(GLO)- Những năm qua, công tác giảm nghèo tỉnh ta vẫn tiếp tục đạt được kết quả tích cực, góp phần cùng cả nước hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2015, với tư duy và phương pháp tiếp cận chính sách giảm nghèo mới, tỉnh ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 11,67%, giảm 2,29% so với cuối năm 2014, tạo đà cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Theo thống kê, đến đầu năm 2014, số hộ nghèo toàn tỉnh còn 53.389 hộ, chiếm tỷ lệ 17,23%; trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 44.269 hộ, chiếm tỷ lệ 82,92% so với tổng số hộ nghèo. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh còn 44.164 hộ, chiếm tỷ lệ là 13,96% (giảm 9.255 hộ tương đương 3,27%); trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 37.407 hộ, chiếm 84,7% so với tổng hộ nghèo, chiếm 29,13% so với tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số và 11,83% so với tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chương trình giảm nghèo, nhiều chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo được triển khai sâu rộng như đã cấp 138.183 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, 320.263 thẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách tín dụng dành cho đối tượng này cũng được triển khai đồng bộ. Năm 2014, doanh số cho vay hộ nghèo đạt 348,537 tỷ đồng với 18.250 hộ vay, dư nợ 1.004 tỷ đồng với 62.890 hộ dư nợ. Cho vay giải quyết việc làm đạt doanh số 22,618 tỷ đồng với 1.296 hộ được vay; dư nợ 75,303 tỷ đồng với 4.568 hộ dư nợ. Nhờ có những giải pháp phù hợp mà tỷ lệ hộ nghèo ở Gia Lai giảm nhanh qua từng năm. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,56% cuối năm 2010 xuống còn 13,96% vào cuối năm 2014 và kế hoạch giảm còn dưới 11,67% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 3-4%.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là điều kiện kinh tế-xã hội, địa lý ở địa bàn có hộ nghèo nhất còn khó khăn (xuất phát điểm thấp, kinh tế chậm phát triển; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt; địa hình chia cắt; diện tích đất sản xuất giảm, chất lượng suy thoái; thiếu nguồn nước; cơ sở hạ tầng hạn chế; ít có cơ hội tiếp cận việc làm phi nông nghiệp; trình độ dân trí thấp...), phong tục tập quán lạc hậu tại một số địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số là những rào cản đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định: “Đại đa số người nghèo đều rơi vào đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nơi chưa thay đổi được tập quán canh tác, chưa áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật nên hiệu quả sản xuất không cao. Một bộ phận chưa thấy hết tầm quan trọng của đất đai nên cho thuê hoặc bán dần rồi thiếu đất hoặc không có đất sản xuất. Bởi vậy, để chương trình giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra, công tác giảm nghèo đã phải đổi mới tư duy”.
Cũng với Phó Giám đốc Sở một số giải pháp mang tính đột phá cũng được đưa ra. Theo đó, đối với hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, chính quyền các địa phương, trên cơ sở quỹ đất của mình có giải pháp hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng. Nếu không còn quỹ đất thì hỗ trợ chuyển đổi sang hình thức: chăn nuôi, đào tạo nghề, mua sắm nông cụ, máy móc. Đối với hộ nghèo do thiếu vốn, sẽ tăng cường tuyên truyền về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo để họ mạnh dạn vay. Tập trung hướng dẫn công tác khuyến nông-khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật cho người nghèo, giúp họ phát triển sản xuất có định hướng và tiêu thụ nông sản, hàng hóa….
Đối với hộ nghèo ở nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình 167 giai đoạn II đảm bảo đúng đối tượng, công khai dân chủ, ưu tiên hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo đơn thân, hoàn cảnh khó khăn, chủ hộ là nữ. Ngoài khoản cho vay với lãi suất thấp của Nhà nước, tỉnh cần lồng ghép với “Quỹ vì người nghèo” để hỗ trợ thêm tối thiểu 10 triệu đồng/hộ đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (ưu tiên chủ hộ nghèo nữ dân tộc thiểu số đơn thân nuôi con nhỏ, đông con). Tích cực triển khai và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Phân loại đối tượng hộ nghèo trong đồng bào để có giải pháp cụ thể. Đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt, nước sinh hoạt, chợ, thiết bị trường học… đến tận thôn, làng vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.
Hà Duy