Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 ưu tiên các dự án động lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai vừa thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với nhiều dự án lớn mang tính trọng điểm. Kế hoạch này có vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng và phục hồi kinh tế dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Nhiều dự án quy mô lớn

Theo Kế hoạch, Gia Lai sẽ có rất nhiều dự án mang tính động lực, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trong tương lai. Có thể kể tới là Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19) kết nối các huyện Đak Đoa, Chư Păh với TP. Pleiku. Đây là dự án thuộc nhóm B có tổng mức đầu tư lên tới 1.200 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương 900 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 300 tỷ đồng.

Hồ chứa Tầu Dầu 2 góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn. Ảnh: Hà Duy
Hồ chứa Tầu Dầu 2 góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn. Ảnh: Hà Duy


Ông Phùng Văn Việt-Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh-cho biết: “Dự án nhằm mục tiêu tạo động lực phát triển hành lang kinh tế phía Đông của TP. Pleiku, đồng thời tạo sự lan tỏa và thúc đẩy phát triển ở các huyện lân cận như: Đak Đoa, Chư Păh; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch được duyệt góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tuyến đường dài khoảng 16 km, bề rộng nền đường 30 m; bề rộng mặt đường 21 m; kết cấu mặt đường là bê tông nhựa. Dự án dự kiến triển khai thực hiện trong năm 2022 và hoàn thành vào năm 2025”.

Tương tự, Dự án xây dựng Nhà hát, Trung tâm Triển lãm văn hóa-nghệ thuật và Thư viện tổng hợp tỉnh mang ý nghĩa văn hóa-xã hội rất lớn cũng sẽ được bố trí vốn để đầu tư xây dựng trong giai đoạn này. Dự án có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh với quy mô dự kiến 1.000 chỗ ngồi; được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9369:2012. Vị trí khu đất xây dựng là kho Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên cũ (đường Lê Lợi) với tổng diện tích khoảng 7.800 m2. Thời gian triển khai từ năm 2022-2024. Cùng với Quảng trường Đại Đoàn Kết, Bảo tàng tỉnh,

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Nhà hát, Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và Thư viện tỉnh sẽ tạo nên một quần thể thiết chế văn hóa quan trọng mang dấu ấn văn hóa của Gia Lai, góp phần hoàn thiện bộ mặt đô thị loại I-TP. Pleiku và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Dự án đầu tư cải tạo nút giao thông Phù Đổng TP. Pleiku cũng được phê duyệt chủ trương đầu tư và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng kinh phí 120 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2024. Nói về Dự án đầu tư cải tạo nút giao thông Phù Đổng TP. Pleiku, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đánh giá: “Đây là công trình kết nối giao thông rất quan trọng. Khi hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn cho khu vực cửa ngõ thành phố, góp phần xây dựng nền giao thông hiện đại, văn minh”.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với việc triển khai hàng loạt dự án trọng điểm như: hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Plei Thơ Ga, hồ chứa nước Tầu Dầu 2, tỉnh lộ 666, đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông, đường nội thị TP. Pleiku, kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun, tỉnh lộ 662B... đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh công tác giảm nghèo.

Chủ động triển khai kế hoạch

Theo Nghị quyết số 47/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tổng vốn đầu tư phát triển trong giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách địa phương là 12.040,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn trong cân đối theo tiêu chí giai đoạn này là 4.663,6 tỷ đồng (vốn trong cân đối theo tiêu chí do tỉnh đầu tư là 2.523,6 tỷ đồng, bố trí cho 38 dự án, gồm 9 dự án chuyển tiếp, 28 dự án khởi công mới và 1 dự án thu hồi vốn ứng trước; vốn trong cân đối theo tiêu chí phân cấp huyện, thị xã, thành phố đầu tư 2.140 tỷ đồng bố trí cho 17 huyện, thị xã, thành phố).

 Thi công Dự án kè chống sạt lở bờ tả sông Ba tại huyện Krông Pa. Ảnh: Hà Duy
Thi công Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ tả sông Ba-đoạn qua khu vực xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa). Ảnh: Hà Duy
Ngày 16-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1082/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu cả nước phải xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021 nhằm thúc đẩy cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công...

Ở giai đoạn này, nguồn vốn từ tiền sử dụng đất là 6.200 tỷ đồng (gồm tiền sử dụng đất của tỉnh với 3.806,44 tỷ đồng, bố trí cho 42 dự án, trong đó có 2 dự án chuyển tiếp và 40 dự án khởi công mới và tiền sử dụng đất phân cấp cho huyện, thị xã, thành phố đầu tư 2.393,56 tỷ đồng, bố trí cho 17 huyện, thị xã, thành phố). Nguồn vốn từ xổ số kiến thiết là 794 tỷ đồng bố trí cho 22 dự án khởi công mới. Bội chi ngân sách địa phương là 50,1 tỷ đồng. Cùng với đó là vốn bố trí cho những dự án đầu tư công giai đoạn 2016-2020 chưa giao đủ vốn do các nguồn tiền sử dụng đất, nguồn xổ số kiến thiết trong năm 2019, năm 2020 thu không đạt 333,068 tỷ đồng.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn lần này đặt mục tiêu tổng quát là tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Với tầm quan trọng đó, tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Châu Ngọc Tuấn đã chỉ đạo: Đối với các cơ quan được giao quản lý dự án, các chủ đầu tư cần sớm khởi động những công việc cần làm, nhất là các dự án sẽ được khởi công trong năm 2022, các dự án có hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, các dự án có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân… cần phải lấy ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân để đảm bảo sự đồng thuận trước khi triển khai thực hiện.

 

HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất