Đầu tư tuyến đường đến làng Đê Kôn sau phản ánh của TTXVN

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí để đầu tư 2,9km tuyến đường đèo nối từ làng Kdung đến làng Đê Kôn.

Tuyến đường từ trung tâm xã Hra về làng Đê Kôn. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Tuyến đường từ trung tâm xã Hra về làng Đê Kôn. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Từ các bài viết do Thông tấn xã Việt Nam phản ánh, sau khi tiến hành kiểm tra thực tế, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đã có báo cáo đề xuất phương án đầu tư tuyến đường dài 6,6km, nối từ Quốc lộ 19 đến làng Đê Kôn.
Tại văn bản số 1841, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí để đầu tư 2,9km tuyến đường đèo nối từ làng Kdung đến làng Đê Kôn, nhằm giải quyết khó khăn trước mắt việc lưu thông vào làng Đê Kôn.
Về lâu dài, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Mang Yang hoàn thiện các thủ tục để đề xuất đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường này (tổng chiều dài 6,6 km) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân trong vùng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và phát triển kinh tế-xã hội của xã Hra nói riêng và huyện Mang Yang nói chung.
Trước đó, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh về sự khó khăn của hơn 50 hộ dân làng Đê Kôn, huyện Mang Yang (Gia Lai).
Cụ thể, trong mùa mưa bão, làng Đê Kôn bị cô lập bởi con đường đèo nguy hiểm nối làng Kdung và làng Đê Kôn. Sau đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã có công văn 3008/VP-CNXD ngày 8/9/2020 giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Mang Yang kiểm tra các nội dung mà báo chí phản ánh; đồng thời, đề xuất hướng xử lý, báo cáo kết quả về Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 20/9/2020.
Báo cáo 1841/SGTV-QLCLCTGT ngày 17/9 của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cũng thống nhất như thông tin như Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh.
Tuyến đường này mùa nắng bụi mù mịt, mùa mưa lầy lội khiến làng Đê Kôn bị cô lập. Hằng ngày, giáo viên và học sinh gặp nguy hiểm, khó khăn khi lên xuống núi dạy học.
Nơi đây cũng không có trạm y tế nên nhiều bệnh nhân phải chờ người nhà cõng bộ xuống núi chữa trị, thậm chí có cháu bé 2 tuổi đã tử vong do ong đốt khi đưa đi cấp cứu chậm vì phải cõng bộ xuống núi vào đầu mùa mưa năm 2020.
"Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy việc phản ánh của báo chí là đúng, hiện tại đời sống của đa số người dân làng Đê Kôn vẫn rất vất vả, chưa bắt kịp với cuộc sống xã hội hiện đại, trong đó cản trở lớn là do con đường nối từ trung tâm xã, qua làng Kdung đến làng Đê Kôn" - ông Đoàn Hữu Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết.

Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, khảo sát tuyến đường từ trung tâm xã Hra về làng Đê Kôn sau khi TTXVN có bài phản ánh. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, khảo sát tuyến đường từ trung tâm xã Hra về làng Đê Kôn sau khi TTXVN có bài phản ánh. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Tuyến đường vào làng Đê Kôn có tổng chiều dài khoảng 6,6km, trong đó đoạn Km0-Km3+700 từ Quốc lộ 19 đến làng Kdung là đường bêtông ximăng với nhiều đoạn hư hỏng, cơ bản vẫn đảm bảo lưu thông được; đoạn còn lại từ Km3+700-Km6+600 dài 2,9km là đường đất dốc cao, nhiều đoạn xói lở rất sâu, vào mùa mưa đường sạt lở, trơn trượt, hầu như không có phương tiện giao thông nào có thể ra vào làng. Mọi hoạt động giao thông của làng bị chia cắt, kể cả việc dạy và học, giáo viên phải cho học sinh nghỉ học và học bù vào thời gian khác.
Với điều kiện giao thông như vậy, việc phát triển kinh tế-xã hội rất khó khăn, dẫn đến trình độ dân trí nơi đây còn thấp và phong tục tập quán lạc hậu, công tác tuyên truyền, vận động về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hiệu quả chưa cao.
Làng Đê Kôn nằm cách trung tâm xã Hra (huyện Mang Yang) khoảng 7,2km về phía Nam, có tổng diện tích khoảng 1.675ha, là một trong những làng đặc biệt khó khăn của xã.
Làng có hơn 54 hộ dân với khoảng 238 nhân khẩu, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc Bahnar; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm gần 38%...
Từ thực tế cuộc sống khó khăn, vất vả ở nơi đây, người dân địa phương mong muốn tỉnh Gia Lai sớm triển khai thi công đoạn đường về làng Đê Kôn để thuận tiện đi lại, giao thương, học tập, góp phần cải thiện đời sống.
Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+) 

Có thể bạn quan tâm

Tại Quyết định này, UBND tỉnh công bố 15 thủ tục hành chính mới và 22 thủ tục bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

Công bố 15 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hoạt động xây dựng

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND công bố 15 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ 22 thủ tục trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.