm bảo đảm sự phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường của các địa phương và cơ sở giáo dục.

Cũng theo báo cáo, ngành giáo dục các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với các hoạt động dạy thêm, học thêm trái quy định. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước của các địa phương về hoạt động này.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, khẳng định cần kiểm soát chặt chẽ từ chính các cơ sở giáo dục bởi trên thực tế quy định đã có nhưng lãnh đạo nhà trường và cả giáo viên thực hiện ra sao lại là vấn đề khác.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.