Dạy ngoài giờ chính khóa cần linh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, đa số cơ sở giáo dục thực hiện liên kết với các đơn vị để tổ chức dạy các môn bổ trợ. Nhiều ý kiến cho rằng các môn học này cần được thẩm định và sắp xếp linh hoạt

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn gửi các sở GD-ĐT, yêu cầu báo cáo tình hình triển khai các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại địa phương; đánh giá thuận lợi, khó khăn cũng như đề xuất, kiến nghị; gửi bộ trước ngày 15-10.

Tổ chức hoạt động ngoại khóa theo nhu cầu

Tại TP HCM, hầu hết phụ huynh cho biết đều cho con tham gia học ngoại khóa. Theo anh V.D, phụ huynh học sinh một trường tiểu học tại quận 1, hằng tuần, anh cho con tham gia 3 môn học tự chọn ở trường là tiếng Anh, STEM và bóng rổ từ 15 giờ 30 phút đến 17 giờ. Thời gian này phù hợp với giờ tan làm của anh để kịp đón con.

Xuất phát từ mục đích ban đầu chỉ là để có nơi giữ con ngoài giờ nhưng chị Trần Kim Nga, phụ huynh học sinh tại TP Thủ Đức, cho biết con chị học thêm được nhiều kỹ năng sống từ các chương trình ngoài giờ chính khóa này. "Có hôm đến trường, tôi thấy con phụ giúp cô dọn dẹp lớp, đứng nói chuyện bằng tiếng Anh với thầy giáo rất tự tin, chững chạc. Trong khi đó, nếu đón bé về sớm sẽ khó thoát việc đòi chơi game, xem tivi..." - chị Nga nói.

Học sinh tham gia ngày hội khoa học, trải nghiệm giáo dục STEM tại quận 6- TP HCM
Học sinh tham gia ngày hội khoa học, trải nghiệm giáo dục STEM tại quận 6- TP HCM

Lãnh đạo một phòng GD-ĐT tại TP HCM cho biết việc dạy tăng cường, dạy liên kết trong các trường tiểu học lâu nay thực hiện theo Thông tư 04 năm 2014 của Bộ GD-ĐT - quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; Thông tư 21 năm 2018 - ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ tin học...

Nghị định 24 năm 2021 cũng quy định cơ sở giáo dục được chủ động liên kết để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc thực hiện các chương trình liên kết trong trường học, theo hình thức xã hội hóa, tùy nhu cầu, tự nguyện của phụ huynh học sinh tại các cơ sở giáo dục là phù hợp.

Chương trình của cấp tiểu học quy định tổ chức dạy 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút, 1 tuần không quá 25 tiết. Đây là phần "cứng", tất cả địa phương đều phải thực hiện. Tùy từng địa phương, từng cơ sở giáo dục có thể bố trí 4 tiết buổi sáng, 3 tiết buổi chiều hoặc ngược lại. Thời gian còn lại, các trường được tổ chức những hoạt động giáo dục khác, tùy vào nhu cầu của phụ huynh. Trong khi đó, 3 tiết buổi chiều thì kết thúc lúc 15 giờ 30 phút, đa số phụ huynh giờ này không thể đón con. Vì vậy, nhiều trường tổ chức thêm các hình thức câu lạc bộ, hoạt động kỹ năng để cân đối thời gian đón con của phụ huynh.

Khó tách biệt khung giờ riêng

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho rằng nếu không dạy các môn tự chọn và tổ chức các hoạt động ngoài giờ thì sẽ rất khó khăn cho cả nhà trường lẫn phụ huynh. Thế nhưng, nếu không dạy học xen kẽ, tách biệt hẳn các môn tự chọn vào khung thời gian riêng thì cũng rất khó.

"Chẳng hạn, một trung tâm sẽ bố trí mỗi trường 3 giáo viên, không thể huy động hết người của một đơn vị chỉ để dạy cho một trường trong khung giờ thuận lợi cho trường đó. Vậy còn những trường khác sẽ thế nào?" - ông Thanh đặt vấn đề.

Theo ông Thanh, vấn đề ở chỗ cách làm việc của các trường với phụ huynh không thống nhất để có được sự đồng thuận đúng nghĩa. "Quan trọng nhất là phải thẩm định các chương trình. Có nhiều môn năng khiếu nhưng cái nào cần thiết thì làm, không phải môn nào trường học cũng gật đầu cho phép. Phải thẩm định các nội dung của môn đó, phải chỉ ra được có khác gì so với chương trình của Bộ GD-ĐT hay không, mang lại lợi ích gì" - ông Thanh phân tích.

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 6, cho hay lâu nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận được khuyến khích đưa các tiết tự chọn xuống cuối cùng. Dù vậy, cũng không nhiều môn năng khiếu được triển khai ở quận 6, chủ yếu chỉ là các môn tiếng Anh tăng cường, kỹ năng sống và tin học.

Sở dĩ làm được điều này, theo ông Uyên, là vì không phải lớp nào cũng có 100% học sinh đăng ký học môn đó. "Ngay cả tiếng Anh tăng cường học với người bản xứ tại quận 6 cũng không triển khai đạt 100%, vì có lớp học, lớp không" - ông Uyên giải thích.

Ông Uyên cho biết thêm theo quy định "cứng" của chương trình, cấp tiểu học chỉ học 5 buổi sáng và 2 buổi chiều là hết số tiết theo quy định. Thời gian trống còn lại, tùy điều kiện, từng cơ sở giáo dục sẽ sắp xếp dạy các môn tự chọn, bổ trợ theo nhu cầu của phụ huynh. Lớp nào trống tiết mà tất cả học sinh cùng đăng ký học thì xếp riêng một lớp; ngược lại, sẽ dồn những em đăng ký học vào khung thời gian phù hợp.

Giảm áp lực học các môn chính

Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường tiểu học tại quận 1 cho biết có ý kiến thắc mắc vì sao các trường không dạy liên tục các môn bắt buộc mà còn bố trí riêng các môn tự nguyện, bổ trợ? Theo ông, ở góc độ giáo dục, trẻ em ở độ tuổi càng nhỏ thì khả năng tập trung càng thấp. Việc học liên tục các môn chính khóa, không có hoạt động kỹ năng xen kẽ sẽ khiến học sinh mệt mỏi, thêm quá tải.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.